TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Câu chuyện về các dự án thủy điện trong mùa mưa lũ

22:04 19/11/2020
Logo header Nhiều dự án thủy điện (DATD) đã góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vì thế mà nhiều luồng ý kiến cho rằng việc tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư vào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn; Một số ý kiến, thậm chí là cả một vài địa phương lại cho rằng DATD làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, hồ chứa nước có nguy cơ gây ngập lụt mỗi khi xả lũ… Chính vì vậy mà kết luận thủy điện có lợi hay có hại vẫn là vấn đề “nóng” gây tranh cãi trong thời gian vừa qua.

Kể từ khi hoạt động, Nhà máy thủy điện Sơn La luôn đảm bảo công tác trị thủy trong mùa lũ

Thực tế cho thấy, để xây dựng được một công trình thủy điện dù là to hay nhỏ thì đều không hề đơn giản, phải tuân thủ rất nhiều quy chuẩn, quy trình nghiêm ngặt. Ngày 27/12/2012, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 43 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các DATD và vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo Thông tư này thì việc nghiên cứu, lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương; việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Ngoài ra các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện, cho phép nghiên cứu lập quy hoạch để đầu tư xây dựng các DATD vừa và nhỏ theo đúng quy định của pháp luật. Về tiêu chí môi trường - xã hội yêu cầu dự án không chiếm dụng quá 10ha/MW và không ảnh hưởng di dân quá 01 hộ/MW; phải tuân thủ quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Điện lực. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy hoạch của tư vấn chuyên ngành, văn bản đề nghị của UBND tỉnh có DATD trên địa bàn, Bộ Công thương tổ chức thẩm định; lấy ý kiến của các cơ quan liên quan cần thiết như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng… làm cơ sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch để xem xét phê duyệt quy hoạch. Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: thời gian vừa qua, Cục này đã kiên quyết loại khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đây là các dự án chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội; Trong khi đó tại tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã thống nhất với đề xuất của Sở Công thương, không phát triển thêm các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, thu hồi thỏa thuận đầu tư, đưa 04 DATD ra khỏi quy hoạch vừa và nhỏ toàn quốc gồm: Sông Trang (công suất 5W), Khánh Thượng (công suất 18MW), Sông Cái (công suất 2MW) và Hoa Sơn (công suất 4MW) với lý do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích từng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Bên lề phiên họp của Quốc hội diễn ra ngày 24/10/2020 về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao đổi:“Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là thủy điện bao giờ cũng có hai mặt, do đó không nên khuyến khích bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Trong thời gian tới cần hết sức cẩn trọng trong cấp phép thủy điện nhỏ. Hiện nay, các nhà máy thủy điện lớn đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết cung cấp nước cho mùa hạn, còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được điều đó”; Góc nhìn từ phía các chuyên gia thì cho rằng: trong bối cảnh nước ta hiện nay, các loại nguồn điện hiện đang gặp một số thách thức như: các dự án khí điện chưa đảm bảo tiến độ, các dự án nhiệt điện than được khuyến nghị giảm bớt, các dự án điện tử năng lượng tái tạo hiện vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa kể đến hai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận đã dừng xây dựng. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước trong thời gian tới thì phải xem xét nghiên cứu tăng nguồn thủy điện. Các công trình thủy điện lớn có lẽ đã không cần phải bàn cãi vì: việc xây dựng là cần thiết, lợi ích là rõ ràng, hiệu quả là vô cùng lớn đối với nền kinh tế. Đơn cử như nhà máy thủy điện Hòa Bình được Liên Xô (cũ) thiết kế, xây dựng với hệ số an toàn rất cao và hệ số dự phòng rất lớn; thông số về khả năng chống lũ lớn lên tới 60.000 m3/ giây. Thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả, bao gồm 06 cửa xả mặt và 12 cửa xả đáy. Năm 1996 khi xảy ra trận lũ lớn trên sông Đà thì thủy điện Hòa Bình chỉ mở có 07 cửa; vào trận lũ tháng 10/2017, dù rất đột ngột nhưng thủy điện Hòa Bình cũng chỉ mở có 08 cửa và chỉ mở trong 01 ngày đêm rồi lại đóng lại ngay để trữ nước mà không có trục trặc gì. Điều này có nghĩa là hệ số dự phòng còn rất lớn, có sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước, sự giám sát chặt chẽ của cơ quan để mọi quy trình luôn đảm bảo thực hiện đúng. Trong khi đó, các thủy điện nhỏ lại thường được xây dựng tại các khu vực miền núi, xa trung tâm, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở mạnh vào mùa mưa lũ nên rất khó khăn và gặp nhiều rủi ro khó lường, thậm chí cả khó kiểm soát.

Công trình Nhà máy thủy điện Sơn La được thiết kế và xây dựng đảm bảo

Như vậy, giải pháp nào cho thủy điện nước ta phát triển bền vững? Một chuyên gia nghiên cứu về phát triển thủy điện chia sẻ: “Thứ nhất, thủy điện cần được quản lý trong mối quan hệ sử dụng tổng hợp với các ngành dùng nước khác và với môi trường của lưu vực sông. Nguồn nước sông là tài nguyên có hạn và thiết yếu của con người, nhất là người dân sinh sống ở khu vực này, nên nguồn nước sông phải được sử dụng tổng hợp đáp ứng tất cả các yêu cầu sử dụng, trong đó có phát điện, phục vụ sinh hoạt, các hoạt động sản xuất công nông nghiệp của người dân để thu được hiệu quả sử dụng tổng hợp cao nhất; Thứ hai là sử dụng nước của thủy điện phải được quản lý trong khuôn khổ chung của quản lý tổng hợp tài nguyên nước, do đó Nhà nước cũng cần có những chính sách riêng thích hợp cho quản lý sử dụng nước của thủy điện thì mới nâng cao được sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước”. Chuyên gia này cũng cho rằng: những dự án thủy điện không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, không tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng, tức là thân thiện với môi trường thì mới được xem là sản sinh ra năng lượng sạch.

Diệu Minh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

Bình luận: 0