TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Cần duy trì và phát huy văn hóa đọc

16:50 15/10/2020
Logo header Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ số đang dần làm thay đổi cách thức con người tiếp nhận thông tin. Công nghệ thay đổi, văn hóa đọc thay đổi, trong bối cảnh hội nhập và phát triển đó văn hóa đọc ở Việt Nam cũng đã thay đổi, đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. Từ đó công tác quảng bá những cuốn sách những tác phẩm xuất sắc càng cần được chú trọng hơn để sách đến được với bạn đọc giúp lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội.

Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương và ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ TT&TT trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3

Kho tàng tri thức của nhân loại được hình thành từ cá nhân, cộng đồng và không ngừng được bồi đắp, lưu truyền trong xã hội từ đời này qua đời khác thông qua các hình thức truyền khẩu, qua sách, báo hay các ký tự được mã hóa dưới nhiều dạng khác nhau. Tri thức là kho báu quý giá nhất của nhân loại, kho báu này nằm rải rác trong những cuốn sách, trang báo. Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, sách, báo đã đóng một vai trò quan trọng trong nền văn minh nhân loại. Nó mở ra cho chúng ta thấy quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì thế, đọc là một trong những hoạt động có vai trò quyết định sự phát triển trí tuệ, nhân cách của một cá nhân, một cộng đồng và của toàn xã hội. Xây dựng văn hóa đọc lành mạnh, hiệu quả và tiến bộ là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay. Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hoá đọc. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh cho mọi người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc đến với người đọc thông qua các loại cửa hàng sách báo và các loại hình thư viện, phòng đọc sách. Từ đó tạo nên một môi trường đọc mà ở đó người đọc không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc giá trị họ mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của họ. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội không chỉ là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan tới đọc. Mà còn phải kể tới truyền thống văn hoá của xã hội hay nói chính xác hơn là truyền thống văn hoá tôn vinh người viết, người đọc và người truyền thụ kiến thức. Trong mỗi cá nhân ứng xử, giá trị và chuẩn mực là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người. Xây dựng thói quen đọc trong mỗi con người cần phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta bắt đầu thực hiện thói quen đọc sách từ tuổi trước khi đến trường. Quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc này được xuyên suốt trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời. 

Kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ với văn hoá nghe nhìn đã dần lấn át và làm mai một văn hoá đọc. Với những nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Blog… cùng đó là nhiều diễn đàn đọc sách trực tuyến đã và đang thu hút hàng triệu người tham gia. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các phương tiện thông tin đại chúng, người đọc ngày càng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn khác nhau. Tại nhiều thư viện mở, tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận cũng đã vượt ra ngoài phạm vi vật lý với sự hỗ trợ của internet. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật khiến nhiều người có ít thời gian dành cho việc đọc sách, báo in. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc. Toàn cầu hóa nói chung, internet nói riêng đã khiến người đọc thay đổi thói quen tìm đến các nhà sách, thư viện, thay vào đó họ có thể dùng các tài khoản mạng mua các phiên bản Ebooks để đọc qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Tại Việt Nam theo khảo sát, cho thấy người dân ngày nay đọc sách báo ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người đọc sách báo in thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc và 26% hoàn toàn không đọc sách, báo. Hiện người Việt mỗi năm chỉ thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới, nhưng trong đó lại có tới 2,3 cuốn là sách giáo khoa - đây là loại sách bắt buộc, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm. Thế nhưng, ở những quốc gia khai sinh ra nền công nghiệp nghe nhìn và là trung tâm của thế giới về các dịch vụ Internet, kỹ thuật số, phim ảnh, ca nhạc… như Châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản người dân trung bình sẽ đọc 12 đến 20 cuốn sách/năm, con số này cao hơn rất nhiều lần nếu so với 0.8 cuốn sách/năm của người dân Việt Nam. Cùng với đó người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì đối với người Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 1 giờ/tuần. 

Nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngay từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Nhằm đề cao những giá trị to lớn đó, Giải thưởng Sách Quốc gia đã ra đời từ năm 2018 và ngày càng chứng tỏ là giải thưởng lớn, uy tín bậc nhất về sách tại nước ta hiện nay. Đây là giải thưởng cấp quốc gia, được tổ chức và trao giải hàng năm, nhằm trao cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.

Những hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam

Năm nay, vào ngày 09/10 vừa qua, tại Hà Nội, Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cùng phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức trọng thể. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống, xã hội, ngành xuất bản không là ngoại lệ, dù vậy Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 vẫn thu hút sự tham gia của 48 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước (tăng 6 NXB so với giải thưởng lần thứ hai) với 362 cuốn sách (tăng 7 cuốn sách) cho 255 tên sách. Năm nay Giải A thuộc về 03 tác phẩm: Lịch sử (Historiai) của tác giả Herodotus (người dịch: Lê Đình Chi), cuốn sách Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập) của PGS.TS. (Chủ biên) Nguyễn Văn Thường và tập thể tác giả và tác phẩm Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt) của tác giả Quang Dũng. Cùng với đó là 10 tác phẩm đạt Giải B và 14 tác phẩm đạt Giải C. Các cuốn sách, bộ sách đạt giải được đánh giá là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ghi nhận và đánh giá cao giải Sách Quốc gia cũng như các tác giả có các tác phẩm tham gia: “Chúng tôi mong rằng các cơ quan sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa, thiết thực hơn nữa để giải thưởng Sách Quốc gia và nhiều hoạt động cùng với giải thưởng này sẽ nhận được sự quan tâm đông đảo của công chúng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa văn hoá đọc để đúng người dân Việt Nam là một dân tộc hiếu học...các tác giả, các dịch giả và các đơn vị bằng việc tham gia vào giải thưởng này là sự đóng góp thiết thực cho phát triển văn hoá đọc nói riêng và cho phát triển văn hoá cũng như phát triển đất nước nói chung”.  

Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Có thể nói, mọi sự thành công của con người đều nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm của bản thân với những tri thức học được trong cuộc sống, trong nhà trường và trong sách vở.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0