TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

“8G” để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bền vững

15:32 18/03/2021
Logo header Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối dòng chảy của sông Mekong trước khi đổ ra Biển Đông và một phần nhỏ ra Vịnh Thái Lan. Vùng đồng bằng có diện tích gần 4 triệu ha, trong đó có trên 2,4 triệu ha đất được dùng trong việc canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng đất này là nơi cư trú và sản xuất của hơn 18 triệu dân và được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp 55% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, qua phân tích và phỏng đoán các tác động của nước biển dâng đã công nhận 3 vùng châu thổ được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp do biến đổi khí hậu là: Vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam), sông Ganges - Brahmaputra (Bangladesh) và sông Nile (Ai Cập). Tại Việt Nam, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng sẽ có đến 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ở ĐBSCL, ước tính hàng trăm ngàn hecta đất bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe dọa tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng. Ngược lại, cá nước mặn, lợ sẽ phát triển. Diện tích nuôi tôm, sò và hải sản khác có thể sẽ gia tăng trong tương lai. Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát đá xây dựng...) sẽ bị xâm lấn. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng chịu tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu. 

Phát triển kinh tế với thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Trong bối cảnh đó, việc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là điều hết sức cần thiết. Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào ngày 13/3 vừa qua, tại Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “8G” để dễ vận dụng trong thực tiễn.

Chữ “G” đầu tiên là “Giao” - Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của BĐKH. Chúng ta đưa ra Nghị quyết 120 với tinh thần là “thuận thiên”, là thích ứng nhưng “không phải chúng ta phụ thuộc trời đất, tác động thế nào cũng được mà cái chính là những công trình giao thông, thủy lợi cần phải được quan tâm, những nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào chúng ta thì cần phải được quan tâm”. 

Chữ G thứ hai là “Giáo” - Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Cụ thể là giáo dục cơ bản, hết bậc phổ thông. Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở để chuyển đổi lên bậc nấc cao hơn về năng suất và thu nhập. Thủ tướng cho rằng, vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét trong Nghị quyết 120, đề nghị bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào Nghị quyết. 

Chữ G thứ 3 là “Giang”. Theo Thủ tướng, kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL. Vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”.

Chữ G thứ tư là “Gắn” - Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắng liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Chữ G thứ 5 là “Giàu” - Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương. 

Chữ G thứ 6 là “Giỏi” - là tích cực thu hút những tri thức tài năng đóng góp cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL. 

Chữ G thứ 7 là “Già” - ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện. 

Chữ G thứ 8 là “Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, ở một góc độ nào đó, đe dọa đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Do đó cần có chiến lược để đảm bảo phụ nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Biến đổi khí hậu suy cho cùng cũng chỉ là những biến đổi mang tính ngoại sinh, một khi chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta sẽ phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21

Bình luận: 0