TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

“Bần cùng mới phải đi xe buýt”

07:38 25/06/2020
Logo header Xe buýt là phương tiện công cộng tạo nên bộ mặt văn minh, lịch sự của nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người thường xuyên đi lại bằng phương tiện được Nhà nước trợ giá này phải thốt nên rằng: “Bần cùng mới phải đi xe buýt”

Trước hết, không thể không ghi nhận nhiều cố gắng của ngành xe buýt Hà Nội trong việc giải quyết giao thông đô thị, đã vận chuyển một lượng hành khách đáng kể, đóng góp vào việc giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhưng đang có một sự thật là “Bần cùng lắm mới phải đi xe buýt”. Đó là câu nói của nhiều người đang thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông này. Họ là những ai? Đó là những người có thu nhập thấp, là cán bộ, CNV Nhà nước lương “ba cọc, ba đồng”, là sinh viên, học sinh, những người già về hưu…Tóm lại là những người nghèo trong xã hội luôn phải đi lại nhiều, không có điều kiện đi taxi hoặc sắm xe máy, xe hơi. Vì sao họ nói như vậy? Bởi vì đi xe buýt đối với họ là “cực chẳng đã”, không còn phương tiện nào khác phù hợp hơn do xe buýt đang vẫn còn rất nhiều hạn chế, khiến họ cảm thấy sử dụng phương tiện này bất tiện, phiền hà, trở ngại, mệt mỏi.

Nhu cầu đi lại bằng xe buýt ở nước ta là rất lớn

Trước hết là phải chờ đợi quá lâu. Nói là tần xuất từ 10 đến 15 phút/chuyến. Nhưng rất nhiều khi, nhiều tuyến phải chờ đến 30 phút hoặc hơn nữa mới được lên xe. Có thể lý do là bởi tắc đường mà hiện trạng này đang như cơm bữa, ngày càng trầm trọng. Rất nhiều điểm dừng xe không hợp lý. Ở nội thành mà nơi thì hàng cây số mới có điểm dừng, nơi lại chỉ một, hai trăm mét. Không ít điểm đón khách không có mái che mưa, nắng, ghế ngồi. Có điểm trước đây có, nhưng sau bị phá đi để lấy chỗ cho tư nhân trông xe kiếm tiền. Ví như điểm đỗ ở trước cửa bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Có điểm treo biển đỗ rõ ràng nhưng xe không dừng, cứ như là lừa khách (một điểm đỗ ở gần nghĩa trang xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn). Hai điểm đỗ cho hai chiều lệch nhau quá xa, có nơi đến mấy trăm mét, đã như đánh đố khách. Khi họ muốn quay trở về đã không biết điểm ngược lại ở đâu.

Mạng lưới hoạt động, lộ trình nhiều tuyến chưa hợp lý, còn vòng vèo không cần thiết khi đã có những xe buýt khác hoạt động chứ không phải là không có tuyến nào. Rất đáng phàn nàn là không phải đường một chiều nhưng chiều đi, xe đã chạy một đường, chiều về lại chạy đường khác khiến khách không biết đâu mà lần. Một ví dụ: Xe 27 chạy từ bến xe Yên Nghĩa (Quận Hà Đông) đến bến xe Nam Thăng Long (Quận Bắc Từ Liêm). Theo chiều này, đến ngã 3 Nguyễn Chí Thanh - Chùa Láng thì rẽ trái vào đường Chùa Láng rồi đi tiếp trên đường Láng. Nhưng chiều ngược lại thì đến Cầu Giấy lại không rẽ phải về đường cũ mà đi thẳng qua trạm trung chuyển này rồi đi vào đường Kim Mã, mới rẽ phải vào đường Nguyễn Chí Thanh rồi đi tiếp về Yên Nghĩa. Không có vấn đề đường một chiều để xe buộc phải tìm đường khác ở chiều ngược lại. 

Một điều khó chấp nhận là có nhiều xe chạy qua nhiều điểm dừng nhưng không đỗ đón khách mà đi thẳng. Không phải lái xe bỏ điểm mà làm theo quy định. Rất nhiều người không thường xuyên đi xe buýt thấy xe đi qua đã chờ ở điểm đỗ, nhưng “tẽn tò” vì xe mình định lên đã “phũ phàng” chạy thẳng, bỏ lại họ trong sự ngơ ngác, chẳng hiểu lý do. Có lẽ nên tuân thủ một nguyên tắc: Xe buýt đã chạy qua điểm dừng nào đó thì phải đỗ.

Luôn thay đổi lộ trình cũng là điều vô cùng phiền toái, khiến khách gặp khó khăn. Có tuyến đường cứ thay đổi lộ trình xoành xoạch. Nay thế này, vài tháng sau lại khác, lại trở lại lộ trình cũ, rồi ít bữa nữa lại thay đổi. Ví như tuyến 09B chạy từ Bờ Hồ đến Mỹ Đình. Tuyến này trước đây chỉ là 09 chạy vòng tròn từ Bờ Hồ qua nhiều tuyến phố, cuối cùng lại về điểm xuất phát. Nhưng về sau chia thành 09A và 09B. Tôi muốn nói sự thay đổi lộ trình liên tục của tuyến này gây bất bình cho khách.

 
Ngành Vận tải hành khách công cộng đã đầu tư hạ tầng cho xe buýt khá tốt, nhưng sự vận hành và phong cách phục vụ thì ngày một xuống cấp.

Có xe buýt đã biến thành xe chở hàng cho đám người đi buôn. Đó là xe số 15 chạy từ bến Gia Lâm đến TTTM Bình An (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn). Hàng ngày, cứ vào khoảng 6  đến 7 giờ sáng là có mấy bà buôn ném hàng lên xe tại điểm dừng gần UBND xã Trung Giã để mang hàng về nội thành. Hàng của họ chủ yếu là hoa quả. Mặt sàn xe để hàng thì ắt là gây chật chội, khó chịu cho khách mà lẽ ra họ được thoải mái. Tất nhiên, lái và phụ xe không cho họ để hàng nhờ mà thu tiền. Chắc chắn tiền đó sẽ vào túi 2 nhân viên này. Như vậy, họ đã sử dụng phương tiện của nhà nước nhằm phục vụ khách để trục lợi cá nhân.

Có một thực trạng khách đã kêu ca từ lâu nhưng đến nay vẫn không được khắc phục. Đó là xe không có rèm che nắng. Đến mùa hè thì khách bị tra tấn bởi nắng như lửa rọi vào. Từng có những cụ già, trẻ em bị say nắng trên xe do ngồi trong xe mà như ngồi ngoài trời nắng. Xe buýt ở TP.HCM đã rất chú ý che rèm để che nắng. Nhưng Thủ đô thì không. Việc này đâu có tốn kém gì đáng kể mà ngành xe buýt nỡ “tra tấn” khách?

Cuối cùng là thái độ phục vụ của đa số các lái, phụ xe chưa tốt. Còn biểu hiện hỗn xược, vô cảm, bất lịch sự với khách. Không ít người chỉ gật và lắc đầu mỗi khi khách hỏi (có khi đáng tuổi ông bà, bố mẹ mình) mà trả lời khách về các tuyến xe là phận sự họ phải làm theo quy định đã ghi rõ trên xe, ai cũng đọc được. Cũng ở bảng nội quy này, cần giữ trật tự nhưng chính họ đã nói chuyện rất to với nhau, nhiều khi nói những lời tục tĩu, chửi thề rất vô văn hóa. Họ bật nhạc rất to, lại toàn loại nhạc “rẻ tiền” khiến khách đinh tai, nhức óc, nhất là người già. Trong khi đó, chỉ cần ai đó vô ý nói chuyện hoặc khẽ huýt sáo miệng đã lập tức bị nhắc nhở. Đến các điểm đỗ, họ luôn giục khách nhanh chân, bất kể đó là người già hay trẻ em.  Đến điểm cuối cùng, có người còn xua khách xuống như đuổi gà. Nếu ai đó chót ngủ quên, lập tức bị họ mắng nhiếc không tiếc lời. Và lái xe luôn vội vã, dừng xe rất nhanh, chỉ vài giây tại mỗi điểm dừng. Rất nhiều khi không dửng hẳn mà bánh xe vẫn còn lăn chậm khiến người có tuổi rất sợ, và thực tế đã có tai nạn xảy ra. Nhưng lại có hiện tượng kỳ cục: Nhiều xe sắp về tới bến (cách chừng dăm, bảy trăm mét) đã để xe lăn bánh như rùa bò khiến khách vô cùng sốt ruột. Hỏi ra mới biết nếu về bến cuối cùng sớm quá mức quy định thì lái xe sẽ bị phạt. Chắc có quy định này là để lái xe không phóng nhanh, vượt ẩu. Vậy thì nên chăng là thay thế quy định này bằng quy định mỗi điểm dừng đỗ không được ít hơn 10 giây (chẳng hạn).

Có một quy định đối với lái xe nhưng hầu như không người nào chấp hành. Đó là khi đến điểm đón khách, phải táp xe vào sát vỉa hè với khoảng cách 20-30cm. Đây là một quy định rất cần thiết để khách có thể lên, xuống xe thuận tiện và để xe máy, xe đạp không thể đi chen vào, gây nguy hiểm cho khách lên, xuống xe. Phần nhiều, họ cho xe dừng cách hè hàng mét khiến người lên, xuống xe buộc phải bước xuống đường.

Tóm lại là khách đi xe cảm thấy mình luôn không được tôn trọng. Họ mất tiền nhưng thấy cứ như đi nhờ. Tất nhiên, không phải mọi lái, phụ xe đều như trên mà cũng người tốt, làm tròn phận sự, có trách nhiệm với công việc nhưng số này còn quá ít, chiếm tỷ lệ nhỏ so với số đáng chê trách, cần được giáo dục, nắn chỉnh.

Như đã nói, không phủ nhận ngành xe buýt đã có những cố gắng trong việc phục vụ khách bằng việc gia tăng lượng xe, mở thêm tuyến, thay nhiều xe đã cũ… Nhưng chừng ấy chưa đủ và quan trọng là phải luôn biết đặt lợi ích, sự thuận lợi, thoải mái của khách lên trên hết, khiến họ cảm thấy được tôn trọng. Chừng nào chưa làm được việc này thì mọi cố gắng khác cũng vô nghĩa và chớ mong khách tìm đến xe buýt như kỳ vọng của ngành GTVT.

Những điều trên rải rác đây đó đã được báo chí nhắc đến. Có nhà báo cho biết đã từng viết bài, nêu những hạn chế của xe buýt rồi gửi đến các vị đứng đầu Sở GTVT Hà Nội, đứng đầu ngành xe buýt. Nhưng không nhận được bất cứ sự hồi âm nào. Và tình hình đâu vẫn hoàn đấy, không được cải thiện. Ngành xe buýt, trên đó là GTVT Hà Nội không thấy vấn đề hay thấy mà cố tình phớt lờ? Chắc họ không mong dân quay lưng lại với mình mà muốn số lượng người tìm đến xe buýt mỗi ngày một nhiều hơn. Muốn vậy, không thể để tình hình như hiện tại. Đôi điều vạch ra trong bài này là hoàn toàn khả thi để khắc phục. Vấn đề là những người có trách nhiệm có vì hành khách không mà thôi.

Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 16 - 20

Bình luận: 0