TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Bức tranh “quần mã”

14:57 23/07/2020
Logo header Ông Hoài đi ra đi vào với vẻ sốt ruột. Hôm nay đã là mùng hai, “Mùng một sớm mai, mùng hai đầu tháng”, thế mà hiệu tranh của ông vẫn chẳng có ma nào nhòm ngó. Thế này thì không khéo cả tháng lại ế ẩm chứ chẳng chơi...

Ảnh minh họa

Bỗng có một người đàn ông dựng chiếc xe máy cũ kỹ trước cửa hiệu. Người này cắp theo một chiếc ống nhựa dài mà người ta thường đựng tranh. Vẻ kham khổ với chiếc áo vét cũ và chiếc khăn phu - la quấn quanh cổ, ăn mặc không đủ ấm nên đứng co ro trong cái rét đầu đông, ông khách chào chủ hiệu rồi hỏi:

- Thưa cửa hiệu ông có nhận tranh gửi bán không?

Ông Hoài ngán ngẩm lắc đầu:

- Thông thường thì thì tôi vẫn nhận đấy, vì cửa hàng tôi nhiều tranh đẹp, tranh tốt nên người ta thường đến mua. Nhưng năm nay chắc do dịch bệnh, ế ẩm quá ông ạ, nên tôi cũng ít nhận tranh gửi bán... Nhưng mà, ông có tranh gì đấy?

Ông khách lấy trong ống nhựa ra một cuộn giấy, trải ra mặt bàn. Đó là bức tranh vẽ một bầy ngựa đang chạy trên đồng cỏ, từ tốn nói: 

- Chẳng giấu gì bác, tôi là họa sỹ quê thôi, nhưng đã dồn hết tâm trí và thời gian gần như cả năm nay để sáng tác nên bức tranh “quần mã” này chờ bán vào dịp Tết. Nhưng nay thì túng quá nên đành phải bán đi. Mong bác cứ bày bán giúp tôi, nhỡ đâu có người thích chơi tranh ngựa...

Tranh ngựa thì trong cửa hiệu của ông Hoài hiện đang treo đủ các loại, tranh vẽ có, tranh thêu có, tranh gỗ có, loại của Tàu, loại của Tây, loại của Ta đủ cả. Tuy nhiên nhìn vẻ tội nghiệp của ông khách, ông Hoài bèn nói:

- Thôi được tôi sẽ treo giúp ông. Biết đâu có người lại thích. Nhưng ông định bán bao nhiêu?

- Dạ... vì là tranh vẽ tay, màu vẽ toàn của ngoại, lại vẽ kỳ công, xin bác bán cho với giá năm chục triệu. Bác cứ trừ công bán gần một nửa. Tôi chỉ xin ba mươi triệu là đủ cho cả nhà tiêu pha qua cái đợt này...

Ông Hoài sửng sốt thấy nhà họa sỹ quê đòi cái giá quá cao. Nhưng nghĩ chẳng mất gì, với lại ông ta cho mình hẳn gần một nửa. Biết đâu có khách thích, trả hơn ba mươi triệu thì mình cứ bán, sau khi trả cho họa sỹ, còn được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, có mất gì đâu. Vì vậy ông Hoài nhận bức tranh. Rồi ông sai thợ lấy một chiếc khung đẹp, lồng kính bức tranh và treo cùng những bức tranh ngựa khác tại cửa hiệu.

Ngày hôm sau, buổi sáng, ông Hoài bán được một số tranh, trong đó có cả mấy bức tranh ngựa. Nhưng chưa có ai ngó ngàng đến bức tranh “quần mã” của nhà họa sỹ quê. 

Buổi chiều, có hai người đi ô tô sang trọng đỗ trước cửa. Ông Hoài mừng quýnh thầm nghĩ: trông khách sang thế kia thì chắc mua tranh nhiều đây.  Hai vị khách ngắm nghía tranh, nhưng cứ lắc đầu quầy quậy với vẻ không  ưng ý. Rồi họ tiến đến dãy tranh ngựa săm soi, nhưng vẫn lắc đầu chê bai. Nhưng một ông bỗng lộ vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ (điều này không thoát được khỏi sự quan sát lão luyện của ông Hoài, vì ngày nào mà ông chả quan sát vẻ mặt khách để đoán tâm trạng họ). Ông khách hết sức chăm chú ngắm bức tranh “quần mã” của nhà họa sỹ quê. Rồi ông vẫy bạn đến gần, trầm trồ thật nhỏ. (Nhưng ông Hoài căng tai nghe được hết nội dung câu chuyện giữa họ):

- Này, sao ở đây lại xuất hiện một bức tranh ngựa đẹp và giá trị đến thế nhỉ?

- Ừ, tôi cũng thấy thế, không phải tranh chép đâu ông ạ. Tranh vẽ tay đấy. Đẹp không kém tranh ngựa của Tề Bạch Thạch hay Lê Vi Tan đâu ông ạ. Chắc là giá cao lắm đấy...

- Kệ, cao bao nhiêu cũng phải mua cho bằng được, kẻo có người khác mua mất thì hoài của.

Trao đổi xong, hai người khách tiến lại gần ông Hoài lúc này đang giả vờ như không nghe thấy gì. Một ông khách rụt rè lên tiếng:

- Này ông chủ… chúng tôi định mua bức tranh “quần mã” kia kìa... Cái tranh trông thì cũng tàm tạm, nhưng phải tội là giấy vẽ kém quá, không dày và bóng... Vậy nó có giá bao nhiêu hả ông?

Một con tính thoáng qua rất nhanh trong đầu, ông Hoài nói giọng chắc nịch:

- Tranh ấy người ta gửi tôi bán ba trăm triệu, ông ạ.

- Ba trăm triệu kia à? Sao cao thế?

Ông Hoài nhẹ nhàng giải thích:

- Không cao đâu ông ạ, tranh ấy được một họa sỹ giỏi từng du học nhiều năm bên Trung Quốc, bên Italia về vẽ đấy. Ông ấy đã dành hơn ba năm trời và tất cả tài năng, tâm huyết để hoàn thành nên tác phẩm này. Vì vậy bức tranh có pha trộn phong cách của các họa sỹ thiên tài Tề Bạch Thạch và Lê Vi Tan, hòa lẫn phong cách của một họa sỹ tài năng, tiêu biểu cho tinh hoa của giới họa sỹ Việt Nam... Hơn nữa, bức tranh đó lại toàn dùng màu ngoại đắt tiền. Như vậy tôi thiết tưởng bức tranh có giá ba trăm triệu là quá rẻ chứ ạ. 

Hai ông khách lắc đầu nhìn nhau, có vẻ thán phục trước sự hiểu biết rộng rãi của ông chủ hiệu tranh. Rồi một ông năn nỉ:

- Hì hì hì...ừ thì chúng tôi đồng ý với ông, quả là bức tranh rất có giá trị. Nhưng cứ mạnh dạn xin ông bớt cho chút ít. Vì đã là mua bán thì phải có mặc cả, có giảm giá chứ ạ? Hì hì hì...

Sau một hồi cò kè, cuối cùng, hai bên đồng ý cái giá hai trăm tám mươi triệu đồng. Tuy nhiên lúc thanh toán, khách cho biết vì không nghĩ sẽ mua được bức tranh có giá trị cao như vậy, nên chỉ mang theo ít tiền. Vì vậy họ tạm đặt trước ba mươi triệu đồng. Ba hôm sau khách sẽ quay lại lấy tranh và thanh toán đủ. 

Hai ông khách ra về sau khi đã ngắm nghía bức tranh chán chê và dặn đi dặn lại ông Hoài không được bán cho ai. Họ còn cẩn thận cho số điện thoại và ghi lại số điện thoại của ông Hoài rồi đề nghị ông Hoài gỡ luôn bức tranh khỏi khung, dùng giấy bóng cuộn chặt và cất vào tủ khóa lại, mới yên tâm ra về...

Ông Hoài mừng khấp khởi, chờ đến ngày hai ông khách quay lại. Nhưng chợt ngày hôm sau nhà họa sỹ quê lại đến. Vừa gặp ông Hoài, nhà họa sỹ cho biết:

- Báo cáo bác, có người muốn mua bức tranh của em. Bác cho em xin lại bức tranh, và cho phép em gửi bác ít tiền lệ phí treo tranh mấy hôm nay...

Ông Hoài hoảng quá, vội tìm cách hoãn binh:

- Ấy... mấy hôm nay cũng có người hỏi mua tranh... anh cứ để đây tôi bán cho, thế nào cũng bán được giá tốt đấy...

- Thôi bác ạ. Em đã hứa với người ta rồi, bác cứ cho em xin lại bức tranh. Em xin gửi bác một triệu tiền lệ phí...

Trước sự cương quyết của nhà họa sỹ, ông Hoài đành tìm kế khác:

- Thế người ta định mua tranh của ông giá bao nhiêu?

- Chả giấu gì bác, có người đòi mua tranh của em bác ạ. Ấy hôm nọ họ có đến nhà xem kỹ rồi nhưng lại chưa mua, chắc vì thiếu tiền. Nay họ đến nhà đòi lấy tranh, em bảo gửi đi bán rồi, nhưng họ không nghe, đòi mua bằng được với cái giá hai trăm triệu. Vì vậy em phải đến bác để xin lại tranh...

Trước tình thế bất ngờ, ông Hoài nhanh trí bảo nhà họa sỹ chờ một lát, rồi bước vội vào buồng trong, gọi luôn điện thoại cho hai ông khách mua tranh hôm nọ, hỏi bao giờ thì họ lấy tranh. Được trả lời ngay ngày mai họ sẽ đến lấy, ông yên tâm, nhẩm tính thật nhanh, rồi bước ra trao đổi với nhà họa sỹ quê:

- Thôi thì thế này, anh đã mất công đưa tranh đến đây rồi, để tôi mua lại. Thôi thì tôi cũng trả anh đúng hai trăm triệu. Mà anh không phải giả lệ phí treo tranh nữa, thế được chưa?

Tần ngần một lúc, nhà họa sỹ quê đành gật đầu:

- Thật tình là em nể bác quá... đến nước này thôi thì em phải để cho bác chứ còn biết làm thế nào. Em đành về xin lỗi người ta, bảo tranh đã bán rồi vậy...

Ông Hoài mau mắn lấy hai trăm triệu trong tủ - số tiền gom góp bấy lâu nay - đưa cho nhà họa sỹ quê. Nhà họa sỹ nhận tiền, không quên cám ơn ông rồi mới lên xe máy phóng đi...

Ngày hôm sau, chờ hết buổi sáng mà không thấy hai ông khách đến lấy tranh, ông Hoài sốt ruột quá. Lại chờ đến hết buổi chiều, cho đến tối mịt, vẫn không thấy tăm hơi hai ông khách đâu. Không thể chờ thêm, ông Hoài liền gọi điện thoại cho hai ông khách. Nhưng chỉ nghe thấy tiếng tút tút liên tục. Rồi cuối cùng là tiếng “tò te tí...” và điện thoại tắt ngấm...

Cho đến mấy ngày sau, vẫn không tài nào liên lạc được với hai ông khách. Ruột gan ông Hoài như có lửa đốt. Nhân có một ông bạn đến chơi, ông Hoài đem chuyện phàn nàn với bạn, rồi lấy bức tranh cho bạn xem. 

Ngắm nghía bức tranh “quần mã”, vốn là tay thạo tranh và lão luyện trường đời, ông bạn vỗ đùi đến đét mà rằng:

- Đây chỉ là bức tranh chép lại tranh ngựa của Lê Vi Tan. Nó có giá khoảng ba triệu đồng là cao nhất. Thế là bác trúng kế bọn gian rồi, cả tay họa sỹ và khách mua tranh đều cùng một bọn. Trừ đi ba chục triệu chúng đã đặt trước, như vậy bác đã mua bức tranh này với cái giá một trăm bảy mươi triệu đồng. Chúng thả con săn sắt, bắt con cá rô. Đơn giản vậy mà người sành sỏi như bác cũng trúng kế của chúng thì tôi thật lấy làm lạ...

Ông Hoài chợt hiểu ra, ngồi im như trời trồng...

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20

Bình luận: 0