TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đánh giá triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 (Kỳ 2)

16:19 15/10/2021
Logo header Năm 2020 và nửa đầu năm 2020 là những thời điểm khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng đòi hỏi cần có những hướng đi đúng đắn, linh hoạt, tận dụng các cơ hội có được. Ngành ngân hàng cũng đã có những xu hướng, thay đổi nhằm phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Kỳ 2: Xu hướng phát triển và giải pháp thích ứng với thực tại

1. Xu hướng phát triển của ngành ngân hàng năm 2021

Nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng cũng như tăng tính thức ứng, nắm bắt thị trường, các ngân hàng đã có những thay đổi, xu hướng phát triển phù hợp. Những xu hướng chính của sự phát triển ngành ngân hàng đó là:

Xu hướng phát triển ngân hàng số mạnh mẽ hơn

Dịch bệnh xuất hiện khiến tâm lý, hành vi tiêu dùng và đầu tư của khách hàng thay đổi, theo đó khách hàng lựa chọn ngày càng nhiều các dịch vụ ngân hàng, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Do đó các ngân hàng cũng nhanh chóng phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng nhu cầu thanh toán này của khách hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tới cuối năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua di động tăng tới hơn 1.111,2% và 4.049,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong cuộc khảo sát gần đây của Vietnam Report với 64,8% người được hỏi thuộc nhóm tuổi từ 18-34 có sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng cho thấy trước đại dịch Covid-19, hai hình thức thanh toán được ưa chuộng là tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng, nhưng sau đại dịch thanh toán bằng tiền mặt giảm xuống, loại hình ví điện tử và chuyển khoản tăng lên. Khi được hỏi về mong muốn cho một ngân hàng tương lai thế nào, có 32,4% người được hỏi muốn ngân hàng có nhiều quy trình kỹ thuật số hơn từ ngân hàng của họ trong tương lai; 39,2% người muốn sử dụng dịch vụ ngân hàng tự động và 28,4% người muốn giao dịch ngân hàng trực tiếp với các biện pháp an toàn.

Theo dự đoán của Vietnam Report năm 2021 sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số, hoạt động ngành ngân hàng năm nay và trong cả những năm tới sẽ là sự đan xen giữa các hoạt động ngân hàng truyền thống và sự nổi lên của ngân hàng số. Cuộc đua về chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở khối các ngân hàng TMCP tư nhân mà còn cả trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước. Một số ngân hàng đi nhanh trong phát triển công nghệ, đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các ngân hàng về tình hình triển khai chuyển đổi số ghi nhận 58,33% ngân hàng đang triển khai trên quy mô, 16,67% ngân hàng đã triển khai một phần và có 25% ngân hàng đang ở giai đoạn củng cố hệ thống vận hành. Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra nền tảng dữ liệu di động, dữ liệu lớn (Big data), ngân hàng mở, tự động hóa quy trình bằng Robot, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot v.v được nhiều ngân hàng áp dụng ở mức cao và rất cao để phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng. Ứng dụng blockchain triển khai còn ở mức hạn chế.

Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy học (Machine learning), ứng dụng blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big data càng ngày càng nhiều hơn, đi kèm với việc tăng cường sử dụng robot tự động hoá để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và trải nghiệm khách hàng.

Xu hướng phát triển ngân hàng xanh

Phát triển ngân hàng xanh là xu thế tất yếu. Các cam kết về tài chính bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cũng đang nhanh chóng bắt đầu trở thành một phần không thể thiếu của lĩnh vực ngân hàng trên toàn cầu.

Với vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng góp phần quan trọng trong “xanh hóa” nền kinh tế, ưu tiên cho vay các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế xanh như: Năng lượng tái tạo; Dịch vụ môi trường; Nước; Bất động sản xanh; Giao thông xanh; Thực phẩm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Năng lượng hiệu quả. Trên phương diện trực tiếp, ngân hàng xanh thực hiện tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải, triển khai dịch vụ tự động hóa… góp phần mang lại lợi ích cho xã hội, khách hàng và các ngân hàng.

Xu hướng các ngân hàng tập trung đầu tư mạnh vào an ninh mạng

Rủi ro an ninh mạng là một thách thức đối với các ngân hàng. Để bảo vệ tất cả dữ liệu nhạy cảm và đảm bảo mức độ bảo mật cao nhất cho thông tin tài chính của khách hàng, tránh những tổn thất tài chính và tổn hại danh tiếng, an ninh mạng sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các ngân hàng trong thời gian tới. Các tổ chức tài chính sẽ chú trọng đầu tư mạnh hơn nữa vào việc gia cố an toàn toàn thông tin dữ liệu thông qua các biện pháp bảo mật mới và đa dạng hóa cách thức lưu trữ dữ liệu tài chính của khách hàng.

Xu hướng chuyển đổi, phát triển mạnh hơn ngân hàng đại lý

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank) mới có khoảng trên 40% người dân có tài khoản ngân hàng. Đây là những yếu tố tạo dư địa tăng trưởng cho ngành ngân hàng và đồng thời cũng đặt ra bài toán buộc các ngân hàng phải tìm ra giải pháp để khai thác thế mạnh và nhân rộng mô hình hoạt động tại thị trường nông thôn, miền núi và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính với người dân. Trong thời đại công nghệ cùng xu hướng ngân hàng không chi nhánh, mô hình đại lý ngân hàng sẽ ngày càng phát triển trên thế giới. Ngân hàng đại lý sẽ cung cấp dịch vụ tài chính như thanh toán hóa đơn, rút tiền, chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm v.v thông qua hệ thống bưu điện, cửa hàng tiện ích, trạm xăng dầu, mạng lưới của doanh nghiệp có quan hệ v.v. Với nhiều yếu tố thuận lợi cùng sự khuyến khích của Nhà nước, có lẽ đã đến thời điểm thích hợp để các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đại lý.

2. Những giải pháp thúc đẩy ngành ngân hàng trong năm 2021

Trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều thay đổi, ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều vướng mắc cần tiếp tục hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ và NHNN bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt với diễn biến thị trường. Các chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm:

- Đồng hành và hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình đã và đang hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong quá trình cấp vốn, cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn (88,89%).

- Hoàn thiện thể chế pháp luật với các mô hình kinh doanh mới (83,33%).

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, hệ thống dữ liệu vừa là đảm bảo tối đa cho xu thế chuyển đổi số vừa là đảm bảo cho hệ thống thanh toán an toàn, tiên tiến (77,78%). Trong khảo sát của Vietnam Report vào tháng 6/2021, có 75% ngân hàng nhận định hệ thống dữ liệu quốc gia chưa được hoàn thiện là một trong những thách thức lớn nhất của quá trình chuyển đổi số và cần sự hỗ trợ của Chính phủ để đẩy nhanh hơn tiến trình số hóa.

- Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng vốn, đảm bảo tiêu chuẩn Basel II (66,67%).

Chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng

Năm 2021, đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng lớn hơn trong năm 2020, điều này thấy rất rõ qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Hòn tuyết này càng lăn càng to và nhóm ngân hàng sẽ chịu áp lực chung buộc phải giảm lãi suất cho vay về một mức nào đó, và như vậy sẽ làm giảm biên lãi ròng (NIM). Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chịu áp lực cao hơn từ NHNN. Để giữ vững kết quả kinh doanh, các ngân hàng sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng thông qua gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng tiết giảm chi phí như tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Năm 2020 chiến lược tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là một cuộc đua giữa các ngân hàng Teckcombank, MBbank, Vietcombank. Nhưng năm 2021 sẽ có cuộc đua mạnh mẽ hơn khi nhiều ngân hàng giảm các phí chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau để tăng tiền gửi không kỳ hạn. Khi tỷ lệ này cao sẽ giảm chi phí vốn của ngân hàng và góp phần làm NIM tăng cao hơn. Đây là giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại, tăng tỷ lệ tiền gửi giúp thanh khoản ngân hàng tốt hơn và đồng thời buộc các ngân hàng phải đưa ra các giải pháp để tăng chất lượng, cũng như giảm phí dịch vụ.

Tăng vốn điều lệ

Năm nay gần như là một cuộc thi đua tăng vốn của nhóm ngân hàng với vốn đăng ký tăng thêm khoảng 82.000 tỷ. Điều này sẽ giúp cho ngành ngân hàng có một nền vốn mới tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng thúc đẩy cho tăng trưởng tín dụng và thị trường chứng khoán.

Đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường hoạt động

Môt số ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report triển khai chiến lược đổi mới, mở rộng thị trường thông qua việc tiếp tục khai thác thế mạnh và nhân rộng mô hình hoạt động tại thị trường nông thôn, nông nghiệp, đẩy mạnh tài trợ chuỗi và liên kết với các đối tác nền tảng, khai thác tốt khách hàng hệ sinh thái.

Tăng cường công tác quản trị rủi ro

Các ngân hàng đã có những bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009 về quản lý vốn, thanh khoản và ứng phó với khủng hoảng nên đã có sự chuẩn bị tốt hơn hầu hết các tổ chức khác. Nhưng trong bối cảnh kinh tế mới, các ngân hàng không chỉ tăng cường công tác quản trị rủi ro tài chính mà còn tích hợp cùng quản trị an ninh mạng, quản lý rủi ro mô trường, xã hội trong thẩm định dự án.

Đánh giá uy tín truyền thông

Kết quả phân tích Mediacoding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành ngân hàng: Tài chính/ Kết quả kinh doanh; Cổ phiếu; Sản phẩm; Hình ảnh/ Pr/ Scandals; Giá (lãi suất, phí dịch vụ). Bức tranh về ngành ngân hàng trong năm vừa qua đã được phản ánh rõ nét qua lăng kính truyền thông. Là trụ cột của nền kinh tế cùng nhiều sự kiện như việc ngân hàng chuyển sàn, tăng vốn, nhóm ngân hàng trong giai đoạn nghiên cứu có lượng tin về chủ đề Cổ phiếu tăng cao hơn so với năm trước, từ vị trí số 5 đã vươn lên vị trí số 2 về chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông. So với các giai đoạn nghiên cứu trước, lần đầu tiên nhóm Nghiên cứu và Phát triển xuất hiện trong Top 10 chủ đề nổi bật, điều này cho thấy sức sáng tạo, sự nỗ lực và linh hoạt của ngành ngân hàng để vượt qua những khó khăn trong đại dịch và đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Mặc dù chủ đề này có tỷ lệ xuất hiện tăng so với năm trước, tuy nhiên so với mức chuẩn ở các ngân hàng thương mại Châu Á là 5% thì chỉ có 11,43% NHTM của Việt Nam đáp ứng.

Huyền Vũ/Tri thức Xanh số 79-21

Bình luận: 0