TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Chính sách tự chủ giáo dục - động lực lớn cho sự phát triển giáo dục đại học công lập ở Việt Nam

01:16 13/08/2021
Logo header Tự chủ giáo dục đại học đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện, bởi đó là biện pháp trực tiếp đáp ứng nhu cầu của giáo dục và đào tạo hiện đại. Thực tế phát triển đất nước trong những năm qua cho thấy, chính sách tự chủ giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước có một vai trò quan trọng, giúp các trường phát huy nội lực, khả năng sáng tạo, hoạt động một cách có hiệu quả và đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết nguồn nhân lực có chất lượng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tự chủ đại học có nhiều ưu điểm giúp các trường đại học tháo gỡ những vướng mắc về quản lý nhà nước, hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản. Qua tự chủ, giúp các trường đại học quyết định cách thức và phương thức thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của chính mình. Hiện nay, tự chủ đại học thông thường bao gồm các nội dung: tự chủ về tổ chức , tự chủ về tài chính , tự chủ về nhân sự và tự chủ về đào tạo . Trước xu thế đổi mới, hội nhập trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục đại học. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Quyền tự chủ giáo dục lần đầu tiên được Nhà nước đề cập tại Điều 10 của Điều lệ trường đại học Ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”.

Nhằm hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học. Ngày 02 tháng 11 năm 2005, Thủ tướng chính phủ ban hành Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, trong đó nhấn mạnh: Cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính; Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học; Quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; chỉ đạo triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định giáo dục đại học; hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; điều tiết vĩ mô cơ cấu và quy mô giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ.

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 25/4/2006 đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đáng chú ý, ngày 15/4/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ra Thông tư liên tịch 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo đã nêu rõ quyền tự chủ của các đơn vị trong việc xác định nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; hoạt động liên doanh liên kết; hợp tác quốc tế; Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, về biên chế, tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ công chức viên chức ,...

Tiếp đó, ngày 27 tháng 2 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục trong giai đoạn 2010 - 2012, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, đây được coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tuyển dụng, trong đó làm rõ trách nhiệm và chế độ của nhà giáo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, quan hệ giữa Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, Đảng ủy, các đoàn thể ở trường để từ đó các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục.

Ngày 18 tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nhĩa Việt Nam khẳng định quyền tự chủ của các trường đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục

  Ngày 24 tháng 10 năm 2014, Chính phủ ra Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Nghị quyết này có vai trò lớn tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị đại học công lập về thực hiện những nhiệm vụ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; Chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm,....

Ngày 19 tháng 11 năm 2018, một lần nữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nhĩa Việt Nam tái khẳng định quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, đồng thời chỉ rõ những điều kiện để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học và đã công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật .

Triển khai thực hiện chính sách tự chủ giáo dục, những năm qua tự chủ đại học ở Việt Nam đã trở thành một nhu cầu tự thân, một xu thế tất yếu và có tính khách quan. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở triển khai có hiệu quả, quyết liệt đổi mới giáo dục đại học qua các chính sách của Nhà nước, có thể thấy, tự chủ đại học thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập ở Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cấp thiết của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, ở một số ngành nghề đào tạo của các trường đại học công lập Việt Nam, nguồn nhân lực khi đưa ra bên ngoài thị trường không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế. Đáng chú ý, những năm qua, ở Việt Nam vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức cũng có những chuyển biến tích cực. Số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục đại học được cải thiện đáng kể. Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định cũng được các trường ngày càng chú trọng và quan tâm nhiều hơn (Tính đến ngày 31/5/2019, cả nước có 121 cơ sở giáo dục đại học; 03 trường cao đẳng sư phạm kiểm định chất lượng, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bỡi các tổ chức kiểm định trong nước và 06 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế: Trường đại học Bách khoa Tp. HCM, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Xây dựng, Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Trường đại học Tôn Đức Thắng).

Năm 2014, Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho các trường đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đầu tiên áp dụng với 4 trường đại học trong cả nước, đó là: Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP. HCM, Ngoại thương và đại học Hà Nội. Thực tiễn quá trình thí điểm ấy cho thấy, các trường trở nên năng động hơn, nỗ lực hơn; không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; nguồn tài chính được cải thiện, qua đó giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đến nay, tính chung cả nước có khoảng 23 trường đại học công lập thực hiện tự chủ trên nhiều mặt: nguồn nhân lực, tuyển sinh, đào tạo, tài chính, hợp tác quốc tế. Dù vậy, dưới góc độ thực thi các quyền tự chủ khác thì chủ yếu cũng chỉ dừng lại trên các văn bản hành chính, việc triển khai thực hiện trong thực tế tại các trường trong toàn quốc còn rất hạn chế, vì các cơ quan nhà nước có chức năng thiếu các quy định cụ thể về tự chủ; và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường, thậm chí nhiều quy định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học; các trường cũng không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai thí điểm tự chủ,…

Ngoài ra, những năm qua việc mở ngành mới, tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học ngoài tự chủ dù trong quy chế tự chủ cho phép nhưng trên thực tế hầu như không thể thực hiện vì theo quy định tại các văn bản hiện hành của nhà nước, muốn liên kết với các trường, thì hằng năm phải được địa phương chấp nhận cho đào tạo và có văn bản cụ thể, thế nên các trường tự chủ phải đi xin chỉ tiêu đào tạo từ địa phương, điều này gây luẩn quẩn cho các trường về mặt thủ tục hành chính, Mặt khác, việc liên kết đào tạo tại địa phương cũng chỉ được thực hiện đối với bậc đại học, không được đào tạo sau đại học.

Đáng chú ý, việc tuyển dụng và đãi ngộ cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục này về lý thuyết là trường được quyền quyết định, nhưng trong thực thực tế triển khai thực hiện thì hầu như các trường đều không thể thực hiện được, bỡi vì cán bộ, giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ đều là viên chức Nhà nước nên mọi điều chỉnh, quyết định liên quan phải thực hiện đúng theo quy định của luật viên chức nhà nước.

Để chính sách tự chủ đại học là động lực cho sự phát triển cho các trường đại học công lập ở Việt Nam, theo chúng tôi sắp đến cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sao cho phù hợp với những điều kiện thực tiễn phát triển nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ về tổ chức, liên kết đào tạo, tài chính, nghiên cứu khoa học có hiệu quả nhất.

Hai là, Để tạo điều kiện cho công tác quản lý và điều hành hoạt động của các đơn vị có hiệu quả, các trường cần sớm xây dựng, công bố và thực hiện tiêu chuẩn cán bộ quản lý, giảng viên, các nhà nghiên cứu khoa học; nhanh chóng xây dựng quy chế tuyển dụng, làm việc, đề bạt cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên để sớm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm giao quyền tuyển sinh về cho các trường, để các trường dựa trên tín hiệu thị trường lao động và hệ thống đảm bảo chất lượng với các tiêu chí chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chủ động quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định phương thức và hình thức tuyển sinh phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi trường.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo điều kiện thuận lợi cho các trường có quyền chủ động quyết định về biên chế (số lượng người lao động) để các trường chủ động xây dựng chính sách thu hút nhân tài (không chỉ theo hình thức tuyển dụng viên chức như hiện nay), có cơ chế trả lương theo vị trí việc làm và không áp dụng hệ thống thang bảng lương theo thâm niên. Chủ động trong việc tuyển dụng và sử dụng nhân sự là điều kiện để các trường thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao trong nước và nước ngoài về làm việc.

                                                     Đinh Văn Trọng, Lê Thị Tuyết Ba

Đại học Kinh tế Đà Nẵng

(Bài viết được đăng trong kỷ yếu Hội thảo Giáo dục 2020 - "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn")

Bình luận: 0