TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Chiến lược và chính sách phát triển lâm nghiệp thế giới và định hướng cho Việt Nam

16:33 09/03/2022
Logo header Mỗi quốc gia, tùy vào thể chế chính trị, nguồn lực tài nguyên và con người, trình độ khoa học kĩ thuật, quan điểm và tầm nhìn về vai trò của ngành lâm nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội, sẽ có định hướng khác nhau trong việc hoạch định chính sách lâm nghiệp. Cùng xem xét một số định hướng chính sách, chiến lược ngành lâm nghiệp của một số quốc gia trên thế giới.

1. Xác định độ che phủ rừng

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và theo Công ước về đa dạng sinh học (CBD), để đảm bảo sự tồn tại, sức khỏe và phát triển bền vững của hệ sinh thái rừng, tối thiểu 30% diện tích đất của mỗi quốc gia phải là đất có rừng. Bởi vậy, nhiều chính phủ trên thế giới luôn muốn xây dựng hệ thống khu bảo tồn và vườn quốc gia với diện tích chiếm 30% diện tích đất tự nhiên trên cả nước và coi đó là một trong những thành tựu trong việc đảm bảo độ đa dạng sinh học của quốc gia. Nghiên cứu cho thấy các quốc gia nghiên cứu xác định tỉ lệ che phủ rừng của mình dao động từ 23% cho đến 70%. Mặc dù một số nước chưa đạt đến tỉ lệ 30% (vd. Trung Quốc), các chiến lược dài hạn khác của quốc gia đều có xu thế tiến gần tới mục tiêu này trong tương lai. Mức dao động trong tỉ lệ che phủ rừng ở các nước chủ yếu phụ thuộc vào thể chế chính trị và mục tiêu phát triển chính trị, kinh tế và xã hội.

Các quốc gia lựa chọn 3 phương án trong việc xác định tỉ lệ che phủ rừng trong chiến lược và chính sách phát triển lâm nghiệp của mình.

i. Đề cập cụ thể tỉ lệ che phủ rừng trong chiến lược và chính sách (Trung Quốc, Cam-pu-chia, Scốt-len, Thái Lan, Bhutan, Lào);

ii. Không đề cập đến tỷ lệ che phủ rừng trong chiến lược và chính sách (EU, G8, 12 nước Châu Phi Sub-Saharan, Hung-ga-ry, Úc, Áo);

iii. Có đề cập đến mục tiêu quản lí bảo vệ rừng nhưng không lựa chọn giải pháp tỉ lệ che phủ rừng mà tập trung vào đảm bảo diện tích rừng được sử dụng cho các mục đích cụ thể (Phần Lan, Hà Lan).

Việc lựa chọn phương án nào phụ thuộc vào thể chế chính trị, độ chính xác và mức độ hiện có của thông tin cũng như định hướng vai trò của ngành lâm nghiệp trong tổng thể phát triển kinh tế và xã hội.

Trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006–2020, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, cùng với các nhóm kĩ thuật do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn thiết lập, cũng đã xem xét và phân tích các kịch bản tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam dựa trên khả năng cung cầu của thị trường, định hướng phát triển kinh tế, nhân lực, trình độ khoa học kĩ thuật và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mô hình toán học đã được sử dụng để hỗ trợ xác định tỉ lệ che phủ rừng bao gồm: (1) Mô hình dự báo nhu cầu thị trường về các sản phẩm lâm nghiệp trong và ngoài nước; (2) Mô hình phát triển toàn ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế cạnh tranh.

Hai mô hình này nhằm phát triển các kịch bản phát triển công nghiệp và thương mại đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam theo các định hướng khác nhau, ví dụ như việc tự chủ trong việc cung cấp sản lượng gỗ cho ngành công nghiệp và mục tiêu xuất khẩu dài hạn cho gỗ ván và gỗ xẻ, từ đó tính toán diện tích rừng cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Diện tích rừng cần có cũng sẽ phải đáp ứng nhu cầu và khả năng trồng rừng của các bên có liên quan, khả năng tăng năng suất của diện tích rừng hiện có và khả năng giải quyết các thiếu hụt trong nguyên liệu bằng cách mở rộng diện trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006–2020, các kịch bản đều tuân thủ theo ưu tiên đối với bảo tồn diện tích rừng tự nhiên hiện có. Từ việc xây dựng mô hình phát triển ngành lâm nghiệp với kịch bản khác nhau, nhóm chuyên gia không chỉ xác định được diện tích rừng và tỉ lệ che phủ rừng cần có cho mỗi kịch bản, mà còn cả ngân sách và nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu này, từ đó làm đầu vào cho quyết định nhà nước nên chọn tỉ lệ che phủ rừng nào là phù hợp. Chiến Lược ra đời đã lựa chọn tỉ lệ che phủ rừng với mục tiêu 42–43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020 theo quyết định của Chính Phủ và Đảng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật gần đây trong đó có Kế Hoạch Hành Động Tăng trưởng xanh, Cam kết tự nguyện quốc gia, Chương trình hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển ngành lâm nghiệp một cách bền vững giai đoạn 2016–2020 đều đặt ra mục tiêu là 42% năm 2020 và 45% năm 2030.

Mặc dù vậy, điểm quan trọng cần lưu ý là tỉ lệ che phủ rừng không phải tiêu chí quan trọng nhất để phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam. Công tác quản lí rừng bền vững, đảm bảo chất lượng và độ đa dạng sinh học của rừng để rừng có thể cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm, giúp bảo đảm an ninh lương thực và an sinh xã hội mới là điều cốt lõi trong định hướng phát triển ngành.

Việc định hướng tỉ lệ che phủ rừng trong tương lai từ năm 2020 cần dựa trên:

  • Số liệu hiện có về tình trạng rừng của Việt Nam cũng như các dự báo về thay đổi tỉ lệ che phủ rừng trong tương lai.
  • Số liệu về xu thế phát triển của thị trường các sản phẩm lâm sản và lâm sản ngoài gỗ
  • Tình hình biến động chính trị, kinh tế, xã hội trên toàn cầu.
  • Năng lực của các doanh nghiệp trong nước và thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng, trình độ năng lực và nguồn đào tạo nhân lực.
  • Xác định ưu tiên của quốc gia và hài hòa hóa giữa các mục tiêu này. Việt Nam sẽ tự chủ trong việc cung ứng và sản xuất sản phẩm gỗ? Xuất khẩu tối đa sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ? Hạn chế tối đa việc tuyệt chủng của các loài trong sách đỏ và các loài nguy cấp? Bảo vệ xói lở bờ biển và giảm thiểu tác động của nước biển dâng? Tập trung nguồn thu từ việc phát triển dịch vụ môi trường rừng?
  • Xác định có cần thiết phải tăng tỉ lệ che phủ rừng không và mục đích của việc tăng tỉ lệ che phủ rừng. Sản xuất các phẩm lâm sản và dịch vụ rừng hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường? Giải pháp khác và chi phí cơ hội của diện tích rừng muốn chuyển đổi thành đất rừng để tăng tỉ lệ che phủ rừng? Liệu diện tích rừng và đất đang suy thoái có thể trở thành rừng được không? Liệu diện tích đất đang muốn chuyển thành rừng để nâng cao tỉ lệ che phủ rừng có được quy hoạch hay sử dụng bởi các ngành khác? Ngân sách để tăng tỉ lệ che phủ rừng là bao nhiêu?
  • Việc đề cập tới con số tỉ lệ che phủ rừng chỉ là bước quan trọng đầu tiên và con số tỉ lệ che phủ rừng này sẽ được phân bổ và hiện thực hóa như thế nào đối với các loại rừng khác nhau, mục đích sử dụng rừng khác nhau, người quản lí rừng khác nhau, chất lượng và trữ lượng rừng khác nhau.
  • Đối chiếu với kế hoạch sử dụng đất, chính sách phát triển của từng ngành có liên quan để đảm bảo tính khả thi của tỉ lệ che phủ rừng.

2. Sứ mệnh, mục tiêu, tầm nhìn của ngành lâm nghiệp

Để xây dựng chính sách và chiến lược phát triển lâm nghiệp trong tương lai, các quốc gia dựa trên phân tích các điểm mạnh của quốc gia cũng như các thách thức đối với trong và ngoài nước. Scốtlen và Phần Lan xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp nhằm giải quyết các thách thức và rủi ro đối với ngành lâm nghiệp. Cụ thể là, trong bối cảnh của Scốt-len, các giải pháp và định hướng chiến lược lâm nghiệp được đưa ra nhằm giải quyết các thách thức bao gồm: biến đổi khí hậu, mật độ cao của hươu hoang dã, sâu bệnh hại cây (và an toàn sinh học nói chung), phát triển kinh tế, sự phân mảnh sinh cảnh (ví dụ: phát triển đô thị, phát triển năng lượng và giao thông, cơ sở hạ tầng), trồng rừng vô trách nhiệm hoặc sai cây, sai địa điểm (bao gồm cả loài, vị trí không phù hợp, độc canh, mật độ, v.v.), thẩm mỹ cảnh quan, mật độ chăn thả gia súc (vd. cừu), quản lí tài nguyên mở (Scotland Wildlife Trust 2018). Trong trường hợp của Phần Lan, Chiến lược phát triển lâm nghiệp được xây dựng nhằm ứng phó và tận dụng cơ hội trước những dự báo về thách thức cho ngành lâm nghiệp Phần Lan bao gồm: biến đổi khí hậu, nhu cầu sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên tăng cao, biến động về trạng thái của môi trường và thiên nhiên, cách mạng công nghệ, chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, thay đổi về giá trị và quan niệm sống, cơ cấu dân số và đô thị hóa, thay đổi trật tự chính trị quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề trong xã hội, và tính toàn vẹn và độ tin cậy của cơ sở hạ tầng quan trọng (Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan).

Các nghiên cứu cũng thể hiện rõ hơn sự đa dạng của các nước trong việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển lâm nghiệp trong tương lai. Tùy vào mục tiêu và thể chế chính trị mà mỗi nước sẽ có định hướng phát triển ngành với trọng tâm khác nhau nhưng có 11 điểm chính mà tất cả các chiến lược và chính sách phát triển lâm nghiệp của các nước đều đề cập đến:

i. Bảo tồn đa dạng sinh học. Chiến lược và chính sách lâm nghiệp của các nước đều đặt mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và sức khỏe của hệ sinh thái rừng là ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học có thể tập trung vào bảo tồn loài (vd. Scotland) hoặc các mục tiêu đa dạng sinh học khác. Tanzania xác nhận chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật trong rừng và xác định rằng chúng sẽ được bảo tồn và sử dụng cho người dân. Cameroon cũng có đạo luật gần tương tự. Gabon xây dựng và kết hợp 2 chính sách quản lý bền vững ngành tài nguyên nước và lâm nghiệp để đảm bảo đa dạng sinh học tổng thể trên quy mô quốc gia. Ethiopia bắt buộc các chủ rừng phải thực hiện các chỉ thị do Bộ ban hành về bảo vệ môi trường và những điều liên quan đến lưu vực, môi trường sống có giá trị đặc biệt và độc đáo, các loài cây có nguy cơ tuyệt chủng và cộng đồng rừng trong khu vực. Luật pháp của Cameroon và Lesoto đưa ra những chỉ dẫn chung về việc duy trì đa dạng sinh học như một nghĩa vụ của cơ quan lâm nghiệp. Một số quốc gia đã áp dụng các quy định liên quan đến việc phòng ngừa và kiểm soát sâu bệnh như một trách nhiệm phải báo cáo hàng năm của cả chủ rừng và cơ quan quản lí lâm nghiệp.

ii. Ưu tiên đầu tư vào bảo vệ rừng tự nhiên và tái trồng rừng.

iii. Phát triển ngành công nghiệp gỗ và sản phẩm lâm nghiệp có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Tất cả các quốc gia đều xây dựng chiến lược cụ thể nhằm cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường của ngành công nghiệp gỗ của mình.

iv. Quản lí rừng bền vững là kim chỉ nam xuyên suốt trong tâm điểm của các chính sách.

v. Khuyến khích sự tham gia của các bên, đặc biệt là khối tư nhân và trao quyền cho cộng đồng địa phương luôn nằm trong tâm điểm của các chiến lược phát triển lâm nghiệp của các nước. Nhiều chính sách và cơ chế tài chính mới đã được tạo ra nhằm khuyến khích khối tư nhân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng (vd. hệ thống cấp tín chỉ các-bon tại Thái Lan).

vi. Nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước trong việc thực thi pháp luật và tiến hành quản trị lâm nghiệp hiệu quả. Nguồn ngân sách nhà nước dành cho thực hiện chiến lược được ưu tiên dành cho việc năng cao nguồn lực con người của ngành lâm nghiệp. Các hoạt động cụ thể bao gồm nâng cao năng lực và kĩ năng quản lí cho các cán bộ lâm nghiệp, tập trung vào đào tạo nguồn lực tại tất cả các cấp đào tạo.

vii. Mở rộng và đầu tư trọng điểm vào các nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ và phát triển thị trường cho các sản phẩm mới.

viii. Quản lí hiệu quả và mở rộng diện tích khu bảo tồn để đảm bảo sức khỏe của hệ sinh thái cũng như đạt được các mục tiêu liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

ix. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá ngành.

x. Tiếp cận đa ngành và nâng cao vai trò của ngành lâm nghiệp trong xóa đói giảm nghèo, đóng góp của ngành lâm nghiệp với các ngành nghề khác, góp phần vào phát triển nông thôn, thích ứng và giảm thiểu với khí hậu và an sinh xã hội.

xii. Nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và khối tư nhân trong đảm bảo phát triển khoa học và công nghệ. Nhà nước thực hiện các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong lâm nghiệp, phổ biến công nghệ lâm nghiệp tiên tiến và ứng dụng, và nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của lâm nghiệp.

Một số nước đặt ra những mục tiêu cụ thể với chi tiết các hoạt động (vd. Cam-pu-chia, Thái Lan, Rwanda) trong khi đó một số nước chỉ đề ra các mục tiêu vĩ mô, ngắn gọn (vd. Scốt-len) mang tính định hướng tư tưởng hơn là liệt kê các hoạt động cụ thể.

Mặc dù các nước có đề cập tới những nguyên tắc phát triển ngành chung, kết quả nghiên cứu rà soát tài liệu thứ cấp cũng cho thấy nhiều điểm mới và riêng biệt trong tầm nhìn và mục tiêu mà các nước định hình cho chính sách lâm nghiệp của họ.

3. Một số điểm mới trong xây dựng chính sách và chiến lược lâm nghiệp

Kết quả rà soát tài liệu thứ cấp cho thấy Chiến lược phát triển lâm nghiệp của 53 quốc gia có một số điểm mới và khác biệt so với xu thế phát triển chung hiện nay.

Gắn trách nhiệm với từng công dân. Luật Lâm Nghiệp 2019, bắt đầu thực thi vào tháng 7 năm 2020 của Trung Quốc quy định rằng trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng là nghĩa vụ của công dân. Chính quyền nhân dân các cấp nên tổ chức các hoạt động trồng cây và trồng rừng tự nguyện của mọi người dân. Ngày 12 tháng 3 được chỉ định là ngày trồng cây bắt buộc với mọi công dân.

Hỗ trợ chuyển đổi thành rừng tại những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao. Luật Lâm Nghiệp 2019, bắt đầu thực thi vào tháng 7 năm 2020 của Trung Quốc ghi rõ Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi và phát triển các vùng rừng trọng điểm, bảo vệ và phục hồi tài nguyên rừng, cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt, và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở đó. Các khu vực rừng trọng điểm sẽ được hưởng thanh toán chuyển nhượng và các chính sách khác của các khu chức năng sinh thái quan trọng của Nhà nước theo quy định. Nhà nước hỗ trợ bảo vệ và phục hồi tài nguyên rừng ở những khu vực dễ bị tổn thương về mặt sinh thái.

Xây dựng các khu rừng vì phúc lợi xã hội và dành cho công chúng. Luật Lâm Nghiệp 2019, bắt đầu thực thi vào tháng 7 năm 2020 của Trung Quốc Quy định rằng Nhà nước chỉ định các khu đất rừng có vị trí sinh thái quan trọng để phát huy đầy đủ lợi ích sinh thái như rừng phúc lợi công cộng.

Các khu rừng phúc lợi công cộng nên được chỉ định và công bố bởi Hội đồng Nhà nước và chính quyền nhân dân của các tỉnh, khu tự trị và đô thị trực thuộc Chính phủ Trung Ương. Đất rừng ở các khu vực sau được phân loại là rừng phúc lợi công cộng: (1) các khu vực khai thác tại nguồn của các con sông quan trọng; (2) khu vực bảo vệ của các sông chính, phụ lưu và nguồn nước uống; (3) các khu vực xung quanh vùng đất ngập nước quan trọng và các hồ chứa quan trọng; (4) khu bảo tồn thiên nhiên của rừng và động vật hoang dã trên cạn; (5) các vành đai rừng khô cơ bản của các khu rừng chắn gió và cát cố định trong các khu vực sa mạc hóa nghiêm trọng và xói mòn đất; (6) nơi trú ẩn ven biển; (7) diện tích rừng nguyên sinh chưa phát triển và chưa sử dụng; và (8) các khu vực khác sẽ được chỉ định. Nếu việc phân định rừng phúc lợi công cộng liên quan đến đất rừng không thuộc sở hữu nhà nước, cần phải ký một thỏa thuận bằng văn bản với bên có nghĩa vụ và phải bồi thường hợp lý. Nếu rừng phúc lợi công cộng được điều chỉnh, cần được phê duyệt bởi cơ quan phân định ban đầu và được công bố. Các quy định về phân định và quản lý rừng phúc lợi công cộng cấp nhà nước được xây dựng bởi Hội đồng Nhà nước; các quy định về phân định và quản lý rừng phúc lợi công cộng cấp địa phương được xây dựng bởi chính quyền nhân dân của các tỉnh, khu tự trị và đô thị trực thuộc chính quyền trung ương. Nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng phúc lợi công cộng.

Lâm nghiệp đô thị cũng là trọng tâm phát triển của nhiều chiến lược bao gồm Trung Quốc và các nước Châu Âu.

Chiến lược huy động tài chính cho ngành lâm nghiệp. Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho phát triển lâm nghiệp luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Tuy nhiên, Thái Lan và Scốt-len là hai nước xây dựng cụ thể Chiến lược huy động và đảm bảo nguồn tài chính cho ngành. Chiến lược huy động tài chính cho ngành Lâm nghiệp ở Thái Lan bao gồm 5 nguồn sau:

  • Ngân sách chính phủ thông qua bộ chính là Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài chính)
  • Ngân sách chính phủ thông qua các bộ khác và ngân sách thông qua các tổ chức hành chính cấp huyện và tỉnh, quỹ môi trường quốc gia và quỹ nghiên cứu quốc gia
  • Tổ chức khu vực tư nhân: Các tổ chức khu vực tư nhân đang hoạt động và ngày càng hỗ trợ các dự án và hoạt động quản lý rừng bền vững trong nước, chủ yếu thông qua các chương trình và sáng kiến về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như tái trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái, phòng chống cháy rừng, hỗ trợ sinh kế địa phương phát triển và trao giải thưởng cho các khu rừng cộng đồng xuất sắc, v.v ... Một số tổ chức thuộc khu vực tư nhân như Toyota Thái Lan, Isuzu Thái Lan, PTT Global Chemical (PTT GC), RATCH Group, Siam Xi măng (SCG), Charoen Pokphand (CP), Siam Commercial Bank (SCB), Kasikorn Bank, v.v ... Ước tính sự hỗ trợ từ các tổ chức khu vực tư nhân trị giá hơn 544 triệu Baht hoặc 17,85 triệu USD trong năm năm qua.
  • Nhà tài trợ song phương và đa phương
  • Xây dựng Quỹ rừng. Quỹ rừng có thể là một cơ chế khác để tập hợp tài chính từ các nguồn khác nhau và nhằm mục đích quản lý rừng bền vững. Đây cũng sẽ là một nền tảng chiến lược cho sự hợp tác của các bên liên quan bao gồm chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương. Quỹ sẽ giúp tăng cường quy trình quản lý rừng của các cộng đồng địa phương ở các vùng khác nhau trong việc tiếp cận hỗ trợ tài chính, xây dựng các dự án tiềm năng hoặc sử dụng để trong quá trình xin tài trợ như cơ chế đồng tài trợ trong đề xuất dự án.

Nguồn của quỹ phát triển rừng bền vững tại Thái Lan có thể là từ việc gây quỹ trong nước hoặc quỹ từ các nhà tài trợ quốc tế, khu vực tư nhân, các cá nhân quan tâm hoặc các khoản tài trợ dự án lớn nhằm hỗ trợ cộng đồng quản lý rừng bền vững. Do đó, cơ cấu chi tiết và quản lý quỹ rừng cần được thiết kế và thảo luận giữa các bên liên quan để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu chung của phát triển tài chính rừng. Để có thể tạo ra cơ chế khuyến khích khối tư nhân đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng, Thái Lan đã xây dựng hệ thống chứng nhận dựa trên tín dụng các-bon (chứ không phải là lâm sản truyền thống) với 3 lựa chọn:

  • Tín dụng các-bon sẽ cần phải được chứng nhận thông qua quy trình và hệ thống chứng nhận rừng quốc gia từ việc tránh phát thải từ tránh phá rừng (ví dụ từ bảo vệ rừng) và cô lập các-bon (ví dụ: trồng lại rừng/trồng rừng, phục hồi rừng).
  • Thiết lập một chứng chỉ rừng nơi mà các khoản tín dụng các-bon không được thiết kế để được bán trên thị trường các-bon. Thay vào đó, các khoản tín dụng có thể được cung cấp cho một khu vực tư nhân có thể yêu cầu các khoản tín dụng như là một phần của các sáng kiến trách nhiệm xã hội của công ty (CSR). Việc thiết lập này có thể đạt được thông qua thỏa thuận hợp tác giữa khu vực tư nhân (doanh nghiệp kinh doanh) và khu vực rừng được quản lý bởi người quản lý rừng (ví dụ: cộng đồng lâm nghiệp địa phương).
  • Hỗ trợ và hợp tác không phải thông qua tín dụng các-bon mà là thông qua các hoạt động lâm nghiệp thực tế (phục hồi rừng, phục hồi, trồng rừng, trồng rừng). Mối quan hệ đối tác có thể được củng cố trong đó cộng đồng địa phương có thể được hỗ trợ bởi khu vực tư nhân để thực hiện các hoạt động quản lý rừng khác nhau như: phục hồi rừng, tái sinh tự nhiên, trồng rừng và trồng rừng và bảo vệ rừng.

Tại Châu Phi, Quỹ phát triển rừng cũng là hình thức mà các quốc gia Châu Phi xây dựng nhằm tạo nguồn thu cho ngành lâm nghiệp. Theo quan điểm của nhiều quốc gia, vai trò của rừng trong việc cung cấp lợi ích công cộng và tư nhân, quản lý bền vững rất lớn và phải có sự quản lý và đầu tư công trong việc phát triển tiềm năng sản xuất của ngành. Các quỹ phát triển lâm nghiệp, trong đó một phần tiền thu được từ các sản phẩm và dịch vụ lâm nghiệp được thu thập, đưa ra các ưu đãi và đền bù để liên tục cung cấp các dịch vụ kinh tế, sinh thái và xã hội vì lợi ích công cộng.

Các tiếp cận đối vời Quyền sử dụng rừng truyền thống. Tại nhiều quốc gia, quyền sử dụng rừng truyền thống thường được thừa nhận trong luật pháp của tất cả các quốc gia tuy nhiên bị giới hạn chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà loại trừ việc sử dụng lâm sản. Có một sự khác biệt tiêu biểu trong việc thực thi các quyền truyền thống trong các vườn quốc gia hoặc các vùng quy hoạch tại các nước Châu Phi. Quyền sử dụng rừng truyền thống sẽ được tôn trọng tuyệt đối trên các loại hình sử dụng đất khác, nhưng có thể bị hạn chế hoặc thậm chí bị bãi bỏ trong các khu rừng đã áp dụng các kế hoạch quản lý.

Cách tiếp cận với việc xử lí cháy rừng. Liên quan đến việc bảo vệ và phòng cháy chữa cháy, các văn bản phản ánh hai quan điểm khác nhau của 12 nước Châu Phi. Một số quốc gia thừa nhận hỏa hoạn và chăn thả là các hình thức sử dụng truyền thống trong các khu vực rừng và xác định các tiêu chí theo đó các mục đích sử dụng này có thể bị hạn chế và ở mức độ nào nhưng không có biện pháp cấm nghiêm ngặt. Trong lúc đó, có một số nước lại quy định việc sử dụng lửa và chăn thả là các hoạt động bị cấm.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Chiến lược tới năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan (tầm nhìn đến năm 2030) định hướng rằng sự phát triển của ngành lâm nghiệp sẽ đóng góp vào nền kinh tế sinh học và kinh tế tuần hoàn có trách nhiệm với tài nguyên và xã hội, đồng thời trở thành một phần không thể thiếu trong việc xây dựng Phần Lan trở thành một nước cạnh tranh và có phúc lợi cao vào năm 2030. Đây là một định hướng mới do vậy Phần Lan và Khối Châu Âu đã dành rất nhiều ngân sách để tổ chức nghiên cứu hiện thực hóa tầm nhìn này.

4. Kết luận

Tùy vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và định hướng về vai trò của ngành lâm nghiệp trong tổng thế phát triển của đất nước, 53 quốc gia nghiên cứu trong báo cáo này có cách tiếp cận riêng trong việc xây dựng Chiến lược và chính sách phát triển lâm nghiệp của mình. Mặc dù vậy, các chiến lược và phát triển ngành lâm nghiệp của 53 quốc gia đều đề cập đến ưu tiên đối với (i) bảo tồn đa dạng sinh học; (ii) ưu tiên đầu tư vào bảo vệ rừng tự nhiên và tái trồng rừng; (iii) phát triển ngành công nghiệp gỗ và sản phẩm lâm nghiệp có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao; (iv) quản lí rừng bền vững; (v) khuyến khích sự tham gia của các bên, đặc biệt là khối tư nhân và trao quyền cho cộng đồng địa phương; (vi) nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước trong việc thực thi pháp luật và tiến hành quản trị lâm nghiệp hiệu quả; (vii) mở rộng và đầu tư trọng điểm vào các nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ và phát triển thị trường cho các sản phẩm mới; (viii) quản lí hiệu quả và mở rộng diện tích khu bảo tồn để đảm bảo sức sống của hệ sinh thái cũng như đạt được các mục tiêu liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học; (ix) xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá ngành; (x) tiếp cận đa ngành và nâng cao vai trò của ngành lâm nghiệp trong xóa đói giảm nghèo, đóng góp của ngành lâm nghiệp với các ngành nghề khác, góp phần vào phát triển nông thôn, thích ứng và giảm thiểu với khí hậu và an sinh xã hội; và (xi) nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và khối tư nhân trong đảm bảo phát triển khoa học và công nghệ.

Tuy có nhiều điểm chung trong nội dung Chiến lược phát triển Lâm nghiệp, một số quốc gia cũng có cách tiếp cận mới và khác biệt khi định hình sự phát triển của ngành trong tương lai thông qua: (i) gắn trách nhiệm trồng rừng với từng công dân; (ii) hỗ trợ chuyển đổi thành rừng tại những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao; (iii) xây dựng các khu rừng vì phúc lợi xã hội và dành cho công chúng; (iv) xây dựng Chiến lược huy động tài chính cho ngành lâm nghiệp; (v) cách tiếp cận mới đối vời Quyền sử dụng rừng truyền thống; (vi) cách tiếp cận với việc xử lí cháy rừng; (vii) lâm nghiệp đô thị và (viii) hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Các quốc gia cũng có 3 cách tiếp cận khi xác định mục tiêu tỉ lệ che phủ rừng quốc gia: i) đề cập cụ thể tỉ lệ che phủ rừng trong chiến lược và chính sách (dao động từ 23–70%); (ii) không đề cập đến tỉ lệ che phủ rừng trong chiến lược và chính sách; (iii) có đề cập đến mục tiêu quản lí bảo vệ rừng nhưng không lựa chọn giải pháp tỉ lệ che phủ rừng mà tập trung vào đảm bảo diện tích rừng được sử dụng cho các mục đích cụ thể. Mỗi phương án liên quan đến xác định tỉ lệ che phủ rừng đều có ưu, nhược điểm riêng và tùy vào bối cảnh chính trị, thể chế quản lí và sở hữu đất đai mà các nước lựa chọn phương án phù hợp nhất đối với mình. Tuy nhiên, xác định mục tiêu tỉ lệ che phủ rừng cần phải được đi kèm với các chính sách nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đảm bảo cả số lượng và chất lượng rừng đều được cải thiện. Xây dựng chiến lược lâm nghiệp cũng cần dựa trên số liệu và dự báo của cả ngành lâm nghiệp và các ngành khác, xu thế chính trị, kinh tế, văn hóa, và xã hội trên toàn cầu và mục tiêu chính trị của từng quốc gia. Hài hòa hóa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, xây dựng chính sách nâng cao nguồn lực con người và kinh tế và xây dựng chiến lược có sự tham gia của các bên và dựa trên cam kết chính trị của quốc gia sẽ giúp việc thực thi chiến lược trong tương lai hiệu quả hơn.

Đình Phúc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022

Bình luận: 0