TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Dạy học trực tuyến giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục

16:21 16/04/2021
Logo header Ngày 30 tháng 03 mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ 16/5/2021.

Đầu năm 2020, việc tạm cho các học sinh và sinh viên không đến trường vì đại dịch COVID - 19 vô tình đã tạo ra cơ hội thay đổi mạnh mẽ cho hệ thống giáo dục Việt Nam trong việc dạy và học trực tuyến. Từ thế bị động, giờ đây nền giáo dục đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ được xem là hệ quả khách quan theo thông điệp mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo là “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Câu chuyện dạy và học trực tuyến đối với tất cả các hệ/bậc trong hệ thống giáo dục Việt Nam mới đầu có nhiều bỡ ngỡ từ người dạy, người học, các cơ sở giáo dục và các bên liên quan. Nhưng với quyết tâm khắc phục vượt khó vượt qua đại dịch đưa con chữ đến với người học, cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục từng bước khắc phục được khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, cán bộ, giáo viên nhiều trường đã không ngừng động viên nhau tìm mọi cách giúp các em vùng núi được học trực tuyến để không bỏ lỡ việc học. Cho đến nay về cơ bản, việc thực hiện dạy và học trực tuyến bước đầu đã giải quyết thành công những khó khăn trong tình huống không tổ chức học tập trung được. Theo đó, học sinh phổ thông học qua các kênh truyền hình và các ứng dụng Internet, còn sinh viên thì đại đa số sử dụng các ứng dụng trực tuyến khác nhau từ nỗ lực tự thân của các cơ sở giáo dục và sự đồng hành với trách nhiệm xã hội cao của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong và ngoài nước.

Mục đích của dạy học trực tuyến là hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục. Phương pháp này cũng nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Theo Thông tư, Bộ GD&ĐT quy định nguyên tắc của dạy học trực tuyến là nội dung phải đáp ứng mức độ hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT); bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến. Cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên khi thực hiện hoạt động này cần tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

Dạy học trực tuyến có thể thay thế dạy học trực tiếp

Theo quy định trong Thông tư, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó.

Dạy học trực tuyến giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo

Dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề này. Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên thực hiện các hoạt động chính như: Tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh. Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.

Học sinh không bị gián đoạn việc thi cử

Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, giáo viên dạy học trực tuyến phải theo đúng kế hoạch của cơ sở giáo dục phổ thông và bảo đảm mục tiêu theo quy định. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Bộ cũng cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ để bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Học trực tuyến giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi nơi, mọi lúc

Chú trọng bảo đảm dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân 

Để hoạt động dạy học trực tuyến được diễn ra thuận lợi, đúng quy định, Bộ GD&ĐT quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan triển khai dạy học trực tuyến tại địa phương. UBND cấp tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn lực bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến; bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật tổ chức dạy học trực tuyến. UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng GDĐT và các cơ quan có liên quan triển khai dạy học trực tuyến tại địa phương; bố trí nguồn lực bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến trên địa bàn và bố trí kinh phí bảo đảm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý….

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì theo Bộ GD&ĐT, hạ tầng CNTT phục vụ quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: Bảo đảm yêu cầu về đường truyền internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối có cấu hình phù hợp để cài đặt hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến. Bảo đảm cho giáo viên và học sinh truy cập, khai thác sử dụng các chức năng của hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến. Đặc biệt, các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, các quy định về dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân phải được chú trọng theo đúng quy định khi tổ chức dạy học trực tuyến.

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0