TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

1010 năm Thăng Long - Hà Nội Dấu ấn của lịch sử

18:09 15/10/2020
Logo header Dòng chảy 1010 năm Thăng Long - Hà Nội đã tích bồi nền văn hiến Việt Nam rực rỡ, kết tinh và lan tỏa các tinh hoa văn hóa dân tộc là đỉnh cao chói lọi của khí chất anh hùng, của tinh thần hòa bình, hữu nghị. Trong giai đoạn mới, Hà Nội quyết tâm chủ động đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu của Thủ đô.

Lễ Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội là sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân cả nước

Cách đây 1010 năm, vào mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long). Theo Thiên Đô Chiếu “...Thành Đại La, ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, vùng đất Thăng Long - Hà Nội đã tích tụ, bồi đắp nền văn hiến Việt Nam rực rỡ, kết tinh và lan tỏa các tinh hoa văn hóa dân tộc, là đỉnh cao chói lọi của khí chất anh hùng, của tinh thần hòa bình, hữu nghị. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã trải qua bao mất mát, hy sinh, mang trên mình bao dấu tích chiến tranh nhưng vẫn đang làm hết sức mình để đóng góp cho hòa bình, tiến bộ và hạnh phúc của nhân loại. 

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Việt Nam chưa từng khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào, dù mạnh hơn ta rất nhiều. Khí phách và sức mạnh Việt Nam được soi chiếu rực rỡ từ vị tiền nhân của dân tộc. Vào đúng ngày này, 66 năm về trước (10/10/1954) Thủ đô Hà Nội được giải phóng, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của thực dân xâm lược trên đất Thăng Long. Sau đó, Thủ đô lại cùng cả nước căng mình trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và tay sai, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại mùa xuân năm 1975 đem lại thắng lợi, đất nước thống nhất một nhà. Khi đó, Thủ đô lại cùng cả nước bắt tay vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Đất nước, trong điều kiện vô vàn những khó khăn, thách thức: các thành phố, làng mạc, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế bị kiệt quệ sau hơn 30 năm chiến tranh khốc liệt. Biên giới phía Nam, biên giới phía Bắc đều bị kẻ địch xâm phạm, phá hoại; các quốc gia thù địch bao vây, cấm vận. Trải qua những chặng đường khó khăn, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân Hà Nội cùng nhân dân cả nước đã vượt qua nhiều thử thách, hy sinh để giành được những thành tựu to lớn chưa từng thấy, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình, thống nhất cho đất nước, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, uy tín và vị thế ngày càng cao của quốc gia trên trường quốc tế. Ngày 16/7/1999, Hà Nội tự hào là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu này đã góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào dân tộc của người dân Hà Nội, cổ vũ động viên nhân dân đóng góp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Trong dịp này, nhiều công trình được gấp rút hoàn thiện không chỉ để kỷ niệm, tôn vinh ngày lễ lớn của Hà Nội mà còn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh – hiện đại.

Trong những năm qua thành phố Hà Nội luôn đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phát kinh tế, xây dựng đất nước. Về phát triển kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng và đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cán bộ và nhân dân thành phố đã đoàn kết đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày một phát triển vững mạnh. Với tốc độ tăng trưởng GDP là 7,31% và GDP tính theo đầu người đạt 5.710 USD/người vào năm 2020 (giai đoạn 2016-2020). Theo dự đoán, giai đoạn 2021 - 2025 mức tăng trưởng của Thủ đô có thể tăng 7,5 - 8%/năm và từ 2025 - 2030 tăng 8,5%/năm. Có thể thấy rằng, Hà Nội thực sự đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong những năm qua và sẽ có một tương lai rực rỡ trong tương lai. Điều này có thể thành hiện thực khi mà Hà Nội đã và đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng. Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được hoàn thành như Đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên…). Nhờ đầu tư cho phát triển cơ sở, hạ tầng, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 41 điểm trong năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 34 điểm (tháng 3/2020). Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Qua đó, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” vào năm 2030, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Tiến đến hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô, tăng mức GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Để hoàn thành mục tiêu trên, cần sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết của người dân Thủ đô. Quyết tâm này được thể hiện qua lời phát biểu của Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tại Lễ Kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020) diễn ra vào tối ngày 10/10/2020 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Ngày nay, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Để xứng đáng với tổ tiên, với lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc, truyền thống Cách mạng vẻ vang, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, đồng bào ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và những tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế đã dành cho Hà Nội. Với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng xây dựng Thủ đô, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, sánh vai cùng thủ đô các nước trên thế giới, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa Hòa Bình - Thống nhất - Độc lập vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh”. Đây là sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của nhân dân Thủ đô mà còn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với cả nước. 

Với sự vươn mình mạnh mẽ từng ngày, Hà Nội đã và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. 

Vũ Thắng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh Số: 32 - 20

Bình luận: 0