TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Cần chấm dứt một việc làm tốn kém, ít hiệu quả

14:53 23/07/2020
Logo header Đó là việc tổ chức thi sáng tác ca khúc. Thời gian qua, hàng loạt địa phương, ngành, đoàn thể đã làm việc này như các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Bắc Ninh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Vĩnh Long, An Giang, Binh Định, Quảng Ngãi...; các huyện, thị xã Vĩnh Bảo - Hải Phòng, Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh, Hội An - Quảng Nam.., Hội Sinh viên VN, Đoàn Thanh niên, Hội LH Phụ nữ VN…

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Rất nhiều, rất nhiều cuộc thi như thế, không thể kể hết. Nhưng rốt cuộc đã rất ít bài đọng lại được trong lòng công chúng nếu không muốn nói là không có được bài nào. Những bài nhân dân quen biết khiến họ thích nghe, thích hát rồi trở nên nổi tiếng vẫn là những bài từ xa xưa được ra đời không từ một cuộc thi hay vận động sáng tác nào như Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh và Tiếng hát người xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Hà Tây quê lụa (Nhật Lai), Hà Giang quê tôi (Thanh Phúc), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý), Về Đồng Nai (Xuân Hồng), Gửi Cà Mau, Nhớ về Pác Bó (Phan Nhân), Bạc Liêu quê tôi (Hoàng Bửu)... và một số không nhiều trường hợp khác. Còn rất nhiều tỉnh, thành phố khác không có được một bài nào khiến công chúng cả nước nhập tâm trong khi có hàng hàng nghìn bài đã ra đời từ những cuộc thi sáng tác nói trên.

Vì sao lại có một kết quả quá thấp, đáng buồn từ những cuộc thi sáng tác ca khúc như vậy? Vì sao rất nhiều cuộc thi đã không có nổi một bài đọng lại? Vẫn biết sáng tác văn nghệ nói chung, ca khúc nói riêng là một việc khó khăn, đòi hỏi tác giả phải có tài năng nếu muốn tác phẩm của mình được công chúng chấp nhận. Nhưng nếu yếu tố này đã có mà khâu tổ chức để cho ra đời tác phẩm và đến được với công chúng chưa tốt, thiếu thuyết phục thì cũng không thể đạt được mong muốn. Vậy những cuộc thi nói trên đã được tổ chức như thế nào? Mới nghe, thấy như là ổn, rất đúng “quy trình” và có vẻ chặt chẽ, khách quan. Đầu tiên là thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện truyền thông. Có quy định rõ ràng là thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo thì không dự thi. Trước khi “chấm”, cũng tiến hành dọc “phách” (bịt tên tác giả) cho khách quan, vô tư. Rồi mời Ban Giám khảo là những nhạc sỹ ở Trung ương. Thường là các nơi tìm về Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhờ vị đứng đầu Hội này làm chủ khảo và nhờ luôn vị mời thêm các thành viên khác. Bắt đầu buổi “chấm”, mỗi thành viên giám khảo được phát một văn bản ca khúc để các vị mắt nhìn, tai nghe (người dự thi cần nộp cả đĩa CD đã thu thanh giọng hát thể hiện tác phẩm). Các vị cho điểm độc lập. Sau khi lên bảng điểm theo thứ tự cao thấp và lựa chọn được các giải, ban Tổ chức mới lắp các mã số để hiện lên tên người trúng giải. Như vậy thì không ai có thể nói là cách chấm không nghiêm túc, không khách quan. Nhưng….

Trước hết, nói về sự khách quan, vô tư. Đúng là với 2 quy định : Thành viên giám khảo, tổ chức không dự thi và dọc “phách” trước khi trao bài cho giám khảo thì rõ ràng là không thể không khách quan. Nhưng ở tỉnh H, một cô cán bộ là trưởng một phòng của Sở Văn hóa (Sở này được UBND giao trách nhiệm tổ chức cuộc thi) đã có bài thơ được một người phổ nhạc và dự thi. Bài hát này rất bình thường nhưng đã được giải. Không biết tác gỉả phần lời này có nằm trong ban tổ chức không nhưng là người lo toan, săm sắn cho cuộc thi thì người ta cũng có cơ sở để nghi ngờ có sự vận động nào đó, nhất là việc Ban Giám khảo lại về làm việc tại địa phương mình.

Về sự chính xác trong việc thẩm định tác phẩm. Thường một cuộc thi ở phạm vi một tỉnh tổ chức sau vài tháng phát động cũng thu được trên dưới 100 ca khúc. Mỗi thành viên giám khảo đều xem xét đầy đủ tất cả các bài dự thi và cho điểm. Họ chủ yếu là nghe đĩa CD của người dự thi gửi đến. Chỉ đọc lướt qua ca từ. Và họ đã đánh giá tác phẩm qua cái đĩa đó. Tác phẩm hay nhưng tác giả không có điều kiện thu thanh giọng ca sỹ chuyên nghiệp mà hoặc tự hát, hoặc thuê ca sỹ bình thường thể hiện thì đương nhiên không thể bằng ca sỹ “xịn”. Thế là bị điểm thấp hơn những bài dở nhưng kỳ công đầu tư khâu thể hiện. Như vậy, giám khảo đã không có khả năng phân biệt giá trị tự thân của tác phẩm.

Một tình trạng khá phổ biến là giám khảo nghe không kỹ tác phẩm. Một tỉnh nọ nhận được khoảng 140 bài hát. Buổi sáng về Hà Nội đón Ban Giám khảo đến tỉnh mình. Khoảng cách chừng 60km. Dềnh dang, phải 10 giờ mới có thể bắt đầu việc chấm. Họ đã nghe một mạch 140 bài như thế trong một ngày, không ở lại hôm sau nghe tiếp (Tất nhiên là trừ khoảng thời gian ăn cơm). Cứ cho là nghe liên tục, không giải lao thì sẽ có chừng 10 tiếng đồng hồ để nghe 140 bài. Như vậy chỉ có hơn 4 phút để nghe 1 bài. Có nghĩa mỗi bài chỉ có thể nghe lướt qua một lần.Vậy còn thời gian nào để xem đến lời ca? Mà ca từ là một yêu cầu quan trọng của việc sáng tác ca khúc. Chưa nói việc nghe liên tục trên trăm bài trong một khoảng thời gian rất khẩn trương như vậy thì dẫu sức khỏe có rất sung mãn cũng không thể không mụ mị đầu óc, dẫn tới nhức đầu, ù tai. Những bài nghe trước còn có thể nhận biết được chính xác giá trị. Còn về sau thì không thể. Sẽ rất “oan” và “xấu số” cho những tác giả có bài được (hay là “bị”) giám khảo nghe về sau. Một giám khảo có lần đã nói với tôi: “Mình không ngờ bài của ... lại được Giải Nhất”. Có nghĩa theo vị giám khảo này, bài đó rất bình thường, vị cho điểm thấp. Vậy mà rốt cuộc được giải nhất vì các thành viên giám khảo khác cho điểm cao. Chi tiết này nói lên hai điều: Một là những giám khảo khác dễ dãi. Hai là vị này không có tai (hoặc nghe tác phẩm không được tập trung nên đã bỏ sót một viên ngọc quý). 
Cũng tại cuộc thi có vị nhạc sỹ trên tham gia giám khảo, tôi hỏi một thành viên giám khảo khác: “Ông thấy những bài được giải có khá hơn hẳn những bài bị loại không?”. Người này trả lời: “Thú thực, tôi chẳng thấy có gì đặc biệt hơn. Cứ sàn sàn như nhau. Cũng có thể vì nghe nhiều quá, lại phải nghe khẩn trương nên bị bão hòa, không thể phát hiện được”. Lại hỏi: “Có đọc lời ca không?”. “Có đọc. Nhưng cũng chỉ có thể lướt qua”. Vị cũng nói là giám khảo chỉ biết cho điểm, còn sau đó là việc của Ban Tổ chức. Như vậy, liệu có tránh khỏi tình trạng xáo trộn nào đó mà giám khảo không thể biết?. Đó là không loại trừ có thể có tiêu cực: Người có tác phẩm dự thi “mua” các thành viên giám khảo để điểm của mình vụt lên, đoạt giải cao. Không khó gì việc giám khảo sẽ biết bài của ai mặc dù đã dọc “phách”. Đó là những người dự thi không cần tiền, chỉ cần “danh”. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để mua danh. Nhưng điều này sẽ không bao giờ được phanh phui dẫu dư luận ì xèo, khẳng định vì không thể có bằng chứng. 

Tôi từng được nhiều người dự thi cho nghe sáng tác của họ bị gạt từ vòng “gửi xe”. Tôi cũng nghe tất cả những bài được giải (để viết bài báo này) của nhiều cuộc thi thì thấy rõ: Rất nhiều bài không được giải lại hay, có giá trị hơn nhiều so với những bài trúng giải. Không ít bài đoạt giải quá tầm thường, nhạt nhẽo, phải kiên trì và nghị lực lắm, tôi mới có thể nghe hết. 

Rõ ràng thi sáng tác theo một quy trình như trên đã không thu được kết quả mong muốn - tức không có được những tác phẩm khiến công chúng ưa thích như đã nói. Lại tốn kém. Tuy nhiên, nếu vẫn cứ tổ chức thi theo kiểu như vậy thì không thể làm khác mà bắt buộc phải diễn ra theo quy trình như trên. Và cũng bắt buộc phải có giám khảo là lãnh đạo Hội Nhạc sỹ Việt Nam (cho “kín kẽ”). Mà những người này thường lại không có uy tín trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Vậy hãy nghĩ tới một cách khác sẽ khắc phục được mọi điều trên, vừa không tốn tiền có được bài công chúng chấp nhận. Đó là không thi mà mời rộng rãi mọi người yêu thích tham gia, cả chuyên và không chuyên sáng tác. Hãy thu thanh tất cả những bài đó bằng hình thức đơn giản rồi phát thường xuyên trên hệ thống phát thanh của đơn vị mình (tỉnh, huyện, cơ quan..). Sau một thời gian, chừng nửa đến một năm chẳng hạn, lấy ý kiến công chúng. Bài nào nổi lên, chìm đi sẽ rõ ngay. Nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc không ai đánh giá chính xác bằng số đông công chúng. Chỉ họ và thời gian mới là thước đo chính xác nhất. Không có giám khảo nào dù tài giỏi và công tâm đến đâu có thể làm thay họ. Đến khi một vài bài nào đó được công chúng ưa thích (mà bằng chứng là họ hát nhiều) thì địa phương mới tổ chức thưởng cho tác giả (có thể hàng trăm triệu đồng/bài). Như vậy sẽ khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Còn vẫn tổ chức thi theo kiểu hiện nay thì muôn đời những bài được giải vẫn chỉ là những tờ giấy bỏ đi mà thôi, sẽ không thể khiến công chúng ngó ngàng chứ chưa nói là ưa thích.

Vậy nên xin hãy chấm dứt ngay việc tổ chức thi sáng tác như hiện tại, chỉ tốn tiền ngân sách - tức tiền của dân - mà kết quả chỉ là con số KHÔNG. Chưa nói rất nhiều cuộc thi kiểu này đã gây bất bình trong giới sáng tác nhạc chuyên nghiệp.

Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20

Bình luận: 0