TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Cần hiểu đúng về các chính sách trong công tác chống dịch

16:04 16/04/2020
Logo header Kể từ khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc vào tháng 11/2019, đến nay trên toàn thế giới đã có hơn một triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, hàng chục ngàn ca tử vong trên diện rộng. Hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Trước những diễn biến phức tạp và các hậu quả nặng nề do dịch bênh gây ra, ngày 11/03, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona SARS-CoV-2 là đại dịch toàn cầu. Ở Việt Nam, công tác đầu tiên để đối phó với dịch bệnh đã được chuẩn bị ngay từ khi có thông tin đầu tiên về dịch bệnh tại Trung Quốc.

Chấp hành các quy định của Nhà nước, người dân đã tạm thời ngừng các loại hình kinh doanh không cần thiết

Đến nay, “cuộc chiến” với đại dịch của toàn Đảng và dân ta đã có những thành quả rất đáng ghi nhận. Ở giai đoạn 01, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22/01/2020, tới ngày 11/02/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi. Giai đoạn 02 được tính từ ngày 06/03/2020, đó là khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới đầu tháng 04, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng hơn 200 ca nhiễm bệnh trên cả nước, là 01 trong 05 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 200 ca nhiễm mà chưa có trường hợp nhiễm bệnh nào tử vong. Số ca nhiễm ở nước ta được ghi nhận là tăng chậm hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới vì các giải pháp phòng chống dịch rất kiên quyết đã được thực hiện từ rất sớm. Đứng trước những thách thức mới của dịch bệnh và nguy cơ lây lan mạnh ra cộng đồng. Đặc biệt, xuất hiện 02 ổ dịch là nguồn lây bệnh gây lo ngại trong xã hội là quán Bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh) và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Vào ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết, cùng với hàng loạt các biện pháp cần thiết khác. Tiếp ngay sau đó, với tinh thần “toàn dân chống dịch”, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg vào ngày 01/04/2020 về việc công bố dịch trên toàn quốc, mặc dù thực tế còn rất nhiều địa phương chưa có người nhiễm virut. Quyết định đã nêu rõ, công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam với tên dịch bệnh COVID-19. Thời gian xảy ra dịch từ ngày 23/01/2020 với tính chất, mức độ nguy hiểm là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19: “thời điểm này Việt Nam đã bước sang giai đoạn 03 của cuộc chiến chống dịch COVID-19, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có ba mục tiêu. Thứ nhất, tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành; Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành Y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sỹ tham gia chống dịch”; Và thứ ba là tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch”. Mặc dù quyết định được ban hành ngày 01/04 nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/01/2020. Những yêu cầu trong Quyết định đòi hỏi các công việc như: thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch, tổ chức khai báo, báo cáo dịch, tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh, cách ly y tế, dập dịch... triển khai theo hướng quyết liệt hơn. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: “đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện chống COVID-19 và yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch”.

Vậy, chúng ta nên hiểu thế nào là công bố dịch?

Công bố dịch được hiểu là tình huống mà nhà chức trách công bố có một bệnh dịch gây nguy hại đến cộng đồng. Để đảm bảo an ninh chung cho toàn xã hội, nhà chức trách sau khi công bố dịch có thể sẽ phải tạm thời tước bỏ một số quyền Hiến định của công dân như quyền tự do về thân thể, lưu trú, tự do đi lại, quyền sở hữu định đoạt tài sản hay quyền tự do kinh doanh... Cũng chính vì vậy, việc ban hành Quyết định công bố dịch hay tình trạng khẩn cấp do dịch sẽ phải tuân thủ theo các trình tự pháp lý nghiêm ngặt.

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định: “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C. Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch. Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch. Bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh”. 

Trong tình huống xấu hơn, khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì nhà chức trách sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp do bệnh dịch. Lúc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Có thể hiểu, việc ban bố tình trạng khẩn cấp do bệnh dịch có hiệu lực cao hơn công bố dịch. Lúc này, nhà chức trách có thể huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Trong quá khứ, các biện pháp như cách ly những cá nhân mang mầm bệnh, cấm tụ họp đông người ở một số địa điểm, hạn chế các hoạt động biểu diễn hay hội họp ở một số địa điểm và đóng cửa bệnh viện, các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, các cơ sở chế biến thực phẩm, tiêu hủy động vật chăn nuôi v.v, đã được Việt Nam sử dụng có hiệu quả khi đối phó và công bố dịch như đối với dịch hô hấp cấp SARS (2003), dịch tả (2007-2008), Cúm A/H1N1 (2009),..

Cụ thể, theo như Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc thì các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Khai báo, báo cáo dịch; Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức cách ly y tế; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Các biện pháp bảo vệ cá nhân; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch; Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh gồm: Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện; bệnh viện dã chiến sẵng sàng khi được huy động. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai phải thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy việc công bố dịch không phải là biện pháp kỹ thuật để dập dịch, cũng không phải là thông báo có dịch của ngành y tế mà là công cụ của chính quyền trong việc đối phó với tình huống khẩn cấp do dịch bệnh gây ra. 

Để thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của lực lượng y, bác sỹ, quân đội, công an, tình nguyện viên - những người đang ngày đêm chiến đấu ở tuyến đầu, thì mỗi người dân cũng cần phải tự coi mình là một chiến sỹ trong “trận đánh” này. Ngoài việc có ý thức tuân thủ thực hiện những yêu cầu của các cơ quan chức năng thì người dân cũng phải tự trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức liên quan. Việc hiểu đúng tính chất của sự việc theo quy định pháp luật rất quan trọng. Trước hết, nếu hiểu đúng thì mỗi người đã tự ý thức được mức độ của sự việc và tránh được việc do không hiểu đúng về các biện pháp, chính sách của Nhà nước dẫn đến những ảnh hưởng không tốt tới công tác chống dịch của cả đất nước.

Nguyễn Vũ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 06 - 20

Bình luận: 0