TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Cần bảo đảm lợi ích người tiêu dùng trong việc tăng giá điện

16:22 01/10/2020
Logo header Thời gian gần đây, việc tăng giá điện được đông đảo người tiêu dùng và dư luận đặc biệt quan tâm, khi nhiều người tiêu dùng phải thanh toán tiền điện hàng tháng cao đột biến... Trước sức ép của dư luận, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa qua đã đưa ra một số phương án tính giá điện mới. Tuy nhiên những cách tính này cũng chưa thực sự phù hợp và không được đông đảo người tiêu dùng hồ hởi đón nhận. Tựu trung, dường như EVN chỉ muốn đưa ra những phương án này để trấn an dư luận, chứ chưa tính đến tính thực tế và hiệu quả của việc làm này...

Ấy vậy mà, hiện nay một số chuyên gia ngành năng lượng cho biết, thời gian tới giá điện vẫn có thể sẽ tăng thêm, “do chi phí đầu vào của ngành điện đang tăng mạnh”. Theo báo cáo của Chuyên gia Melissa Brown, Giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng khu vực châu Á, có chủ đề “EVN đối diện tương lai: Thời cơ để triển khai đúng cách nguồn điện tái tạo”. Từ việc phân tích doanh thu của Tập đoàn điện lực VN (EVN) giai đoạn 2015 - 2019. Báo cáo cho biết, tuy doanh thu năm 2019 của EVN đạt 16,9 tỷ USD, được coi là có lợi nhuận, nhưng chỉ chủ yếu nhờ nhiều lần tăng giá điện. Thời điểm này, doanh thu của EVN tăng trưởng gộp hằng năm là 13,2% do lượng điện bán ra tăng gần 10% mỗi năm và giá bán tăng 14,4%. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, năm 2019 lợi nhuận của EVN vẫn sụt giảm mạnh, chi phí phát điện tăng, nhất là do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Đà sụt giảm này sẽ còn tiếp tục khi ngày càng có nhiều nhà máy điện chạy bằng than hòa lưới trong những năm tới.

Theo các chuyên gia, do nguồn vốn hạn hẹp và không tiếp cận trực tiếp được với các thị trường vốn quốc tế, hiện nay EVN chỉ giữ lại được quyền kiểm soát các hoạt động truyền tải và phân phối. Trong vòng 5 năm qua, công suất nguồn điện do EVN sở hữu đã giảm từ 61% xuống 52% toàn hệ thống, và tỷ lệ này sẽ còn giảm nữa. Do đó, chi phí mua điện của EVN dự kiến sẽ tăng 70,5% trong 2 năm tới, lên tới 14,4 tỷ USD và chiếm 60,1% chi phí hoạt động của EVN. Dẫn tới việc nếu giá điện tăng không đủ nhanh thì EVN sẽ phải đi vay nợ để chi trả cho các khoản thanh toán ngày một lớn hơn. Dự kiến EVN sẽ lỗ ròng trong năm 2020, vấn đề tài chính của EVN có thể bị ảnh hưởng nếu không điều chỉnh tăng giá điện.

Qua những sự phân tích trên, có thể thấy rõ rằng, điện hiện nay là một nhu cầu không thể thiếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất của toàn thể người dân và cộng đồng, xã hội. Thế nhưng trong cả một thời gian dài vừa qua, ngành điện của Việt Nam vẫn hoàn toàn mang tính chất độc quyền, từ các yếu tố đầu vào cho đến việc truyền tải, phân phối, không hề có sự cạnh tranh về giá, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của tất cả những đối tượng sử dụng điện. Bất chấp việc sản xuất, mua điện, phân phối điện dù có thăng trầm ra sao qua các giai đoạn, EVN vẫn đề ra những chính sách nhằm bảo đảm lợi ích của mình mà không hề quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bằng chứng là trong suốt nhiều năm qua, giá điện đã nhiều lần được điều chỉnh tăng lên, chủ yếu là để đảm bảo về mặt tài chính cho EVN, trong khi người sử dụng chịu thiệt thòi, mà không biết kêu ai và không thể ngừng việc sử dụng điện. Thực trạng trên không hề phù hợp với nguyên tắc quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc EVN, cũng như một số ngành còn mang tính độc quyền khác, cần công khai tất cả các yếu tố trong sản xuất, kinh doanh, phân phối... để cơ quan chức năng và các nhà khoa học, kể cả người dân có quyền tính toán xem giá cả bán ra (bao gồm cả giá điện, giá nước sạch...) hiện nay có thực sự hợp lý không? Cạnh đó cần có nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực trên, để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Đây cũng là thiết thực bảo vệ lợi ích người dân và theo xu thế tất yếu của sự phát triển xã hội hiện nay.

Đào Lan
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20

Bình luận: 0