TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ kịp thời tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh

01:49 25/12/2020
Logo header Đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực trực tiếp tới kinh tế và thương mại quốc tế. Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã thông báo cho nhân viên ở nhà, làm việc từ xa, nhiều doanh nghiệp cũng đã phải cắt giảm nhân viên hay tạm đóng cửa nhằm hạn chế nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm do virus Corona (nCoV) gây ra. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay từ những tháng đầu năm 2020, nhờ công tác phòng chống dịch đã được Chính phủ cùng các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện, cùng các chính sách hỗ trợ và phát triển kinh tế đúng hướng đã giúp nền kinh tế nước ta dù có bị ảnh hưởng nhưng vẫn đạt những kết quả khả quan.

Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2020 cả nước ta có 98.954 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới bị sụt giảm trong giai đoạn 2015 - 2020 (9 tháng đầu năm trong các năm từ 2015 - 2019, số doanh nghiệp thành lập mới bình quân mỗi năm tăng 14,3%). Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm trung tuần tháng 9 năm 2020 có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. So với cùng kỳ năm 2019, đã có tới 78,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2%, trong đó có đến 38,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 81,8% với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của khu vực doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó các công ty siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Điều này phản ánh sức chống chọi của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào quy mô của mình. Trong đó doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ giảm doanh thu nhiều nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng. Doanh nghiệp khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm doanh thu ít nhất. Lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2020 của khu vực doanh nghiệp cũng được ghi nhận giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ lao động giảm ở mức cao nhất.

Cũng do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nên đến nay hiện có khoảng 1/3 số doanh nghiệp đang thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào. Nhóm doanh nghiệp có quy mô càng lớn có tỷ lệ thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào càng cao, tỷ lệ này giảm dần theo quy mô doanh nghiệp. Việc thiếu hụt nguồn nguyên, vật liệu đầu vào càng trở nên đáng lo ngại đối với các công ty, doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng gặp rất nhiều  khó khăn trong việc tiếp cận nguyên, vật liệu đầu vào chỉ thỏa mãn được gần 1/5 nhu cầu, tỷ lệ này tăng dần theo quy mô doanh nghiệp đến nhóm doanh nghiệp lớn là trên 1/3 nhu cầu. Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong lưu thông hàng hóa cũng là những khó khăn lớn nhất của đại bộ phận doanh nghiệp; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cũng là vấn đề đáng quan ngại. Nhưng theo quy mô doanh nghiệp, khó khăn trong lưu thông hàng hóa là vấn đề lớn nhất với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong khi đó, đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, khó khăn lớn nhất gặp phải là do sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Tuy vậy, cũng có 3,3% số doanh nghiệp nhận được hưởng lợi từ đại dịch, đa số các doanh nghiệp này hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát,... Trước những khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận đánh giá cao của xã hội. Đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đã tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19. Đồng thời cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ hơn về các cơ hội và thách thức từ những hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam tham gia như hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu  u (EVFTA),... Đây thực sự là những cơ hội mở rộng giúp các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá trong giai đoạn này cũng như thời kỳ hậu COVID-19 và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

Các hoạt động xúc tiến thương mại thường xuyên được tổ chức giúp cho các doanh nghiệp tháo gỡ được nhiều khó khăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Quả thực, các cơ hội đến từ những hiệp định thương mại này là rất lớn nếu các doanh nghiệp có thể nắm bắt và tận dụng một cách hiệu quả. Theo một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Kenichi Kawasaki thuốc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản đã cho thấy mức độ tăng GDP từ các FTA đem lại cho nước ta là khá lớn. Nếu tính riêng CPTPP trong trường hợp CPTPP được cả 11 nước phê chuẩn sẽ giúp GDP nước ta tăng 1,7%, khi RCEP có hiệu lực thì CPTPP và RCEP cộng hưởng lại sẽ giúp GDP tăng 7,8%. Còn khi cả 3 hiệp định là CPTPP, RCEP và EVFTA cùng kết hợp sẽ giúp GDP tăng trưởng khoảng 15%. Mới đây vào giữa tháng 12, tại một cuộc hội thảo do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã kết hợp với Học viện doanh nhân Vân Nguyên EDUBIZ tổ chức, TS. Ngô Chung Khanh – Phó vụ trưởng vụ chính sách thương mại Đa Biên – Bộ Công Thương đã cho rằng, chỉ tính riêng đối với EVFTA, ngay khi có hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 86% dòng thuế và 99,2% dòng thuế trong vòng 7 năm. Các ngành dịch vụ như Ngân hàng, Bảo Hiểm, Logistic hay Viễn Thông… cũng sẽ được lợi từ các cam kết chính trong EVFTA. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Trần Quốc Việt – Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark cũng chia sẻ với nhiều doanh nghiệp tới tham dự hội thảo về những thắc mắc trong việc thay đổi tái cấu trúc doanh nghiệp để thích ứng với thời cuộc đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Cũng theo ông Việt, đại dịch đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó có tới 86,1% doanh nghiệp trong ngành Xây Dựng, 100% doanh nghiệp thuộc ngành hàng không, 97,1% doanh nghiệp ngành dịch vụ lưu trú, 93,9% doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống, 95,5% doanh nghiệp ngành giáo dục chịu tác động bởi dịch bệnh,... Từ đó đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách trong thay đổi tư duy lãnh đạo để các công ty hiện nay đánh giá tổng thể về bối cảnh và lên kế hoạch cho sự thay đổi của chính mình.

Nhưng để nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội đến từ những hiệp định tự do thương mại này, đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp kịp thời, xác định các sản phẩm, dịch vụ, thị trường trọng tâm để có thể thích ứng ở mức rất cao trong bối cảnh hiện nay và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Đức Đông - Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 42 - 20

Bình luận: 0