Cần phải hiểu “Tín dụng đen” là hoạt động không chính thống
Mỗi chúng ta cần phải hiểu “tín dụng đen” là hoạt động không chính thống. Vấn nạn này đã được đề cập nhiều và các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp để hạn chế nhưng chưa giảm nhiều là do nhu cầu của người dân cần có khoản vay nhanh để giải quyết những công việc khác nhau. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính ngân hàng chính thống do cần có sự đảm bảo an toàn, chặt chẽ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay nhanh, vay “nóng” của người dân nên “tín dụng đen” đã có kẽ hở lách vào. Hơn nữa, việc tuyên truyền chưa mạnh để người dân hiểu được “tín dụng đen” ảnh hưởng như thế nào đến đời sống, hiểu biết của một số người về “tín dụng đen” cũng chưa cao, dẫn đến rơi vào bẫy “tín dụng đen” do chưa xem kỹ điều kiện và những ràng buộc khi vay vốn. Mặt khác thì chế tài xử lý liên quan đến “tín dụng đen” chưa đầy đủ, việc tìm đến “tín dụng đen” còn do người dân không đáp ứng được các điều kiện của các tổ chức vay vốn hợp pháp; người vay tiền tham gia các hoạt động tệ nạn; nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay hoặc trung gian dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi họ… Việc các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng. Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” lách luật như: thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi; hoặc sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay: không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ; lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay…
Như trường hợp của ông Võ Thanh Lâm, trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum phản ánh tới cơ quan báo chí thì trước đây ông có vay của bà P.T.T.H số tiền là 2.400.000.000 đồng (Hai tỷ bốn trăm triệu đồng), sau đó ông Lâm đã trả dần bà P.T.T.H số tiền trên làm nhiều lần, nhưng cuối cùng thì khoản vay trên vẫn giữ nguyên và sau đó, khoảng đầu năm 2019 bà P.T.T.H đã kiện ông ra tòa án đề đòi nợ. Khi đó, ông nhận được thông tin của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà yêu cầu đến Tòa để làm việc. Ông đã đến và được cán bộ Tòa đưa cho một tờ giấy bảo ông tự khai vào, và ông đã viết sự việc xong rồi về. Ông Lâm cho biết: “Ngày 10/01/2019 bà N (cán bộ Tòa án huyện) lại điện cho tôi, bảo tôi đến TAND huyện Đăk Hà để làm việc tiếp. Tôi đã đến, tại đây có mặt bà P.T.T.H ở đó. Bà N bảo hai bên hòa giải, TAND huyện Đăk Hà lập biên bản hòa giải. Tại buổi hòa giải giữa tôi và bà P.T.T.H thống nhất mỗi năm tôi trả cho bà P.T.T.H 400.000.000 đồng (bốn trăm triệu đồng) cho đến khi trả hết nợ”. Sau đó ông Lâm nhận được Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 136/QĐ-CCTHADS và Quyết định Thi hành án chủ động số 139/QĐ-CCTHADS. Cả hai quyết định này cùng ngày 23/01/2019 của Chi cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Nội dung là buộc ông phải trả cho bà P.T.T.H ở địa chỉ TDP 3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum số tiền 2.400.000.000 đồng (hai tỷ, bốn trăm triệu đồng) và lãi suất chậm thi hành án; số tiền án phí dân sự sơ thẩm phải nộp là 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) và phải tự nguyện thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hai quyết định này. Cả hai quyết định này đều căn cứ vào quyết định số 02/2019/QĐST-DS ngày 18/01/2019 của TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Thông báo số 252/TB-DS ngày 28/8/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm
Không đồng ý với cách giải quyết sự việc trên, ông Lâm đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm Quyết định số 02/2019/QĐST-DS ngày 18/01/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum theo quy định tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luât Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), để vụ án được xét xử lại nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đôi bên đương sự, theo pháp luật quy định. Tuy nhiên, ông Lâm đã nhận đươc Thông báo số 252/TB-DS ngày 28/8/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Nội dung Thông báo nêu: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì thấy: Ngày 17/11/2015, Ông mượn của bà P.T.T.H số tiền 2.400.000.000 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 08/01/2019 Ông đến TAND huyện Đắk Hà viết bản tự khai, đến ngày 10/01/2019 Ông tham gia hòa giải. Tại phiên hòa giải các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án, Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Ngày 18/01/2019, Tòa án ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là đúng các qui định của pháp luật. Việc Ông cho rằng tại phiên hòa giải Ông và bà P.T.T. H không thỏa thuận việc trả số tiền 2.400.000.000 đồng nhưng trong biên bản hòa giải lại ghi nội dung này, tuy nhiên ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Do đó, TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum công nhận Ông trả cho bà P.T.T.H số tiền 2.400.000.000 đồng là có cơ sở. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định số 02/2019/QĐST-DS ngày 18/01/2019 của TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum”.
Theo phản ánh của ông Lâm thì: Bà N - Thẩm phán TAND huyện Đăk Hà gọi điện cho ông, lúc đó ông mới biết bà P.T.T.H khởi kiện. Bà N gọi điện cho ông tất cả hai lần, ông Lâm đã làm việc với TAND huyện hai lần. Từ ngày bà N gọi điện đến nay ông chưa hề nhận được bất kỳ giấy tờ gì của TAND huyện về việc bà P.T.T. H kiện ông mà sao Chi cục THADS huyện lại căn cứ vào Quyết định số 02/2019/QĐST-DS ngày 18/01/2019 của TAND huyện để ra 02 quyết định thi hành án nói trên đối với ông với số tiền nêu trên. (?). Ông Lâm chia sẻ: “Theo tôi được biết thì đã là những người làm công tác xét xử, họ đều phải được học luật, nắm rất vững các qui định của pháp luật mà pháp luật qui định sau khi nhận đơn khởi kiện và đủ điều kiện thụ lý theo Điều 195 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện Kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án (Khoản 1 Điều 196 BLTTDS). Sau khi đã tống đạt cho các đương sự thông báo thụ lý vụ án, Tòa án mới tiếp tục giải quyết vụ án và gửi các văn bản tố tụng khác cho các đương sự theo pháp luật quy định. Đây là nghĩa vụ của Tòa án phải cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho các đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.... Theo qui định tại Điều 170 BLTTDS. Các văn bản tố tụng, gồm: Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự; Bản án, quyết định của Tòa án; Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; .....; Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định. Theo qui định tại điều 171 BLTTDS. Trình tự thủ tục giải quyết vụ án BLTTDS qui định rất rõ ràng, cụ thể, chẳng nhẽ một thẩm phán Tòa án mà không biết” (?). Nhưng sự việc của ông thì chỉ là Tòa án huyện gọi điện thoại cho các đương sự đến để làm việc, mà hơn nữa là hai bên đã thống nhất ông phải trả 400.000.000 đồng mỗi năm, ông đã trả nhiều lần mà đã trả hơn cả số vay rất nhiều - Ông Lâm nói tiếp. Ông còn cung cấp cho chúng tôi một tập chứng từ trả tiền mà ông đã trả cho bà P.T.T.H từ năm 2014 đến năm 2018 với số tiền là hơn số 2.400.000.000 đồng rất nhiều.
Vậy đề nghị của ông Lâm đối với nội dung vụ việc ông Lâm nêu có đúng không bản chất sự việc hay không? Liệu trong câu chuyện vay mươn, trả nợ của ông Lâm với bà P.T.T.H có yếu tố vay lãi, trả lãi nặng nhưng không trả được gốc không?; có kẽ hở nào trong việc tố tụng hay xử lý vụ việc hay không? Sự vụ có phải là bản chất của “tín dụng đen” gây ảnh hưởng tới ông Lâm hay không?, hay còn những yếu tố khác chưa được nêu ra trong hồ sơ vụ việc? Rất cần cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc điều tra, làm rõ để pháp luật được thực thi nghiêm minh, kiên quyết xử lý những sai phạm (nếu có) nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân, đảm bảo uy tín cho ngành Tòa án và tránh để hoạt động “tín dụng đen” hoành hành.
Nguyễn Hân - Minh Sơn
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 06 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)