TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Cần kiểm tra, kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động kinh doanh đồ chơi cho trẻ nhỏ để tránh những nguy hại không đáng có đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ

04:39 30/04/2021
Logo header Mặc dù đã có quy định bắt buộc đồ chơi trẻ em bất kể có nguồn gốc xuất xứ trong nước hay nhập khẩu phải được dán tem hợp quy (tem CR) mới được phép kinh doanh và mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm này lên đến 15 triệu đồng. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em vẫn bày bán các loại sản phẩm không có tem hợp quy, không nhãn hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt (đối với sản phẩm nhập khẩu) và không nhãn cảnh báo (dùng cho lứa tuổi nào, nguy cơ đối với trẻ nhỏ...) theo quy định.
 
Một tuyến phố rất nhiều nhà kinh doanh bán đồ chơi cho trẻ em

Đồ chơi trẻ em là mặt hàng thuộc diện phải quản lý theo quy chuẩn (QCVN3:2009/BKHCN). Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu theo đường chính ngạch sẽ được các cơ quan kiểm định kiểm tra về chất lượng nhập khẩu, nếu đạt yêu cầu mới được phép lưu thông trong nước. Đối với đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy mới được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi ở một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên các tuyến phố cổ (quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng), rất nhiều sản phẩm các loại  như xe ô-tô bằng nhựa, xe điều khiển từ xa, các loại con thú bằng nhựa nhỏ, bộ nhựa xếp hình hoặc cả các loại lớn như thú nhún, bóng nhựa... đều không có tem hợp quy. Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm này đều không có nhãn phụ ghi nguồn gốc xuất xứ (hoặc nhà nhập khẩu) cũng như cảnh báo sử dụng và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Đa số các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em này đều bày bán đan xen giữa các sản phẩm có tem hợp quy và không có tem. Theo người bán hàng, những sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và có thể qua đường tiểu ngạch nên giá thành khá rẻ, hàng bán chạy hơn các loại khác. Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trên đường Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm) chủ cửa hàng mang cho chúng tôi một bộ đồ chơi hình siêu nhân với giá 90.000 đồng và một chiếc xe tải nhựa lớn giá 120.000 đồng. Tuy nhiên, khi thắc mắc về xuất xứ và tem hợp chuẩn của bộ đồ chơi trên thì chủ cửa hàng thẳng thừng: “Đồ Trung Quốc làm gì có tem. Muốn tem thì tôi dán tem vào cho. Không phải cứ có tem chứng nhận là đồ chơi đảm bảo đâu”. Hiện tình trạng buôn bán tràn lan những loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ không tem kiểm định, tem hợp quy như tình trạng bây giờ. Hiện nay các mặt hàng đồ chơi trẻ em phục vụ cho các em rất phong phú và đa dạng, có những món đồ chơi được làm từ những loại nhựa tái chế qua nhiều lần có thể rất dễ gây độc hại và dị ứng cho trẻ em là rất lớn. Không chỉ trên các con phố nổi tiếng bán hàng đồ chơi tại Thủ đô mà ngay trước khu vực trường học những mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc cũng được bày bán la liệt. Các mặt hàng đồ chơi phục vụ trẻ em rất nhiều chủng loại được bày bán khá nhiều, ô tô, hình người siêu nhân, súng nhựa, hình người chủ yếu là các loại lồng đèn xài pin với đủ loại hình dáng, màu sắc, chất liệu và đa số có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. 

Đồ chơi trẻ em phần đa là xuất xứ Trung Quốc không thấy có giấy hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt

Tại thông tư số 18/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em” có nêu rất rõ về việc sản xuất cũng như kinh doanh về lĩnh vực đồ chơi cho trẻ em:“5.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước phải công bố hợp quy phù hợp với các yêu cầu quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này và bảo đảm chất lượng đồ chơi trẻ em theo đúng nội dung công bố, thực hiện trách nhiệm theo Điều 20 của Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. 5.2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu đồ chơi trẻ em phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy và bảo đảm chất lượng đồ chơi trẻ em phù hợp với các yêu cầu quy định trong mục 2 của Quy chuẩn này. 5.3. Tổ chức, cá nhân phân phối, bán lẻ chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em bảo đảm chất lượng, có dấu hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành”. 

Xem một đồ chơi bằng nhựa không thấy tem hợp quy, tem kiểm định

Trong khi đó, trên các tuyến đường và khu bán đồ chơi trẻ em lâu năm nổi tiếng ở đất Hà Thành như: Phố Hàng Lược, phố Hàng Mã, phố Đồng Xuân, phố Lương Văn Can … đều bán rất nhiều loại đồ chơi này. Tuy nhiên, tại hầu hết các cửa hàng này có điểm chung là chỉ có những cửa hàng lớn mới có tem hợp quy trên sản phẩm, còn những cửa hàng nhỏ hoặc tiệm tạp hóa thì... mỏi mắt cũng chẳng thấy. Bên cạnh đó, rất ít sản phẩm có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ khuyến cáo sử dụng hay sản phẩm dành cho lứa tuổi nào. Theo một cán bộ ngành y tế, những sản phẩm chưa được kiểm định chất lượng tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa như chất lượng kém, dễ vỡ và khi vỡ tạo thành những mảnh nhọn, sắc gây nguy hiểm cho trẻ; hoặc được sản xuất bằng các loại nhựa tái sinh, có thể chứa hóa chất độc hại. Ngoài ra, việc thiếu nhãn hướng dẫn sử dụng hoặc cảnh báo chỉ dùng cho trẻ ở lứa tuổi phù hợp cũng khiến các bé gặp nguy hiểm khi vô tình ngậm, nuốt phải. 

Tác hại của việc sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua các quy trình kiểm định đã và đang làm ảnh hướng sức khỏe của nhiều người đặc biệt là thế hệ trẻ nhỏ. Mới đây nhất, ông Nguyễn Nhơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Khương 1, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết trước giờ vào học (sáng 16.4), các giáo viên trong trường được học sinh báo có nhiều bạn chóng mặt, đau bụng, ói mửa và khó thở. Khai thác thông tin từ phía học sinh thì các em cho hay trước giờ vào học, các em học sinh lớp 3, lớp 4 có chơi trò slime mua tại các cửa hàng tạp hóa đối diện trường, rồi đưa vào trường chơi. Ngay khi hít phải khí từ món đồ chơi nói trên, các em bắt đầu có những triệu chứng sốc phản vệ. Các học sinh ngay lập tức đã được nhà trường đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Theo quy định hiện hành, ngoại trừ trường hợp đồ chơi nhập lậu, hiện chưa có quy định về biện pháp xử lý tịch thu đối với đồ chơi không dán tem hợp quy. Ngoài hình thức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gắn dấu hợp quy theo quy định trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường. Nhưng theo tìm hiểu và quan sát của chúng tôi, về cơ bản thì việc dán tem hợp chuẩn trên các sản phẩm đồ chơi trẻ em chưa thật sự phản ánh được thực chất hàng hóa đó bảo đảm chất lượng và đủ điều kiện lưu hành trên thị trường hay không. Tem không phải là con dấu chứng nhận hàng hóa chất lượng, mà quan trọng là sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng. Liệu rằng các quy định về kiểm tra, kiểm soát hiện còn đang khá ‘mở’ nên những người kinh doanh chạy theo lợi nhuận vẫn bất chấp quy định, dẫn đến khó kiểm soát hết việc dán tem, ghi nhãn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên cẩn trọng, không vì ham rẻ mà mua những sản phẩm chưa được kiểm định chất lượng hoặc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng... để tránh những nguy hại có thể ảnh hưởng đến trẻ.

Trung Tâm

Bình luận: 0