TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch bệnh

20:25 06/08/2020
Logo header Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp có khả năng lây lan nhanh việc xác định bệnh nhân F0, khoanh vùng và truy vết bệnh nhân là rất cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng công nghệ nhằm xác định và truy vết bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các nước phát triển đã tích cực áp dụng công nghệ cao vào công tác phòng chống dịch bệnh và đã phần nào phát huy hiệu quả.

Tại Đức, việc sử dụng phần mềm trên điện thoại di động để truy vết tiếp xúc của người nhiễm Covid-19 là phổ biến. Đây là phần mềm sử dụng công nghệ vô tuyến sóng ngắn Bluetooth, nhằm phát hiện và liên lạc những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tại Italy ứng dụng truy vết Covid-19 có tên Immuni được tích hợp thêm công nghệ GPS cũng đã được triển khai trên toàn quốc. Cùng với một lý do đó, các nhà nghiên cứu Brazil cũng đã tiến hành lắp đặt thiết bị phát hiện virus tại ngay bên ngoài ống cống ở một khu dân cư, thiết bị này sẽ đo lượng virus được tích lũy trong suốt một ngày. Tại khu vực Đông Nam Á, việc ứng dụng công nghệ cao trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng được các nước chú ý triển khai đã đem lại một số hiệu quả nhất định.
 
Để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngay từ thời gian đầu trong công tác phòng chống dịch các ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration (dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam) cũng được Bộ Y tế và Bộ TT&TT khuyến nghị người dân sử dụng sau khi ra mắt từ rất sớm (9/3). Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến ngày 02/8, ứng dụng hỗ trợ khai báo y tế tự nguyện toàn dân NCOVI đã có gần 7,5 triệu lượt tải, với hơn 17,6 triệu bản ghi khai báo y tế tự nguyện qua ứng dụng này và 837.300 tờ khai y tế bắt buộc đối với khách nhập cảnh qua trang tokhaiyte.vn và ứng dụng Vietnam Health Declaration. Việc nước ta sớm đưa những ứng dụng này đã góp phần ngăn chặn vào thành công ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Nhằm tăng cường hiệu quả hơn nữa của các ứng dụng khoa học công nghệ trong việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, vào cuối tháng 7 khẩu trang điện tử Bluezone đã được Bộ TT&TT và Bộ Y tế cho ra mắt ngày 18/4. Phần mềm này được tạo bởi Bkav và đang được Bộ Y tế, Bộ TT&TT khuyến khích người dân tăng cường sử dụng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam có khoảng 75-80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động, nếu khoảng 60% số người (tương đương 45-50 triệu người) cài đặt Bluezone thì phần mềm sẽ hiệu quả. Các điện thoại thông minh được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách 2 mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần, tiếp xúc vào lúc nào và trong bao lâu nhằm giúp người dùng biết được và kiểm soát các tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 (F0). Điều này dựa vào việc tiếp xúc hằng ngày của người dùng điện thoại thông minh dùng Bluezone nếu trong khoảng cách 2 mét sẽ được tự động ghi vào nhật ký. Mọi thông tin về vị trí các trường hợp F0 sẽ được cơ quan y tế có thẩm quyền cập nhật liên tục đối với cộng đồng Bluezone. Ứng dụng cũng sẽ ghi nhận với những trường hợp tiếp xúc với F0, đưa ra cảnh báo nguy cơ bị lây nhiễm và tư vấn những cơ sở y tế gần nhất để mọi người có thể liên hệ. Nguyên tắc hoạt động của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch với việc chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng. Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đều ẩn danh với những người khác, chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Đây được đánh giá là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch.

Sau 4 ngày đẩy mạnh triển khai, rất nhiều người dân đã sử dụng ứng dụng khẩu trang điện tử Bluezone để hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19. Anh Nguyễn Tiến Đạt trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Đây là một ứng dụng rất dễ dàng để cài đặt, chỉ với vài thao tác đơn giản mình có thể cài đặt và sử dụng ngay. Với Bluezone thậm chí tôi có thể biết được mình đã tiếp xúc với bệnh nhân F0 vào lúc nào và trong khoảng thời gian là bao nhiêu lâu rất cụ thể. Việc nhận được thông báo sớm có thể giúp mình và mọi người biết mình có thuộc diện F2, F3, F4,... hay không. Đặc biệt hơn nữa, khi càng nhiều người sử dụng, một cộng đồng lớn sẽ được xây dựng giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát dễ dàng hơn từ đó sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ phát tán của dịch bệnh. Mình thấy rằng ứng dụng này rất hữu ích, mọi người nên cùng nhau cài đặt để có thể giúp sức cho Chính phủ chung tay chống dịch”.

Theo ghi nhận vào thời điểm ngày 4/8, số lượt cài đặt ứng dụng này trên hệ điều hành Android đạt hơn 1 triệu, còn trên hệ điều hành iOS cũng đã ghi nhận hàng ngàn lượt truy cập. Việc này cho thấy, những nỗ lực các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong công tác ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. 

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 22 - 20

Bình luận: 0