Cảnh báo các đối tượng lừa đảo lợi dụng phạt nguội nhằm vào người dân
Hình thức phạt nguội đang được áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Các thông tin, hình ảnh thu được sẽ được gửi về Trung tâm xử lý. Sau đó sẽ được Trung tâm này tiến hành việc in ảnh, truy xuất thông tin người và xe, xác định chủ phương tiện, địa chỉ rồi gửi thông báo đối với các đối tượng vi phạm để xử phạt. Ngoài ra, hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng áp dụng phạt nguội đối với những vi phạm giao thông được người dân chụp ảnh, quay phim và gửi trực tiếp về địa điểm, hòm thư điện tử của Đội CGST hoặc đăng tải trên mạng xã hội. Ở Việt Nam, việc phạt nguội đã được triển khai từ năm 2004 đã mang lại nhiều điểm tích cực đối với công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh mặt nghiêm minh mà xử phạt nguội mang lại thì hiện nay đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng nặc danh các cơ quan chức năng gọi điện thông báo tới chủ phương tiện vi phạm giao thông được camera ghi hình và thông tin vi phạm được đăng tải công khai trên mạng để “xử lý” nhằm lừa đảo chủ phương tiện. Theo thông tin từ Cục CSGT, Bộ Công an, trong thời gian khoảng 1 tháng gần đây, trực ban của Cục CSGT liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh việc bị những số điện thoại lạ (+84 906.077.811; +84 906.071.895… và số điện thoại không xác định) gọi đến tự xưng là số tổng đài CSGT (Cục CSGT, Phòng CSGT CA TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…) thông báo đến người nghe điện thoại về việc họ có biên lai “phạt nguội” do vi phạm TTATGT, khiến người nghe hoang mang, lo sợ. Các đối tượng này tự xưng là tổng đài viên của CSGT hỏi: “Anh (chị) đã nhận được biên bản xử phạt chưa? Hoặc anh (chị) gây tai nạn giao thông (có thời gian, địa điểm)… đến nay đã quá thời hạn xử lý; đề nghị anh (chị) cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, yêu cầu anh (chị) cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để (Cục CSGT, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…) cung cấp cho anh (chị) số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt…”
Tuy nhiên, Cục CSGT, các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm TTATGT, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào! Nên mọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email v.v.) cho người khác.
Hiện nay có rất nhiều cách để tra cứu xem phương tiện của mình có vi phạm giao thông hay không để tránh việc bất ngờ khi phải đóng thêm một khoản tiền phạt, các lái xe có thể tra cứu thông tin phạt nguội theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại các website http://www.vr.org.vn/ptpublic/ và http://www.csgt.vn - tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.
Ngoài hình thức phạt nguội gián tiếp qua camera giám sát thì hiện nay việc dán thông báo xử phạt “nguội” cũng phát huy hiệu quả, được người dân ủng hộ. Việc dán thông báo vi phạm lỗi dừng đỗ xe là hình thức xử lý vi phạm đang được lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội triển khai và đã nhận được những phản ứng tích cực từ dư luận. Đây là hình thức xử phạt văn minh, phát huy hiệu quả bước đầu. Chỉ tính riêng trong buổi sáng ngày đầu ra quân (ngày 15/12/2020), hơn 160 trường hợp phương tiện giao thông dừng đỗ sai quy định đã bị lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội dán thông báo xử phạt. Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ ngày 18/11/2020 đến ngày 31/1/2021, lực lượng CSGT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 23.754 trường hợp dừng, đỗ sai quy định, phạt thành tiền hơn 12 tỷ đồng, tạm giữ hơn 2.000 phương tiện, 15.778 bộ giấy tờ, tước 180 giấy phép lái xe. Trong đó, chỉ tính riêng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã xử lý hơn 10.600 trường hợp, phạt thành tiền hơn 4 tỷ đồng, giữ 56 phương tiện, 7.823 bộ giấy tờ, tước 121 giấy phép lái xe.
Trước khi triển khai xử phạt “nguội” xe dừng, đỗ sai quy định trên địa bàn Hà Nội, việc xử phạt “nguội” đối với xe vi phạm tốc độ trên đường cao tốc đã phát huy tác dụng khi góp phần nâng cao ý thức lái xe, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và kiểm soát tai nạn giao thông ở mức thấp nhất. Việc xử lý xe dừng đỗ sai quy định bằng hình thức dán thông báo đã và đang mang lại những hiệu quả bước đầu, được sự ủng hộ từ dư luận.
Thu Trung
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 59 -21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)