Con Cuông – Nghệ An: Vững bước đi lên
Đến Con Cuông, du khách có thể lựa chọn du lịch khám phá các cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ như: Thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền Sông Giăng hay khám phá rừng nguyên sinh với hệ thống động, thực vật phong phú của Vườn quốc gia Pù Mát. Hoặc có thể lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng, tham quan những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Khu di tích nhà cụ Vi Văn Khang, hang Ốc, bia Ma Nhai, đi thăm làng nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, rượu men lá và trải nghiệm cuộc sống thường nhật với đồng bào Thái bản địa. Thưởng thức, ẩm thực, đặc sản địa phương và văn hóa dân tộc Thái cũng là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến với huyện miền núi Con Cuông.
Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia chương trình giao lưu văn nghệ hát dân ca Thái, nhảy sạp, múa lăm vông, đánh cồng chiêng, uống rượu cần.., được trải nghiệm ngủ nhà sàn của đồng bào Thái, và một điểm hết sức đặc biệt của du khách khi đến các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông là được thăm thú các di tích văn hóa, lịch sử, được tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của 7 dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư tỉnh Nghệ An phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông
Mặc dù là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực, những năm qua, thông qua nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau, Con Cuông đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi các bản, làng và cuộc sống của người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng và những công trình khang trang hiện đại đang dần mọc lên. Cùng với việc phát triển KT - XH, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện. Các công trình phúc lợi như: Điện, đường, trường trạm, thủy lợi nước sinh hoạt đều được huyện quan tâm và đầu tư đúng mức. Nhiều công trình xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng không những góp phần xây dựng bộ mặt Nông thôn mới mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế của địa phương phát triển nhanh, vững. Chúng tôi tới bản Diềm và bản Xát xã Châu Khê trong những ngày đầu tháng 6, người dân rất phấn khởi khi đi trên những cây cầu mới. Khi chưa xây cầu mới, hàng ngày họ phải đi lại trên cây cầu tạm với nỗi lo sợ mất an toàn, giờ có cầu, bà con đi lại thuận lợi và các em học sinh yên tâm đến trường. Hơn nữa điện cũng đã về đến từng thôn bản trong huyện. Ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ: “Với nhiều giải pháp thiết thực những năm qua huyện Con Cuông đã đảm bảo các nguồn lực đầu tư cho các chương trình Dự án. Bởi vậy những năm gần đây lĩnh vực giao thông trên địa bàn đã có nhiều đột phá quan trọng. Từ chỗ giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu đường rừng núi, đường bộ. Đến nay huyện Con Cuông đã có hệ thống giao thông khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Chỉ trong 5 năm toàn huyện đã huy động được 731 tỷ đồng, triển khai, mở mới hơn 100km đường vào vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, cải tạo và nâng cấp nhiều tuyến đường trọng điểm, nhân dân đã góp gần 23 tỷ đồng để làm đường. Đến nay những con đường ý Đảng lòng dân đã được kết nối 125/127 thôn bản với trung tâm xã đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con.”
Thác Khe Kèm là điểm du lịch luôn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh: Huyện Con Cuông cần quan tâm công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng huyện Con Cuông theo hướng phát triển đô thị sinh thái, làm cơ sở cho phát triển KT - XH theo hướng bền vững. Theo đó, kinh tế Con Cuông phải là kinh tế “Xanh”, sự phát triển của Con Cuông phải là sự phát triển “Thân thiện”. Đồng chí Phó Bí Thư Tỉnh ủy đã biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã quyết tâm đổi mới, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo thế và lực cao hơn cho giai đoạn mới. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách hằng năm vượt kế hoạch tỉnh giao. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Thu hút đầu tư có bước đột phá, nhất là cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Du lịch phát triển ngày càng rõ nét. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, từng bước hình thành là đô thị trung tâm vùng Tây Nam Nghệ An. Điều này thể hiện khá rõ ở không gian thị trấn và các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Quan hệ với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới tiếp tục được giữ vững và hát huy. Môi trường, hệ sinh thái tự nhiên được gìn giữ, bảo vệ tốt, trở thành khu vực có vai trò hết sức quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, không chỉ cho Nghệ An, cho Việt Nam mà cho cả khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý, điều hành của chính quyền chất lượng; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng nâng cao. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW và các quy định về nêu gương có nhiều chuyển biến tích cực. Song song với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở huyện Con Cuông cũng vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 32,01% (năm 2015) xuống khoảng 14,18% (năm 2020). Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chăm lo và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, các vấn đề xã hội được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Một vấn đề quan trọng mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn chăm lo, đó là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn huyện có 149 cán bộ đi học chuyên môn, bao gồm tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng; 42 cán bộ đi học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị và 392 trung cấp. Huyện cũng đã triển khai bài bản và có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng Đảng, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII)... Đặc biệt, thông qua việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn trong hoạt động.
Với truyền thống là vùng quê cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng vùng dân tộc thiểu số đầu tiên của miền Tây Nam Nghệ An và với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Con Cuông quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành để phát triển nhanh và bền vững hơn, từng bước xây dựng Con Cuông trở thành đô thị sinh thái và là trung tâm kinh tế xã hội vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An
Đoàn Hoa
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)