TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai ở xã Tiên Phương

21:42 20/03/2020
Logo header Việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, lâm trường, trại trạm trên địa bàn xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong thời gian vừa qua gần như bị buông lỏng để lại không ít hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích đang diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là việc sử dụng đất không đúng mục đích lại không từ phía người sử dụng đất mà lại từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, lâm trường, trại trạm trên địa bàn xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong thời gian vừa qua gần như bị buông lỏng để lại không ít hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích đang diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là việc sử dụng đất không đúng mục đích lại không từ phía người sử dụng đất mà lại từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Năm 2013, thực hiện Quyết định số 3924/QĐ-UBND ngày 31/12/2012 của UBND huyện Chương Mỹ về việc phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp của xã Tiên Phương, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/ĐU ngày 05/09/2012 của Đảng ủy xã Tiên Phương. Ngày 19/09/2013, UBND xã Tiên Phương ban hành Quyết định số 84/QĐ-UBND để phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp của thôn Tiên Lữ, nhằm đảm bảo cho việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thuận lợi trong việc áp dụng Khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm cơ sở xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Tiểu ban dồn điền đổi thửa có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất tại thực địa cho các hộ nông nghiệp theo đúng phương án được phê duyệt. Tuy nhiên sự kiện này đã tạo nhiều bất cập khiến bà con nông dân kiến nghị liên miên không dứt.

Hợp đồng kinh tế về việc giai thầu đất đồng Bãi khu trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung theo dự án – Phương án DĐĐT thôn Tiên Lữ

Thực tế cho thấy tình trạng một số hộ nông dân thuộc thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương bày tỏ thắc mắc: “Sau khi xã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng bị thay đổi, thậm chí có gia đình trước đây nhận một mảnh to nhưng sau khi dồn điền đổi thửa lại bị chia thành những mảnh ruộng bé. Điều chúng tôi thắc mắc ở đây là tại sao xã đã chia ruộng cho chúng tôi rồi nhưng chúng tôi vẫn phải ký hợp đồng thuê lại chính phần diện tích đất được chia đó với Hợp tác xã? Rồi mọi thứ lại phải thông qua Hợp tác xã và làm theo chỉ dẫn của họ. Chúng tôi chỉ là những hộ nông dân chăn nuôi nên tầm hiểu biết ngắn, chúng tôi cần được hướng dẫn để hiểu và có sự đảm bảo trong việc sử dụng đất lâu dài”. Những hộ nông dân này trước đây được Nhà nước chia ruộng để canh tác, nhưng thời gian sau này do nhu cầu cuộc sống, quy hoạch đất đai và chính sách được tuyên truyền tại địa phương , họ không canh tác trồng lúa nữa mà chuyển sang chăn nuôi. Khảo sát tại địa phương này thì thấy có đến vài trăm trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ cá thể nhưng không hộ nào được sử dụng đất đúng mục đích cả. Hầu hết các hộ này đều được sử dụng đất thông qua Hợp đồng kinh tế được ký với Hợp tác xã Nông nghiệp. Tham khảo một Hợp đồng kinh tế thì thấy có những điểm đáng chú ý như sau: “Bản Hợp đồng kinh tế về việc giao thầu diện tích đất đồng Bãi khu trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung theo dự án – phương án dồn điền đổi thửa thôn Tiên Lữ. Bên giao thầu đất là Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phương. Nội dung hợp đồng là: 1) Theo phương án quy hoạch của Tiểu ban dồn điền đổi thửa được ban chỉ đạo xã Tiên Phương nhất trí; 2) Thời hạn hợp đồng là 15 năm: kể từ năm 2014 đến hết năm 2028; tổng diện tích = 2.923 m2; sản lượng = 200 kg thóc tẻ/sào/năm; tổng sản lượng 01 năm = 1.623,9kg thóc tẻ (tương ứng một tấn, sáu tạ, hai ba cân chín lạng)”. Chưa rõ diện tích đất này là đất được chính quyền chia cho người dân theo chính sách dồn điền đổi thửa hay do UBND xã quản lý hoặc do Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phương quản lý. Nhưng xét về mặt nội dung thì có thể thấy rằng “trên nói một đằng dưới nói một nẻo” bởi rõ ràng phía trên ghi rõ việc giao thầu đất để chăn nuôi gia cầm, nhưng phía dưới lại thu sản bằng thóc tẻ? Vậy xã Tiên Phương và Hợp tác xã Nông nghiệp có biết rằng họ đang thực hiện việc giao đất cho dân không đúng quy định của Luật Đất đai hay không? Người dân đang sử dụng đất không đúng mục đích là do ai?

Thông tư hướng dẫn việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.

Về vấn đề dồn điền đổi thửa được Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 78, Nghị định số 43/2015/NĐ-CP như sau: “1. Hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; 2. UBND cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường; 3. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình UBND cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt; 4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; 5. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận; 6. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc: a) Kiểm tra hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận; b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất…; c) Lập hoặc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai…” Như vậy khi hỏi ra, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tiên Phương vẫn chưa hề được cấp lại Giấy chứng nhận QSD đất sau khi xã này thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Lý do là vì sao?

Khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất, tại Điều 52 của Luật Đất đai năm 2013 quy định là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm: “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”. Theo đó, nếu có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất phải làm Đơn xin phép gửi đến cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 như sau: “Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; Chuyển đất trồng rừng hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”; và tại Điều 11, Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT) hướng dẫn các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động. Bao gồm: “Chuyển đất trồng rừng hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;”

Như vậy, chiểu theo các Luật định nêu trên, nếu các hộ nông dân tại xã Tiên Phương muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì trước tiên phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất trồng cây lâu năm theo quy định của Luật đất đai, sau đó xin phép và đăng ký biến động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo hướng dẫn tại Thông tư số 33 nêu trên thì mới có thể yên tâm sử dụng đất hợp pháp được. Nhưng nếu ngay từ cấp quản lý như UBND xã Tiên Phương không áp dụng theo đúng quy định của luật thì quyền lợi của người nông dân biết trông cậy vào đâu?

Hiền Anh

Bình luận: 0