TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

"Buông lỏng quản lý" Cụm từ không hẳn đã chính xác

19:16 02/07/2020
Logo header Lâu nay, ở nơi nào xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực như vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, lãng phí v.v.., chúng ta vẫn nói ở đó có sự “buông lỏng quản lý”. Cụm từ này dễ hiểu, chẳng có gì phải giải thích: Lãnh đạo quan liêu, bàng quan, thiếu đi sâu đi sát để cho cấp dưới làm bậy, sai nguyên tắc, quy định, có khi tự tung tự tác dẫn tới những hậu quả xấu, tổn hại đến ngân sách hoặc làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Nhưng sự thật không như vậy, hay nói chính xác hơn là không hoàn toàn như vậy. Có thể có những người quản lý lơ là, tắc trách hoặc do chủ quan, quá tin ở cấp dưới mà bỏ qua việc giám sát chặt chẽ mọi việc làm của họ trong thực thi công vụ. Ở trường hợp này, ta nói lãnh đạo “buông lỏng quản lý” là chính xác. Nhưng những trường hợp này không nhiều. Ở những nơi để xảy ra nhiều bê bối bị người dân bất bình, tình hình phổ biến hơn là những người có trách nhiệm đã không hề “buông lỏng” mà ngược lại, rất sát sao, bám sát, nắm rất chắc cấp dưới làm liều, làm bậy nhưng đã tảng lờ, thậm chí còn đồng lõa, tiếp tay để ăn chia, để được nhận hối lộ hậu hĩnh. Họ cần vét cho đầy túi tham. Nhưng không thể một mình làm được mà phải thông qua cấp dưới. Vậy thì làm sao họ có thể “buông lỏng” để kẻ xấu ở dưới dễ dàng bịt mắt mình, dễ dàng hưởng lợi hơn họ? Họ cần biết rất rõ “chân tay” thu được bao nhiêu lợi nhuận trong từng “phi vụ” làm ăn bất chính để chấp nhận hay không khoản bổng lộc cấp dưới dâng lên mình. Vậy thì ở những trường hợp xấu xa này, không thể nói là “buông lỏng quản lý” như lâu nay chúng ta vẫn nói mà phải gọi đúng sự việc bằng cái tên của nó: Nơi A, nơi B đã phát huy tối đa hiệu quả của “lợi ích nhóm”. 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Một ví dụ: Vụ Đường “Nhuệ” cực kỳ tai tiếng ở Thái Bình gây phẫn nộ cho dư luận xã hội gần chục năm nay. Gần đây mới được phanh phui, đưa ra ánh sáng. Ta lại nói bằng cách nói quen thuộc: Một thời gian dài, chính quyền ở TP. Thái Bình đã “buông lỏng quản lý” để tên tội phạm này tác oai tác quái. Nói vậy chỉ đúng khi những người lãnh đạo chính quyền ở đây bị hút vào những việc nào đó mà bàng quan, không biết gì đến tình hình xã hội, đặc biệt là sự trầm trọng của tội phạm. Không! Hoàn toàn không như vậy. Tên Đường đã ngang nhiên đánh trọng thương người dân - tức là phạm pháp nghiêm trọng - ngay giữa ban ngày, giữa trụ sở công an phường là nơi có trách nhiệm bảo vệ an ninh, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, bảo vệ luật pháp. Cả đồn công an biết. Người Đồn trưởng cũng chứng kiến tận mắt, nhưng đã bỏ đi. Thay vì phải làm đúng nhiệm vụ là ngăn chặn, thậm chí còng tay kẻ côn đồ vi phạm pháp luật, người có trách nhiệm ở Đồn này đã tảng lờ, coi như không nhìn thấy. Rõ ràng trong trường hợp này, viên Đồn trưởng công an không “buông lỏng” mà tiếp tay, tạo điều kiện cho tội phạm lộng hành. Không phải bỗng nhiên, kẻ xấu kia dám làm điều ác, trắng trợn vi phạm pháp luật ở nơi mà ai cũng phải rất nghiêm cẩn trong mọi hành vi của mình. Một câu hỏi có lẽ học sinh tiểu học cũng trả lời được: Vì sao tên Đường kia dám ngang nhiên, trắng trợn làm loạn giữa cơ quan công an? Y đánh dân giữa nơi có chức năng bảo vệ dân? Câu trả lời không thể là gì khác: Bởi vì y được chính cái nơi đó bảo vệ, che chở. Lại hỏi tiếp: Sao lại chống lưng, bảo kê cho tội phạm thay vì trừng trị chúng để bảo vệ người dân lương thiện là chức năng của công an? Lại rất dễ trả lời: Bởi vì kẻ bao che được hưởng lợi khủng từ hành vi phản đạo lý của mình. Vậy nên, cái vụ Đường “Nhuệ” này xin miễn đưa ra một câu hỏi muôn thuở: Chứng cứ đâu? Thì đó: Chứng cứ chính là hành vi côn đồ của y đó. Vấn đề cần điều tra, làm rõ là những kẻ nào chống lưng, kẻ nào chỉ đạo sự chống lưng này? Liệu có liên đới tới cấp cao hơn là lãnh đạo tỉnh Thái Bình không mà thôi. (?!)

Như vậy, rõ là câu lâu nay vẫn nói: “Buông lỏng quản lý” đã không đúng ở nhiều trường hợp. Phải gọi tên tội lỗi chính xác mới xử lý chính xác được. Bởi tội tắc trách, lơ là gây hậu quả nghiêm trọng ít nhiều nhẹ hơn tội lợi dụng quyền hạn, chức vụ “bảo kê” cho kẻ phạm pháp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

TS Nguyên Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20

Bình luận: 0