TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý – một khía cạnh bảo hộ thương hiệu

15:04 24/04/2022
Logo header Tóm tắt: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Chỉ dẫn địa lý là một nội dung quan trọng được ghi nhận trong các văn bản pháp quy như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định TRIPS của WTO…. Điều này là cơ hội cũng là thách thức đối với Việt Nam, một quốc gia nông nghiệp với nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Trước thực trạng nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ, việc nghiên cứu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý trở nên cần thiết trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Từ khóa: Bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, pháp lý, kinh doanh…

1. Tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý trong thương mại

Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý như một sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm xuất phát từ một phương pháp sản xuất truyền thống, con người, yếu tố địa lý tự nhiên của vùng miền. Chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng trong thương mại cũng như trong nông nghiệp.

Thứ nhất, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý có tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm thông thường, góp phần xúc tiến thương mại giúp sản phẩm khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai, chỉ dẫn địa lý giúp thương mại được xúc tiến, tạo động lực cho sản xuất đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, từ đó tác động tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp về chất lẫn về lượng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thứ ba, bảo hộ chỉ dẫn địa lý tạo căn cứ pháp lý cho các nhà sản xuất sản phẩm có chỉ dẫn địa lý bảo vệ quyền lợi của mình và người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra góp phần chống hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ hoạt động sản xuất truyền thống. Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm được loại trừ rủi ro nhầm lẫn giữa sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và các sản phẩm khác.

2. Những vấn đề pháp lý về bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Vấn đề về sự tách bạch giữa quyền sở hữu và sử dụng chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009 tương đồng với cách tiếp cận của Pháp và các nước thuộc liên minh châu Âu, theo đó quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không thể coi là quyền tư hữu. Chủ sở hữu là nhà nước trong khi người sử dụng và hưởng lợi từ chỉ dẫn địa lý là các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý. Khi người sở hữu và người sử dụng là hai chủ thể khác nhau việc đăng ký bảo hộ trì trệ, quản lý chất lượng chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, các quyền thương mại liên quan đến chỉ dẫn địa lý bị hạn chế là điều không thể tránh khỏi.

Như trường hợp phản ứng chậm của Hội nước mắm Phú Quốc khi công ty Viet Huong Trading Company Limited một công ty Trung Quốc cố tình đăng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc trên nhãn hiệu của công ty này tại Hong Kong Trung Quốc  hay việc chúng ta mất chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Mê Thuột cũng từ nguyên nhân này. Các Hội là tổ chức được nhà nước giao quyền quản lý các chỉ dẫn địa lý. Theo quy định pháp luật, để công bằng các Hội phải trung lập không trực tiếp kinh doanh hàng hóa có chỉ dẫn địa lý nên không bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, còn các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất kinh doanh hàng hóa có chỉ dẫn địa lý lại trông chờ vào nhau dẫn đến hiện tượng cha chung không ai khóc.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây có nên tư hữu chỉ dẫn địa lý để có cơ chế quản lý tốt hơn, linh hoạt hơn. Hoa Kỳ là quốc gia tư hữu chỉ dẫn địa lý thông qua nhãn hiệu chứng nhận. Sự tư hữu này hiệu quả ở chỗ vẫn đảm bảo được tính tập thể trong việc sử dụng và đầu tư vào việc thương mại hoá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tức là chỉ dẫn địa lý đó vẫn đặt dưới sự giám sát của tập thể, của cộng đồng. Cụ thể: dù quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận là quyền tư hữu nhưng để bảo vệ các nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bất kỳ bên thứ ba liên quan nào đều có thể phản đối việc đăng ký hoặc yêu cầu huỷ bỏ đăng ký theo các thủ tục như đối với nhãn hiệu thông thường. Do đó, nếu cho rằng cơ quan chứng nhận không tuân thủ các tiêu chuẩn đã đưa ra hoặc từ chối không có lý do chính đáng việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của một tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân liên quan có thể nộp đơn phản đối hoặc yêu cầu huỷ nhãn hiệ chứng nhận đó hoặc kiện lên toà án liên bang.

Vấn đề xung đột quyền bảo hộ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Còn Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Về bản chất, sự khác biệt cơ bản giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là sự khác biệt giữa một bên là tài sản của doanh nghiệp một bên là tài sản của cộng đồng. Nếu nhãn hiệu là tài sản riêng của doanh nghiệp, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ trở thành tài sản chung của cộng đồng, vùng, thậm chí quốc gia và có thể coi là di sản văn hóa nếu chỉ dẫn đó gắn với các truyền thống văn hóa dân tộc. Do đó, tất cả mọi nhà sản xuất, tuân thủ điều kiện sản xuất và phân phối của yêu cầu chỉ dẫn địa lý, đều có quyền đề nghị được sử dụng tên chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình.

Về bảo hộ, giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý lại có sự xung đột pháp lý.

Sự xung đột về quyền bảo hộ giữa Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cũng gây những khó khăn nhất định cho công tác bảo hộ. Tại Khoản 17, 18 Điều 4 của Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, pháp luật công nhận 2 loại nhãn hiệu là Nhãn hiệu chứng nhận và Nhãn hiệu tập thể.

Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Có thể thấy, dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu và dấu hiệu được bảo hộ là Chỉ dẫn địa lý có một phần trùng nhau. Những dấu hiệu có chức năng khác nhau về mục đích sử dụng thì sẽ được bảo hộ theo những hình thức khác nhau theo Luật định.

 Tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với một hệ thống riêng. Tuy vậy, quy định về việc ưu tiên giữa nhãn hiện và chỉ dẫn địa lý vẫn là ở thời gian đăng ký bảo hộ. Mối quan hệ xung đột giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là vấn đề pháp lý vẫn còn gây tranh cãi ở Việt Nam. Theo Khoản 2, Điều 72 và Điểm a, Khoản 2, Điều 42, Luật sở hữu trí tuệ 2005 nếu nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa sẽ được coi là không có dấu hiệu phân biệt và không đáp ứng được điều kiện đăng ký bảo hộ. Và cũng sẽ không công nhận chỉ dẫn địa lý nếu chỉ dẫn đó trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.

 Như vậy, về mặt pháp lý việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam chưa được quy định rõ ràng, còn nhập nhằng, chồng chéo với các quy định về bảo hộ nhãn hiệu tạo ra sự xung đột về quyền bảo hộ.

 Vấn đề về cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý

Theo hướng dẫn hiện hành của Việt Nam thì quản lý chất lượng chỉ dẫn địa lý là sự kết hợp giữa ba khâu: tự quản lý, quản lý nội bộ và quản lý ngoại vi.

Cụ thể:

Tự quản lý: là việc quản lý chất lượng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý bởi chính các hộ sản xuất. Việc tự quản lý nhằm đảm bảo danh tiếng của chỉ dẫn địa lý đồng thời cũng đảm bảo danh tiếng cá nhân của các hộ sản xuất, tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm cùng loại.

Quản lý nội bộ: được thực hiện bởi Tổ chức tập thể các nhà sản xuất địa phương. Tổ chức này có nhiệm vụ: tiến hành kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu; định hướng, kiểm tra, giám sát về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm; xác nhận cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ; giám sát việc tuân thủ các quy định trong sản xuất, chế biến; kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sử dụng giữa hộ sản xuất và hộ chế biến, hộ thương mại.

Quản lý ngoại vi: hoạt động quản lý ngoại vi tập trung vào khâu lưu thông và khai thác thương mại các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm phát hiện ra hàng giả hoặc không đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Việc quản lý ngoại vi thường do các tổ chức công thực hiện.

Thực trạng quản lý chất lượng chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam còn chưa đồng bộ giữa các khâu quản lý. Mỗi chỉ dẫn địa lý lại được quản lý một hướng khác nhau.

Vấn đề đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc tế

Mỗi quốc gia còn tùy thuộc vào thế mạnh riêng và lợi ích của quốc gia mình mà có thái độ khác nhau đối với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Do có truyền thống sản xuất gắn với uy tín mang tính địa phương đặc thù, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Các nước châu Âu, điển hình là Pháp coi chỉ dẫn địa lý là đối tượng hết sức quan trọng à bảo hộ thông qua một hệ thống quy định riêng biệt56. Hoa Kỳ lại không thực sự coi trọng việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hoa kỳ cho rằng chỉ dẫn địa lý là một dạng của nhãn hiệu vì có cùng chức năng chỉ dẫn nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với nhà sản xuất như nhãn hiệu. Theo Hoa Kỳ, không cần thiết phải thiết lập một hệ thống riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bởi lẽ, Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ, không có các sản phẩm nông nghiệp hay thủ công nghiệp mang tính truyền thống.

Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc tế là một công việc không hề đơn giản. Không có một hệ thống bảo hộ quốc tế thống nhất cho tất cả các nước trên hành tinh này như hệ thống bảo hộ quốc gia. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc tế phải được tiến hành từng khâu một, ở từng quốc gia khác nhau và chịu sự chi phối lớn của hệ thống pháp luật quốc gia nơi đăng ký chỉ dẫn địa lý, đồng thời cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật nước này với nước khác trong quan điểm của từng quốc gia về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc tế thực chất là bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo pháp luật quốc gia mà hàng hóa nước ta xuất khẩu đến. Như vậy, để bảo vệ được quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý quốc tế ta cần tìm hiểu pháp luật quốc gia nước nhập khẩu để nhanh chóng đăng ký để được bảo hộ. Vì rào cản ngôn ngữ, văn hóa, sự bất tương thích trong pháp luật, việc tìm hiểu luật các quốc gia khác không phải dễ dàng. Tham gia vào các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ giúp ta hạn chế những khó khăn trên, như Công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Thoả ước Madrid (1891) về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa quốc tế đã quy định về chỉ dẫn nguồn gốc, Thoả ước Lisbon (1958) về bảo hộ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ của hàng hoá.

3. Kết luận

Chỉ dẫn địa lý là một khía cạnh của thương hiệu, là yếu tố giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam được bảo hộ theo một hệ thống riêng biệt với nhãn hiệu. Nhà nước xác lập chế độ công hữu chỉ dẫn địa lý, tách bạch giữa chủ sở hữu và người có quyền sử dụng và hưởng lợi từ chỉ dẫn địa lý dẫn đến không hiệu quả trong đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý chưa thống nhất, minh bạch dẫn đến xung đột quyền bảo hộ giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận. Vấn đề quản lý chất lượng các chỉ dẫn địa lý chưa hiệu quả cũng là một vấn đề quan trọng trong công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp này. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc tế còn chậm dẫn đến mất nhiều chỉ dẫn địa lý do đã có danh nghiệp nước ngoài đã đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Chúng ta cần xem xét có nên tư hữu chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo quan điểm hiện đại, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý quốc tế, tìm hiểu pháp luật về chỉ dẫn địa lý các nước đối tác, tham gia vào các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.

ThS. Hồ Thị Thanh Trúc (Trường Đại học Tài chính – Marketing)

ThS. Hoàng Xuân Sơn (Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM)

Bài viết đăng trong Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng và Bảo vệ thương hiệu”.

 

Bình luận: 0