TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Câu chuyện sau những bức ảnh của NSNA Trần Tuấn

01:00 26/08/2021
Logo header Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), với tấm lòng kính trọng vị tướng huyền thoại từ Nhân dân mà ra, nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn biên soạn cuốn sách “103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, giúp bạn đọc có thể cảm nhận nhiều góc nhìn khác nhau về vị tướng huyền thoại nhưng cũng rất đỗi thanh cao, bình dị trong cuộc sống đời thường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) xuất thân trong một gia đình có bảy người con tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ một thầy giáo dạy lịch sử trở thành Đại tướng, Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của ông không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn lừng danh thế giới. Tấm gương sáng ngời về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, một dạ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản đã khắc sâu trong lòng quan và dân ta qua nhiều thế hệ.

Những bức ảnh về Đại tướng đang là tư liệu bổ sung vào việc bảo vệ luận cứ trước Hội đồng nghiệm thu về đề tài Nhà nước mang ký hiệu KX.02.01 “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam”

Nhà báo – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, người có cơ duyên được “tháp tùng” Đại tướng trong suốt 35 năm. Khối lượng lớn ảnh mà nhà báo Trần Tuấn chụp Đại tướng thật sự là một kho tư liệu vô cùng giá trị. Năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, cá nhân ông đã lo liệu tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nắng và thành phố Hồ Chí Minh. Tại TP. Hồ Chí Minh, những tư liệu ảnh quý giá đã được trưng bày trang trọng tại phòng Khánh tiết lớn trong Dinh Thống Nhất. Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn chia sẻ: “Tôi đã từng đội mũ tai bèo, mặc quần áo lính với chiếc máy ảnh trong tay có mặt ở nhiều nơi, cả ở chiến trường… Tôi bị Ông (ý chỉ Đại tướng Võ) hút hồn từ lúc nào không biết. Thế là tôi say mê chụp ảnh Ông, từ lúc Ông còn làm việc đến lúc Ông làm việc trong trạng thái nghỉ ngơi… Nhiều bức ảnh tưởng như ảnh kỷ niệm mà ban đầu nhiều người đến thăm Ông, cả người trong nước và người nước ngoài yêu cầu tôi ghi lại với Đại tướng một tấm hình. Khi nhìn lại có cái gì đó nằm ngoài những bức ảnh, dường như có niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự mãn nguyện trên gương mặt của những người trong ảnh. Và tôi chợt nhận ra rằng đó là lòng ngưỡng mộ, đó là tình yêu, đó là sự tôn kính mà họ dành cho một vị Tướng huyền thoại – một con người đại diện cho một dân tộc anh hùng, giàu lòng vị tha nhân ái đến vô cùng.”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tác giả Trần Tuấn bên bờ sông Rhône, Genève, Thụy Sĩ

Mỗi bức ảnh của nhà báo, NSNA Trần Tuấn ghi lại về Đại tướng đều là những câu chuyện rất cảm động và ý nghĩa.103 câu chuyện gắn cùng 103 tấm ảnh như những khuôn hình quay chậm của một cuốn phim, độc giả có thể cảm nhận được nhiều góc nhìn khác nhau về vị Tướng huyền thoại nhưng cũng rất đỗi thanh cao, bình dị trong cuộc sống đời thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh Đại tướng đang bổ sung và bảo vệ luận cứ trước Hội đồng nghiệm thu về đề tài Nhà nước mang ký hiệu KX.02.01 “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam”. Ông đã nêu lên chính xác cội nguồn tư tưởng của Bác Hồ, giúp chúng ta hiểu rõ con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem nhân 100 ngày mất của Đại tướng, bức ảnh nhạc sĩ Quyền Văn Minh đã vào Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để tìm cảm hứng sáng tác “Khúc tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Trưởng bộ môn kèn Saxophone, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam là người đầu tiên tổ chức phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tối 04/10/2013. Hiện nhạc sĩ Quyền Văn Minh đang viết khúc tưởng niệm ngày gồm 3 chương: Chương một: Vinh quang; Chương hai: Sáng tối; Chương ba: Hiển thánh. Cuốn sách khép lại ở phần cuối – những bức ảnh chụp trong nước mắt về lễ tang của Đại tướng tại căn nhà 30 Hoàng Diệu và nơi an nghỉ cuối cùng của Đại Tướng ở Vũng Chùa – Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân (Giáo sư Đặng Bích Hà) tiếp Nhà văn thương binh Sơn Tùng, tác giả của tác phẩm “Búp sen xanh” đến chúc mừng Đại tướng nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 (2001) và tặng Đại tướng cuốn sách viết vè Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình vừa mới xuất bản.

Những hình ảnh trong cuốn sách “103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đã đủ cho chúng ta thấy được một Đại tướng của Nhân dân, một nhân cách vĩ đại. Một nhà giáo từng viết kính tặng Đại tướng: "Văn lo vận nước Văn thành Võ - Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn".

Nhật Thăng - Tiến Đạt/Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21

 
Bình luận: 0