TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phù hợp thời kỳ mới

07:03 05/11/2020
Logo header Hiện nay, lĩnh vực đào tạo nghề đang tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến việc nguồn cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp còn khá nhiều hạn chế, thách thức... Theo thống kê, đến cuối năm 2019, cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN), với hơn 3,6 triệu người lao động đang làm việc, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên, đại bộ phận lao động đang làm việc tại đây là lao động phổ thông, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp kém, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu suất lao động - sản xuất của các doanh nghiệp, cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, là do hiện nay còn thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo. Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp. Do đó hàng năm nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động không cung cấp nhu cầu về nhân lực lao động  cho cơ quan quản lý, cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo quy định. Vì vậy nhiều cơ sở GDNN vẫn chưa được định hướng, chưa đào tạo nghề theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Nhiều cơ sở GDNN chưa có quan hệ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp…

Để góp phần quan trọng đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình, từng bước xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất cần thiết phải có một đội ngũ lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn giỏi và tay nghề cao, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Nhằm tập trung đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho các doanh nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37 - CT/TW ngày 06/6/2014 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020… Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua đã nêu rõ một trong ba đột phá chiến lược phát triển là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”… Qua quá trình thực hiện, đến tháng 10/2019, cả nước đã có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó có 400 trường cao đẳng; 492 trường trung cấp; 1.025 trung tâm GDNN. Tổng số cơ sở GDNN công lập là 1.223 cơ sở, trong đó có 578 trường cao đẳng, trung cấp công lập. Trong đó gần 300 cơ sở thuộc doanh nghiệp, chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp…

Cùng với sự phát triển các cơ sở GDNN, số lượng tuyển sinh học nghề cũng không ngừng tăng lên. Kết quả tuyển sinh học nghề trong 5 năm (2011 - 2015) được 9.171.371 người. Năm 2015, tuyển sinh đạt được 1.979.199 người. Trong 3 năm (2016-2018), tuyển được 6.617,2 nghìn người. 9 tháng đầu năm 2019 tuyển sinh được 1.962.000 người, tăng 11% so với năm 2018. Trong đó, hằng năm, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp chiếm trên 1 triệu người. Cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề nói chung đã từng bước được nâng lên, nhiều sinh viên tìm được việc làm sau đào tạo. Theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ học viên học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70% và tăng lên trên 80% từ năm 2016 đến nay. Nhiều trường có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Lao động qua đào tạo đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực ngành nghề; đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do kỹ thuật viên nước ngoài thực hiện…

Theo chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có trình độ, có kỹ năng phù hợp. Do vậy, đào tạo nghề phải đổi mới mạnh mẽ, trên cơ sở đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo, đổi mới quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Để nâng cao chất lượng nhân lực, cần đẩy mạnh gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực; thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nhân lực. Tổ chức thực hiện giải pháp gắn kết giữa cơ sở GDNN với thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đẩy mạnh công tác thông tin, phân tích dự báo thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến, cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin việc làm và nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở GDNN; Hoàn thiện một số cơ chế, chính sách như Quy định về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, điều kiện thực tập tại doanh nghiệp và đóng góp tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 -20

Bình luận: 0