TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay

18:19 15/10/2020
Logo header Hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986 đến nay), khu vực sản xuất công nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và từng bước có sự phát triển. Từ khu công nghiệp đầu tiên được thành lập từ năm 1991, đến nay cả nước đã có 326 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được phân bổ ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với hơn 3,6 triệu người lao động đang làm việc, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60% (số liệu thống kế đến hết tháng 6/2019).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những năm gần đây, các KCN, KCX đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình, từng bước xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Tuy nhiên, có một thực tế, trong các dự án đầu tư vào các KCN, KKT, chưa có “quy hoạch” lao động, đại bộ phận lao động đang làm việc trong KCN, KKT (80%) là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, chất lượng lao động trong các KCN, KKT còn hạn chế, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng với các nước trong khu vực và thế giới, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các KCN, KCX ngày càng cao. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua đã nêu rõ một trong ba đột phá chiến lược phát triển là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Những nội dung quan trọng, cơ bản về lĩnh vực này cũng tiếp tục được phân tích, đề cập trong nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được coi là nền tảng cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, nhất là nguồn nhân lực phục vụ trong các KCN, KCX. Một trong những việc được pháp luật hóa định hướng này, đó là Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hình thành hệ thống GDNN với ba cấp trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, đồng thời hình thành ba loại cơ sở GDNN là trung tâm GDNN, trường trung cấp và trường cao đẳng tạo cơ sở, nền tảng pháp lý cũng như hình thành các chính sách hỗ trợ phát triển Giáo dục nghề nghiệp ở nước ta.

Những kết quả đào tạo nghề cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế và của các khu công nghiệp, cụ thể: Nhằm tập trung đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho các KCN, các vùng kinh tế trọng điểm, trong thời gian qua Bộ LĐTBXH đã tham mưu trình, ban hành: Chỉ thị số 37 - CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 phê duyệt Đề án Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế; Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; Phê duyệt nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia và các trường được lựa chọn nghề trọng điểm để tập trung đầu tư và các thông tư hướng dẫn về liên kết đào tạo; hướng dẫn về hỗ trợ đào tạo tại doanh nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Tổ công tác gắn kết doanh nghiệp để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp gắn kết trong quá trình đào tạo, tuyển dụng. Đồng thời, tổ chức ký kế hợp tác đào tạo với các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp …..

Về mạng lưới:
Đến tháng 10/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó có 400 trường cao đẳng (301 trường công lập); 492 trường trung cấp (277 trường công lập); 1.025 trung tâm GDNN (645 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở GDNN công lập là 1.223 cơ sở, trong đó có 578 trường cao đẳng, trung cấp công lập. Như vậy, so với thời điểm 01/01/2017, số cơ sở công lập đã giảm 112 cơ sở (đạt tỷ lệ 8,39%). Có 538 huyện của 54 tỉnh, thành phố sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện (trong đó: 369 huyện sáp nhập 02 trung tâm, 96 huyện sáp nhập 03 trung tâm, 59 huyện đổi tên và bổ sung chức năng cho 01 trung tâm, 14 huyện sáp nhập vào trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn).

Trong số các CSDN có 694 CSGDNN ngoài công lập, trong đó gần 300 cơ sở thuộc doanh nghiệp. Những CSGDNN thuộc doanh nghiệp, chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong các KCN (Ví dụ như: CĐN Việt Nam - Singapore (Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore, Bình Dương), CĐN Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi), CĐN Chu Lai-Trường Hải (Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Quảng Nam)…

Về tuyển sinh
Cùng với sự phát triển các CSDN, số lượng tuyển sinh học nghề cũng không ngừng tăng lên. Kết quả tuyển sinh học nghề trong 5 năm (2011 - 2015) được 9.171.371 người, trong đó CĐN và TCN chiếm 12,2 %; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 87,8 %. Năm 2015, tuyển sinh đạt được 1.979.199 người, trong đó CĐN, TCN chiếm 10,6 %. Tỷ lệ này giảm 4,7 % so với năm 2014. Mặc dù kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2011 - 2015 chưa đạt mục tiêu Chiến lược phát triển dạy nghề đề ra, song kết quả tuyển sinh của giai đoạn này tăng 18% so với giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 7.773.887 người).

Trong 3 năm (2016-2018), tuyển mới cho 6.617,2 nghìn người, trong đó: Tuyển mới cao đẳng, trung cấp khoảng 1.568,2 nghìn người; sơ cấp và các chương trình giáo dục nghề nghiệp khác trên 5.049 nghìn người, đạt 61,2% kế hoạch (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 1.880 nghìn người, đạt 58,7% kế hoạch, tỷ lệ lao động nữ được học nghề đạt trên 50%). 9 tháng đầu năm 2019 đã tuyển sinh được 1.962.000 người (CĐ, TC 462.000; sơ cấp và ngắn hạn 1.500.000); đạt 87% so với kế hoạch năm 2019; tăng 11% so với năm 2018. Trong đó, hằng năm, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp chiếm trên 1 triệu người.

Về chất lượng đào tạo nghề:
Chất lượng đào tạo nghề nói chung, chất lượng đào tạo nghề cho các KCN nói riêng từ bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo. Theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70% và tăng lên trên 80% từ năm 2016 đến nay. Nhiều trường có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Một số nghề có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung chiếm tỷ lệ cao (đối với các nghề có số lượng học viên tốt nghiệp lớn hơn 500 người) như: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò (94%), Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò (94%), Hàn (91%), Công nghệ dệt (87%), Công nghệ hóa nhuộm (85%); Kỹ thuật xây dựng (86%), Lâm sinh (82%); May thời trang (81%), Kỹ thuật dược (81%); Nguội sửa chữa máy công cụ (79%); Nghiệp vụ nhà hàng (77%).

Lao động qua ĐTN tham gia vào hầu hết các lĩnh vực ngành nghề của các KCN; đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do kỹ thuật viên nước ngoài thực hiện. Hiện, đang chuẩn bị các điều kiện để thí điểm đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Úc, của Đức (tiếp cận chất lượng quốc tế).

Về hợp tác với doanh nghiệp
Hiện nay có nhiều hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp và CSGDNN, bao gồm các nội dung về trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa CSGDNN và doanh nghiệp; trao đổi thông tin giữa CSGDNN và doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp...

Qua khảo sát tại các CSGDNN, có thể nhận thấy “hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp” là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các trường dạy nghề. Chương trình hợp tác này được đánh giá cao nhất so với các nội dung khác, có ảnh hưởng nhiều nhất tới kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với CSGDN khá đa dạng như tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị cho dạy nghề cho CSGDNN; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp… Ngoài ra, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và CSDN còn được thực hiện thông qua các hoạt động: mời cựu sinh viên về nói chuyện với sinh viên đang học; mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy; doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề cho nhà trường; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo,... Theo một số khảo sát của các nhóm nghiên cứu khác nhau, đa số các doanh nghiệp đều sẵn sàng, ở các mức độ khác nhau, tham gia các hoạt động hợp tác đào tạo với CSDN.

Các hoạt động hợp tác, trong đó có những nội dung sau nếu được thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kiến thức, kỹ năng sinh viên như: mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy, mời cựu sinh viên về giao lưu, trao đổi với sinh viên đang học, doanh nghiệp tài trợ thiết bị cho dạy nghề, cấp học bổng cho sinh viên... cũng có những tác động tích cực tới kiến thức, kỹ năng sinh viên, tuy nhiên chúng chỉ đóng vai trò bổ trợ trong toàn bộ quá trình học tập của sinh viên. Hợp tác giữa CSGDNN với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đem lại lợi ích cho cả ba bên:

Lợi ích đối với CSGDNN: Sự hợp tác với các doanh nghiệp tạo cơ hội cho các CSGDNN huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, tăng cường gắn kết giữa: đào tạo và việc sử dụng lao động, tránh lãng phí. Trong điều kiện nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề thì hình thức hợp tác này ngày càng được chú trọng.

Lợi ích đối với doanh nghiệp: Hợp tác chặt chẽ với CSGDNN sẽ giúp nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường, từ đó phối hợp, tham gia cùng đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu của mình. Sản phẩm của “quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường” sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường hơn (cả về số lượng và chất lượng), tránh lãng phí do thừa hoặc thiếu. Đồng thời, với vai trò là người sử dụng sản phẩm của quá trình hợp tác đào tạo đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí đào tạo lại khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các CSDN.

Lợi ích đối với người học: Thông qua sự hợp tác, người học nghề bên cạnh tiếp thu được các kiến thức tại CSGDNN, được phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực tập tại doanh nghiệp. Qua đó, người học còn được làm quen với máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, nên rút ngắn được giai đoạn thử việc khi vào làm việc tại doanh nghiệp.
Giải quyết tốt lợi ích của các bên là cơ sở để phát triển các chương trình hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn. Kết quả khảo sát cho thấy: Hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, và lợi ích chung của xã hội.

Một số khó khăn thách thức
Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt; sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở GDNN chưa cao. Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Trong hợp tác với doanh nghiệp thì hình thức tiếp nhận học viên của cơ sở GDNN đến thực tập cuối khóa học tại doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác. Thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp; Doanh nghiệp chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động hàng năm cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và GDNN theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật GDNN, nên trên thực tế các cơ sở GDNN vẫn chưa thực sự đào tạo theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhiều cơ sở GDNN chưa thiết lập được bộ phận chuyên quan hệ với doanh nghiệp; Một số địa phương chưa tích cực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thuộc quyền tăng cường gắn kết với doanh nghiệp; công tác báo cáo, thống kê theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số chương trình hợp tác đã ký kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; nhà nước với doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều hoạt động, chưa tìm ra được cơ chế hoạt động hiệu quả.

Định hướng và giải pháp
Định hướng

Chiến lược Phát triển Nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đã khẳng định: Cần phải thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh vào phát triển nhân lực; đẩy mạnh gắn kết các CSDN với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực; thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nhân lực.

Mặt khác, theo chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong các KCN nói riêng sẽ đổi mới mạnh mẽ. Đầu tư trang thiết bị và công nghệ mới đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có trình độ, có kỹ năng phù hợp. Do vậy, đào tạo nghề phải đổi mới mạnh mẽ, trên cơ sở đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo hướng tới hình thành năng lực cho người học.

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã tạo hành lang pháp lý để hệ thống đào tạo nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong luật GDNN quy định rất rõ việc đổi mới chương trình, đổi mới quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp trong các KCN, vấn đề cốt lõi là phải tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Đào tạo nghề cần tập trung vào hai định hướng cụ thể sau: Tăng cường đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có trình độ tay nghề cao, thí điểm đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động; Tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp nhằm từng bước trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ cung cấp nhân lực cho các KCN.

Một số giải pháp
Về công tác chỉ đạo điều hành: Tổ chức thực hiện giải pháp gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững được đề ra trong Nghị quyết số 617/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTBXH. Xây dựng kế hoạch lồng ghép một số dự án đào tạo nghề cho các đối tượng (lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ) với việc tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, phân tích dự báo thị trường lao động; xây dựng và triển khai Đề án “Dự báo cung - cầu lao động” nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề để làm cơ sở hoạch định cho công tác giáo dục nghề nghiệp và định hướng phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; Chỉ đạo thu thập dữ liệu việc làm trống, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tăng cường phổ biến, cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin việc làm và nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở GDNN; đẩy mạnh hoạt động các phiên giao dịch việc làm lưu động thực hiện ngay tại các cơ sở GDNN. Hoàn thiện website kết nối doanh nghiệp phục vụ cho công tác thông tin, chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo (nhất là đối với 45 trường thực hiện đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức); xây dựng một số mô hình thí điểm về đặt hàng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo; Xây dựng trình Chính phủ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc CMCN 4.0.

Về hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tập trung vào rà soát, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách như Quy định về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, điều kiện thực tập tại doanh nghiệp và đóng góp tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo; Chính sách về thành lập và hoạt động về hội đồng tư vấn cấp quốc gia, ngành, địa phương và cơ sở đào tạo (hiện mới chỉ có cơ chế, chính sách thành lập Hội đồng tư vấn ở cơ sở đào tạo).
Công tác truyền thông: Đẩy mạnh truyền thông về chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, phối hợp với VCCI tập để tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; Đẩy mạnh truyền thông trên trang thông tin điện tử về kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thông qua việc quảng bá hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp; Tuyên truyền qua các sự kiện: Kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới; Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp... Tập trung vào nội dung tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình về mô hình phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. 

Về tổ chức thực hiện các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp: Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức các diễn đàn về thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tăng cường đội ngũ và năng lực cán bộ thống kê, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động; Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo về GDNN gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về năng lực sư phạm, năng lực quản lý đào tạo cho cán bộ làm công tác quản lý, giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập của doanh nghiệp. Triển khai tổ chức đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo thích ứng đối với đội ngũ lao động theo yêu cầu của vị trí làm việc trong doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài; Tăng cường phối hợp với một số địa phương tổ chức các hội nghị gắn kết doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người học tham gia các cuộc thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới; Tiếp tục tổ chức ký kết các hợp tác với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn (các Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức; các Tập đoàn lớn như Vingroup, Tập đoàn FLC, .v.v....); cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; Thiết kế các chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và nhu cầu của doanh nhiệp. Lựa chọn các cơ sở GDNN để tham gia các chương trình hợp tác với doanh nghiệp (tham gia xây dựng chuẩn, chương trình, tổ chức thực hành, thực tập cho người học tại DN....); Tiếp tục thí điểm và hoàn thiện quy trình thành lập hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực ưu tiên với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp (hiện đang triển khai ở một số dự án).

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực. Theo Luật GDNN, doanh nghiệp có trách nhiệm chính trong việc ĐTN cho doanh nghiệp của mình (tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của doanh nghiệp; phối hợp với CSDN để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo); đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề nghiệp (xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề…). Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm và các chế độ đối với người lao động cho các cơ sở GDNN; đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở GDNN về mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo của các cơ sở này. Cơ sở GDNN thường xuyên tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp. Cơ sở GDNN có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi quá trình đào tạo để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp.

Đào Trọng Độ - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0