TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Bất cập trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi – Kỳ 5: Tranh chấp đất đai kéo dài

23:22 14/10/2021
Logo header Việc thực hiện cưỡng chế đất nông nghiệp của người dân để giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền đất ở không thông qua đấu thầu, đấu giá đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân hơn 10 năm qua.

Với mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2021, thành phố Sông Công đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các khu dân cư theo quy hoạch. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế về năng lực nhận thức và thực hiện pháp luật, nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai thời gian qua trên địa bàn đã bộc lộ rõ. Theo báo cáo số 3171/BC-UBND của UBND thành phố Sông Công, chỉ trong năm 2020, UBND thành phố Sông Công đã tiếp nhận tổng số 46 đơn đề nghị, kiến nghị trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, môi trường. Trong số đó, Dự án xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công là một trong những dự án tồn tại nhiều bất cập và bức xúc liên quan đến người bị thu hồi đất.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Như Tri thức Xanh đã thông tin tại các kỳ trước, dự án xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt ngày 29/12/2011 theo hình thức BT, giao UBND thị xã Sông Công (nay là thành phố Sông Công) tổ chức đàm phán và ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Lộc. Ngày 19/9/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh Dự án, chấm dứt BT và  giao cho Công ty Thiên Lộc thực hiện Dự án (bao gồm cả khu dân cư).

Đơn kiến nghị, đơn kêu cứu chưa được giải quyết

Bức xúc của nhân dân khiến tranh chấp kéo dài!

Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công (nay là thành phố Sông Công) thì quá trình thực hiện Dự án xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi tồn tại rất nhiều sai phạm từ hơn 10 năm nay. Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Lộc (Công ty Thiên Lộc) theo Quyết định số 3338/QĐ-UBND ngày 29/12/2011 thực hiện dưới hình thức hợp đồng BT. Ngoài những bất cập về việc giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu, đấu giá, công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập khiến người dân bức xúc; công tác đo đạc thiếu khách quan, thu hồi đất trái quy định pháp luật dẫn đến tranh chấp kiện tụng qua nhiều năm nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Phản ánh với Tri thức Xanh, ông D.Đ.T (trú tại TDP Ưng, phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công) cho biết, ngày 16/11/2020, UBND thành phố Sông Công có văn bản quyết định số 1917/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Thắng Lợi, trong đó có phần diện tích đất của gia đình ông T. Theo đó, ngày 22/4/2021, UBND thành phố Sông Công ra Quyết định số 702/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi diện tích đất của gia đình ông T. 

Thời gian cưỡng chế từ ngày 23/4/2021 đến ngày 10/9/2019. Theo ông T thì thời điểm đó, Ông đang khởi kiện UBND Thành phố Sông Công đến Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên liên quan đến việc thu hồi đất trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, UBND thành phố Sông Công vẫn ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất khiến gia đình ông vô cùng bức xúc.

Mặc dù thực hiện nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điều 62 Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh Thái Nguyên không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu thực hiện dự án có sử dụng đất.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/04/2015 do Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tư pháp, “Quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm: Đất Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai; thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai”.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên lại không thực hiện theo quy định của pháp luật mà cưỡng chế thu hồi đất của nhân dân để giao cho doanh nghiệp kinh doanh, phân lô bán nền không thông qua đấu thầu, đấu giá. Doanh nghiệp được tự ý quyết định và hưởng lợi chênh lệch địa tô hàng chục lần so với đất nông nghiệp bị thu hồi. Chính vì vậy, đây là nguồn cơn gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân trong lĩnh vực đất đai diễn ra gay gắt, ngày càng phức tạp.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rất rõ về “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Việc đại diện cho quyền sở hữu toàn dân của cơ quan hành chính là một trọng trách rất lớn; tuy nhiên, việc quản lý đất đai, giao đất, cho thuê đất một cách tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật đã và đang gây thất thu ngân sách nhà nước nghiêm trọng. Nhân dân thì bức xúc khi tư liệu sản xuất bị thu hồi với mức hỗ trợ thấp để phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp.

Trước những dư luận của xã hội và phản ánh của công dân yêu cầu Ban Biên tập cho ý kiến về những bất cập trong thực hiện dự án, căn cứ theo Điều 39 Luật Báo chí 2016; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp cận thông tin và 12 Luật chuyên ngành có liên quan đến dự án, Tri thức Xanh đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên chủ động công khai hồ sơ dự án và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để trả lời công dân và công bố bài viết được khách quan, bảo đảm hơi thở của pháp luật và hơi thở cuộc sống là thực hiện theo pháp luật, đúng luật, thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, các cơ quan, ban ngành của tỉnh Thái Nguyên đến nay vẫn cố tình né tránh, thậm chí có dấu hiệu bao che cho những vi phạm pháp luật. Xét ở góc độ thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo Luật Tiếp cận thông tin; Luật Phòng, chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các luật chuyên ngành, Tạp chí nhận thấy các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên chưa đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, lợi dụng vấn đề tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí để né tránh cung cấp hồ sơ, tài liệu, có dấu hiệu bao che cho những hành vi trái pháp luật của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Dự án.

Với những tồn tại, bất cập nêu trên, trong khuôn khổ Chuyên đề “Pháp luật và thực hiện pháp luật về Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư, xây dựng và đất đai ở Việt Nam”, và Chuyên đề: “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, Tri thức Xanh sẽ đi sâu phân tích, làm rõ quy định pháp luật và thực hiện pháp luật tại dự án nêu trên trong các kỳ tiếp theo.

Hồng Đức và nhóm PVĐT / Tri thức Xanh số 78-21

Bình luận: 0