Chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mới được cung cấp dịch vụ phát trực tuyến livestream
Ngày 15 tháng 7 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Kể từ thời điểm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng ngày càng trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu, thói quen của người sử dụng. Nếu như trước đây, hoạt động cung cấp thông tin chủ yếu thông qua hệ thống báo chí, bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử thì ngày nay việc sản xuất và phát hành nội dung không còn là vị trí độc tôn của các cơ quan báo chí nữa mà đã chuyển dần sang chính người dùng trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok, Twitter, Instagram... Người dùng lên mạng không chỉ tìm kiếm thông tin mà họ cần được phục vụ cho nhu cầu giải trí, học tập, sáng tạo, mua sắm, chơi game, nghe nhạc, xem phim, thương mại điện tử...
Tính đến hết tháng 6/2021, đã có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 01 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu, tiếp đến là Mocha: 25 triệu tài khoản; Webtretho: 3 triệu tài khoản; Nhaccuatui: 14 triệu tài khoản; Gapo: 7 triệu tài khoản), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).
Nhìn chung, hoạt động cung cấp thông tin trên mạng tại Việt Nam đang phát triển tốt từ khi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành, góp phần làm phong phú thêm các loại hình và đa dạng về nguồn thông tin, giúp người sử dụng được tiếp cận với nhiều nội dung thông tin đa dạng và phong phú. Đối với lĩnh vực dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động và trò chơi điện tử trên mạng, các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã góp phần làm ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tiễn thi hành cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, thực trạng phát triển về công nghệ thông tin và Internet… đã bộc lộ những hạn chế bất cập, những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện.
Các mạng xã hội xuyên biên giới hiện vẫn còn nhiều lúc, nhiều thông tin đăng tải chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, tin xấu, độc gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng là gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động như hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp những hình ảnh phản cảm, thậm chí còn xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật. Có thể kể đến như vụ việc gần đây là một cá nhân ở Bình Dương gây xôn xao dư luận khi thực hiện hàng loạt buổi livestream “bóc phốt” nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt, thậm chí có lời lẽ không chuẩn mực. Bên cạnh đó là tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Trước những tồn tại này, vào ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 193/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 72/2013/NĐ-CP, gồm 06 chính sách sau: Quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; Cấp phép thiết lập mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng, cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động; Quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới; Tăng cường triển khai biện pháp bảo vệ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet; Quy định về kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu; Quy định về dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền.
Căn cứ Nghị quyết số 193/NQ-CP, đến thời điểm hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Điều đáng lưu tâm của Dự thảo Nghị định sửa đổi này là việc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nêu chi tiết các quy định về cấp phép đối với các mạng xã hội. Cụ thể với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép), khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định (có quy định trách nhiệm cụ thể với các mạng xã hội). Các mạng xã hội đã thông báo phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập (UV-Unique visitor) thường xuyên của trang.
Khi mạng xã hội trong nước đạt đến mốc từ 10.000 người truy cập thường xuyên/tháng (căn cứ theo kết quả của Bộ TT&TT công bố) thì phải thực hiện thủ tục cấp phép, vì với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội. Bộ TT&TT sẽ thông báo cho các doanh nghiệp có mạng xã hội đạt mốc phải cấp phép. Đối với các mạng xã hội của nước ngoài phải thực hiện thủ tục thông báo/xác nhận thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước khi cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam đạt mốc tương tự. Đồng thời các MXH chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TTTT mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức
Ngoài ra theo dự thảo, chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không thì chỉ được xem tin, bài. Chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và cung cấp dịch vụ phát trực tuyến livestream. Mạng xã hội đa dịch vụ cũng sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ, nội dung chuyên ngành vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động, tạm đình chỉ tên miền của toàn bộ nền tảng mạng xã hội đa dịch vụ cho đến khi mạng xã hội thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Về trách nhiệm, các chủ kênh, tài khoản MXH tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng). Có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên kênh, tài khoản MXH của mình ngay khi có yêu cầu từ người sử dụng MXH hoặc cơ quan quản lý
Ngoài những quy định này, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về Trang thông tin điện tử tổng hợp; Trò chơi điện tử; Dịch vụ thông tin xuyên biên giới; Cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động; Quản lý tên miền…
Nguyễn Hân/Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 70 - 21
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)