TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Chợ tự phát càng dẹp càng loạn

13:24 30/04/2020
Logo header Chợ tự phát buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, gây ách tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm thì người mua kẻ bán, tiện đường đi lại nên nhiều người đi đường đã dừng lại mua hàng. Dưới lòng đường, trên vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán. Trong khi các ngành chức năng đang ra sức dẹp chợ tự phát thì chợ tự phát vẫn mọc như nấm sau mưa.

Các xe đẩy tràn xuống lòng đường CMT8

Chợ tự phát là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và là điểm tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, không nguồn gốc. Nhất là thời điểm này, sau khi thực hiện cách ly xã hội thì chợ tự phát sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Ngó lơ cho chợ mọc

Sau một thời gian cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để ngăn ngừa dịch bệnh, phóng viên đã quan sát trên địa bàn Thành phố thấy những chợ tự phát vẫn mọc lên nhan nhản trên các tuyến đường như Lê Văn Lương (Q7), Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè), Phan Văn Trị (Bình Thạnh), CMT8 (Q3), Hoàng Hoa Thám (Tân Bình)... còn vô số chợ tự phát trên khắp địa bàn TPHCM. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp vào giờ chiều thì người bán kẻ mua chật như nêm. Chợ tự phát là tên mà người dân vẫn thường gọi là chợ cóc, chợ tạm, chợ vỉa hè, chợ này xuất hiện len lỏi giữa khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đi làm, bận rộn không có thời gian ghé vào siêu thị hay đi chợ truyền thống. Vì tiện lợi nên chợ này phát triển khá mạnh. Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt dùng mọi biện pháp để dẹp chợ, có xử phạt, tịch thu thế nhưng cứ dẹp hôm nay thì mai lại mọc, các lực lượng không thể ngày nào cũng đến các điểm này để lập biên bản thu mớ rau, thau cá của những người bán. Nhìn những giọt nước mắt của những chị bán cà phê, chị hàng rau mỗi khi bị tịch thu hàng hóa, bàn ghế… ai cũng chạnh lòng. Đó là chưa kể quá trình xử lý tạo ra sự giằng co trong việc tạm thu tang vật, tạo ra hình ảnh phản cảm. Bên cạnh đó, khi lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm cũng không dễ dàng, bởi phần lớn những người buôn bán tại các điểm tự phát là dân nhập cư, vì miếng cơm manh áo. Người buôn bán tại các điểm tự phát là dân nhập cư nên việc xử lý cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy cơ quan chức năng đã ngó lơ cho chợ tự phát hoạt động. Các điểm chợ tự phát này hoạt động không có một cơ quan chức năng nào quản lý, không đóng tiền thuế... làm thất thu ngân sách nhà nước một khoản tiền khá lớn, không chỉ vậy việc phát triển tự phát còn gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vỉa hè bị chiếm làm chợ để buôn bán

Những lí do để chợ tự phát có “đất sống” thứ nhất, hàng hóa ở chợ tự phát bao giờ cũng rẻ hơn trong các chợ truyền thống vì không phải chịu bất cứ chi phí nào như tiền thuế, tiền thuê sạp và các loại phí khác. Thứ hai, vị trí đi lại rất tiện lợi, người mua  không phải mất thời gian gửi xe. Thứ ba, chợ tự phát đã giải quyết được nhu cầu mua sắm nhanh những thứ thiết yếu hằng ngày. Tiện và giá rẻ đã khiến người dân không còn quan tâm nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Việc đi lại khá chậm chạp mỗi khi xe buýt đi qua

Vấn đề dẹp chợ tự phát được TP.HCM đề cập và triển khai từ lâu nhưng đến nay không có hiệu quả mà ngày càng phát triển một cách rầm rộ khiến tình trạng quản lý an ninh trật tự khó đảm bảo, ùn tắc giao thông, chưa kể đe dọa đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh thiếu lành mạnh với tiểu thương trong chợ truyền thống và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.

Những xe hàng rong trên đường Nguyễn Trãi Q1 gây mất mỹ quan đô thị
 
Những hàng ăn vỉa hè liệu có đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm?

Làm sao để dẹp chợ tự phát?

Có lẽ đây luôn là câu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng từ nhiều năm nay. Thế nhưng tình trạng hiện nay vẫn “bình chân như vại”, thậm chí chợ tự phát còn mọc nhiều hơn. Chính tập quán mua sắm, tiện đâu mua đó của người tiêu dùng đã giúp chợ tự phát hình thành, vì vậy để dẹp chợ này thì cũng nên bắt đầu từ nguyên nhân đó. Nhưng phải nhìn nhận một điều rằng những chợ, hàng quán như vậy làm ảnh hưởng đến giao thông rất nhiều. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường, xe cộ phải tránh, gây ùn tắc giao thông…Hiện nay, dường như chỉ mới có một giải pháp chế tài duy nhất cho vấn đề này đó là, bắt quả tang, tịch thu và phạt. Về phía người kinh doanh, họ vẫn vi phạm và đối phó với việc bị tịch thu và phạt là bưng chạy để tránh bị bắt quả tang, bị bắt thì năn nỉ và khóc, bị phạt thì nộp phạt. Cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn hằng ngày tái diễn. Bên cạnh đó, người sở hữu mặt bằng coi như vô can đối với ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề lấn chiếm lòng lề đường của người thuê hoặc ngồi nhờ mặt bằng, trong khi thực tế nếu không được phép của chủ mặt bằng, không ai có thể bày hàng ra bán. Phải chăng ta nên có những giải pháp dứt điểm đối với tình trạng này phần lề đường được phép lấn chiếm. Vấn đề là chính quyền cần có cách làm phù hợp thuyết phục lòng dân. Cần tuyên truyền, vận động nhưng phải tạo điều kiện để bà con buôn bán sắp xếp chỗ làm ăn của mình. Cần có lực lượng chốt chặn, giải tỏa, kiểm tra, xử lý thường xuyên tình trạng tái chiếm, buôn bán gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Phải làm thường xuyên, kiên trì trong một khoảng thời gian dài cho đến khi nào người mua, kẻ bán quên hẳn chợ cũ mới thôi. Để làm được điều này cần có sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương và sự thuận tình phối hợp của người dân.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20

Bình luận: 0