TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Cần có chính sách tu sửa và phát huy văn hóa chợ quê

22:24 29/10/2020
Logo header Nằm ở chân núi đá Hổ Lĩnh và chùa Cổ Am, Chợ Lèn thuộc làng Trung Phường xã Diễn Minh cũ, nay là xã Minh Châu, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Chợ Lèn từng là nơi giao thương hàng hóa giữa bà con các xã lân cận và các xã thuộc huyện Yên Thành. Vào những năm cuối của thế kỷ hai mươi trở về trước, chợ vẫn giữ được nét truyền thống của vùng quê Bắc Trung bộ, trong khuôn viên khu chợ có một ngôi đình với kiến trúc ba gian, hai hồi bằng gỗ lim. Không chỉ là nơi giao thương, mua bán sôi động của người dân quanh vùng, nơi đây còn gắn liền với lịch sử Chi bộ Đảng làng Trung Phường.

Chợ Lèn ngày phiên

Theo lịch sử Chi bộ Đảng thì trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/1930, Chi bộ Đảng làng Trung Phường đã làm tốt công tác tư tưởng cách mệnh, truyền đơn khẩu hiệu của Đảng được đảng viên rải khắp đường làng ngõ xóm, đình làng, Chợ Lèn là nơi đông người nên truyền đơn tuyên truyền của Việt Minh được nhiều người dân quanh vùng đón nhận, chính vì lẽ đó nên lời kêu gọi nhân dân đứng lên ủng hộ phong trào Cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930/1931 đã trở thành cáo trào đấu tranh cách mạng. Kể từ đó Chợ Lèn và địa điểm đình làng gắn liền phong trào cách mạng của Chi bộ Đảng làng Trung Phường như một lẽ tất yếu trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền. Sau tháng lợi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), Chợ Lèn là nơi tụ họp mua bán hàng hóa sầm uất. Đến năm 1966 đế quốc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, nhiều địa phương trong huyện Diễn Châu bị đánh phá ác liệt. Điển hình là vụ ném bom vào Chợ Lèn vào lúc 09 giờ sáng ngày 26/5/1967 làm chết 54 người dân vô tội, trong đó có hai người dân xã Diễn Minh… Cuối năm 1972, khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc thì Chợ Lèn cũng là những đống đổ vỡ, ngổn ngang bởi sự tàn phá của chiến tranh… những cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Diễn Minh lại nỗ lực bắt tay vào xây dựng chợ và tu bổ lại đình làng để bà con trong xã cũng như nhân dân các xã lân cận đến giao thương, trao đổi hàng hóa. Có thể nói sau bao nhiêu biến cố của lịch sử, đây là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của Chợ Lèn.

Những năm cuối của thế kỷ 20, đất nước ta phát triển từ kinh tế nhiều thành phần sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chợ Lèn là nơi phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ nông sản nên nhân dân, các hộ tiểu thương đã nhiều lần đề xuất xây chợ để nhân dân quanh vùng buôn bán thuận tiện hơn… như vì Chợ Lèn chỉ là chợ của khu vực xã, không tiếp giáp với những con đường lớn nên gần như đã bị lãng quên và nay đã xuống cấp và còn duy trì như một chợ quê nghèo giữa dòng phát triển với tốc độ chóng mắt của một vùng đất Bắc Nghệ. Khi nghe câu chuyện về những hiển tích của Chợ Lèn với những thành quả mang giá trị lịch sử của Chi bộ Đảng làng Trung Phường, chúng tôi không tưởng tượng được sự lãng quên của xã hội với một khu chợ quê truyền thống, lâu đời… ghé thăm chợ ngày phiên cái cảm giác hoang sơ lẻ tẻ của các cụ già và những người nông dân chân lấm tay bùn với những mớ rau, rổ củ và một vài hàng chị hàng thịt, hàng cá phục vụ số ít những người dân địa phương mà thấy lòng xót xa… Chúng tôi hỏi chuyện, một bà cụ trạc ngoại 70 tuổi cho biết: “Bây giờ!... Mọi người đến Chợ đều là người già, phụ nữ ở hai làng Trung Phường và Phú Lâm, họ đến chợ họp các ngày phiên cốt là để nhớ lại thời xưa sầm uất mà tự hào và cũng muốn duy trì cho thế hệ trẻ khỏi mai một và mất chợ cháu ơi…”, nghe đến đây lòng tôi như thắt lại, tôi đã từng có thời gian sinh sống và lớn lên ở đây nên biết rất nhiều về Chợ Lèn, hồi đó chợ họp từ sáng sớm mãi quá trưa mới tan, nhìn chợ hôm nay chưa họp đã tan và câu nói của bà cụ “đến Chợ chỉ để duy trì cho thế hệ trẻ khỏi mai một và khỏi mất chợ” cứ như đè nặng lên tôi một trách nhiệm nào đó về khu chợ… Chúng tôi tìm đến nhà một cụ ông gần chín mươi tuổi vì được giới thiệu là ông Nguyễn Nghĩa Cừ là người nắm rõ lịch sử của Chợ Lèn. Gặp chúng tôi, ông chuyện về chợ nhiều lắm… nào là ngày ấy… bây giờ… rồi là chuyện ở làng Trung Phường có ba nơi được xem là di tích, trong đó Chùa Cổ Am có lịch sử hơn ba trăm năm, Chợ Lèn và Đình làng cũng đã trải qua thăng trầm của lịch sử hơn một trăm năm rồi… Chùa Cổ Am đã được xây dựng và bảo tồn và nay được xem là ngôi Chùa đẹp ở Nghệ An. Đình làng đang xây dựng, tôn tạo và dự kiến chừng tháng nữa là khánh thành (ý cụ Cừ nói tháng 11/2020), Chi bộ Đảng và Nhân dân làng Trung Phường cùng Đảng bộ, chính quyền xã Minh Châu sau khi sáp nhập sẽ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… suy tư một hồi lâu, cụ Cừ nhắc đến Chợ Lèn với giá trị lịch sử gắn với dân, với Đảng hàng gần trăm năm, nơi đã từng gắn liền với phong trào Cách mạng của nhân dân chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với một nỗi nhớ về những ngày tháng hào hùng như ứa trên đôi mắt đục trắng lòa nhòe của tuổi già… Ra tới đầu làng, nhìn thấy con đường quốc lộ 7A dẫn vào Chợ Lèn đang được nâng cấp, mở rộng… trong đầu tôi như vụt lên một tia hi vọng đây có thể là sự khởi đầu cho phát triển của địa phương với bao tiềm năng truyền thống của một vùng đất sầm uất vẫn còn trong ký ức của người dân nơi đây.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay” - Đó là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đảng ta xác định lãnh đạo đất nước phát triển với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh và điều quan trọng là không ai, không địa danh nào bị bỏ lại phía sau. Các địa phương trên cả nước và ngay tại huyện Diễn Châu cùng đang không ngừng phát triển kinh tế - xã hội với trung tâm kinh tế là công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống... lẽ nào hướng đi mới cho những Chợ quê như Chợ Lèn lại bị lãng quên khi tình hình cả nước đang hướng tới một ngành công nghiệp không khói sau đại dịch Covid - 19 là phát triển du lịch nông thôn kết hợp với những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền, dân tộc.

Hoàng Quân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0