TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển và đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế

07:02 05/11/2020
Logo header Với Internet, các rào cản về địa lý đang dần được xóa bỏ và việc mua bán, giao thương hàng hóa từ các nước qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không còn xa lạ với người dân. Không những vậy, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cùng những con số dự báo khổng lồ còn cho thấy xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong những năm tới.

Các kênh bán hàng trực tuyến đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của thế giới. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay, trong bối cảnh mới, TMĐT không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nghiên cứu mới đây dự báo, năm 2022, giá trị TMĐT toàn thế giới sẽ đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, gấp 6 lần so với thương mại truyền thống. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 11% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn, là các nhóm bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online), nhóm có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube...) và các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...). Hoạt động TMĐT rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng trên toàn quốc và cả xuyên biên giới (có hai chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam) nên có nhiều kẽ hở phát sinh khiến ngành Thuế khó quản lý do khó xác định, kiểm soát nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập để quản lý thuế của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số. Trong đó, chỉ tính riêng các giao dịch TMĐT trong nước ngành Thuế đã gặp vô vàn khó khăn nhất là trong việc quản lý thuế của các cá nhân kinh doanh vì địa chỉ cư trú không rõ ràng, tên đăng ký trên mạng thường khác với tên ngoài đời thực, giao dịch bằng tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ, chỉ sử dụng trang mạng xã hội, website để quảng cáo sản phẩm nhưng lại bán hàng qua điện thoại, tin nhắn. Trong khi đó, các đơn vị cho thuê máy chủ chưa hợp tác trong việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp vận hành các website bán hàng khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong thu nhập thông tin. Bên cạnh đó, việc xác định, quản lý thuế của các hoạt động TMĐT xuyên biên giới chiều từ nước ngoài vào còn khó khăn hơn rất nhiều do các tổ chức, doanh nghiệp không có trụ sở hay văn phòng đại diện tại Việt Nam, không trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đăng ký, khai và nộp thuế. Ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT chưa cao, còn tìm mọi cách để trốn tránh nộp thuế. Riêng năm 2018, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó Facebook có doanh thu khoảng 235 triệu USD và Google khoảng 152 triệu USD. Tạm tính khoản thuế bị thất thu từ 02 doanh nghiệp này cũng đã lên tới hàng chục triệu USD. Trước thực trạng nêu trên, để quản lý việc nộp thuế từ việc kinh doanh TMĐT xuyên biên giới một cách có hiệu quả, vào ngày 13/6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, việc phối hợp phải trao đổi thông tin quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online. Luật này cũng quy định cụ thể nguyên tắc khai thuế, tính thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Theo đó, kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Cụ thể, việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc do một số hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh, dù theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chẳng hạn, như kinh doanh “tiền ảo”, “tài sản kỹ thuật số”… đã gây khó khăn cho quản lý thuế. Ngoài ra, các hoạt động này cũng chưa có cơ sở pháp lý để quản lý thu thuế, khó phân loại đúng ngành nghề, thu nhập để xác định nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, hóa đơn giấy vẫn là chứng từ được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch thương mại điện tử. Hóa đơn gắn với quản lý thuế giá trị gia tăng, nhưng hiện nay với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử và chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong quản lý kê khai. Đối với các cá nhân có thu nhập từ các giao dịch TMĐT thì việc xác định, truy thu thuế cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng ở Hà Nội trong 3 năm gần đây (2016 - 2019), qua rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu quản lý, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xác định có hơn 1.100 cá nhân hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ điện tử, trò chơi trên mạng có tổng thu nhập  là 4.800 tỷ đồng, trong đó cá nhân có thu nhập cao nhất lên đến 140 tỷ đồng. 100 cá nhân đăng ký, kê khai và nộp hơn 10 tỷ đồng tiền thuế TNCN và thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hơn 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội đánh giá tỉ lệ cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế còn thấp. Để quản lý, thu đúng, thu đủ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, dịch vụ trực tuyến, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành Thuế sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Từ đó, ngành Thuế quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân tốt hơn.

Thực tế, việc tránh thất thu thuế từ các hoạt động TMĐT không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà còn là của nhiều nước trên thế giới. Mới đây, từ ngày 20 - 30/10/2020, Ủy ban Chuyên gia Liên hợp Quốc về hợp tác quốc tế trong các vấn đề về thuế đã tổ chức họp phiên thứ 21 dưới hình thức họp trực tuyến về giải pháp đánh thuế hoạt động TMĐT xuyên biên giới dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 150 đại diện các nước và các tổ chức quốc tế. Tại phiên họp này, các chuyên gia của thế giới đã đề cập rất nhiều các vấn đề quan trọng về chính sách và thuế quốc tế, như bổ sung sửa đổi mẫu hiệp định của Liên hợp Quốc, xử lý tranh chấp thuế quốc tế, thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí, thuế đối với hoạt động viện trợ ODA, thuế với môi trường. Trong đó, chủ đề về thuế đối với thương mại điện tử đã tiếp tục nhận được sự quan tâm, trao đổi của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đa số các thành viên Ủy ban và đại diện các nước, tổ chức quốc tế đều ủng hộ việc thu thuế đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. LHQ cần phải đưa điều khoản đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào mẫu hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để làm cơ sở pháp lý cho các nước thành viên  đàm phán hiệp định thuế song phương trong giai đoạn tới, với mục tiêu đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển và đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế. Tại diễn đàn lần này, đại diện của Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển đã và đang áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại, dịch vụ điện tử xuyên biên giới cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ nội dung này. Hiện nay Tổng cục Thuế cũng đang tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung mẫu hiệp định tránh đánh thuế 2 lần của Việt Nam với các quốc gia theo hướng bổ sung điều khoản đánh thuế tại nguồn đối với thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT đã thể hiện được sự đồng tình, nhất quán của các tổ chức và các quốc gia tham dự nhằm đảm bảo việc thu thuế cũng như tạo thuận lợi cho việc đảm bảo công bằng đối với lợi ích của các bên tham gia, góp phần phát triển TMĐT một cách bền vững trên môi trường công khai, minh bạch toàn cầu.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 -20

Bình luận: 0