TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch

08:46 18/06/2020
Logo header Cơn “Đại hồng thủy” dịch Covid-19 đã và hiện vẫn đang gây ảnh nghiêm trọng đến hầu hết các nước trên thế giới, một trong những nguyên nhân góp phần làm cho nền kinh tế toàn cầu trượt dốc. Là một quốc gia đang trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế khá nhanh, Việt Nam cũng phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch đến tất cả các mặt kinh tế - xã hội...

Đường săt Cát Linh – Hà Đông Nhãn

Phục hồi sau dịch

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng với sự đồng thuận, đoàn kết của tất cả các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã huy động tất cả hệ thống chính trị, nhân tài vật lực tham gia chống dịch một cách quyết liệt, đạt hiệu quả cao, đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cạnh đó, Nhà nước cũng đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời, góp phần hỗ trợ nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó hiện nay tình hình kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục và phát triển.

Ngày 29/5/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Kết luận cho biết, hiện nay trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động lâu dài. Do vậy chúng ta cần xác định rõ khó khăn, đề ra các giải pháp tháo gỡ, nâng cao tính tự chủ, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới. Trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án quy mô lớn, trọng điểm, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Hiện nay ngành giao thông là một trong các lĩnh vực có nhiều dự án trọng điểm nhất đang được triển khai, tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Với ý nghĩa đó, hiện nay các dự án phát triển giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chỉ riêng tại Thủ đô Hà Nội, hiện nhiều dự án giao thông lớn đã và đang được gấp rút hoàn thành như tuyến đường 5 kéo dài, nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây dựng từ năm 2020-2024 với tổng mức 2.500 tỉ đồng, cùng lộ trình nhiều cầu mới sẽ được triển khai như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên, cầu Tứ Liên. Tập đoàn Vingroup mới đây cũng đã xin chủ trương đầu tư xây dựng thêm 2 cầu vượt tại ngã tư đường Đông Dư - Dương Xá và tuyến đường song hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, Đông Dư - Dương Xá là tuyến đường rộng 40 mét huyết mạch lớn vừa thông xe vào đầu năm 2020...

Chậm trễ thực hiện các dự án lớn kéo dài và những hệ lụy...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục trong lĩnh vực giao thông. Theo ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT thì: “Nếu không giải quyết nhanh chóng các tồn tại để thúc đẩy tiến độ các dự án thì có nguy cơ thiệt hại rất lớn về kinh tế, phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay và gây dư luận không tốt”.Trong các dự án trọng điểm bị chậm trễ, có thể kể đến Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), công trình cao tốc trọng điểm dài 50 km, có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng từ năm 2018, sau gần 10 năm “tê liệt hoàn toàn”, chỉ tăng tốc được một thời gian ngắn, sau đó buộc phải thi công cầm chừng. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm giao thông, đến đầu tháng 12/2019, tổng giá trị khối lượng thực hiện tại 21/21 gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới chỉ đạt 27%; tổng số vốn đã được giải ngân phục vụ giải phóng mặt bằng, thanh toán, tạm ứng cho các gói thầu đạt 2.310 tỷ đồng, tương đương 18% tổng mức đầu tư, trong khi yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành công trình vào quý II/2021.

Một dự án trọng điểm khác, là Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang bị sa lầy, thậm chí chưa thể xác định được thời hạn hoàn thành. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - Chủ đầu tư - cho biết: “Đến thời điểm này, mọi hoạt động xây dựng tại Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gần như đã bị dừng lại sau khi công trình sử dụng vốn vay ODA có tổng mức đầu tư lên tới 31.320 tỷ đồng không được điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện”. Còn theo các nhà chuyên môn, thì bên cạnh khó khăn về vốn, những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, rà soát thiết kế kỹ thuật một số gói thầu, sự sa sút về năng lực thi công của nhiều nhà thầu… đã khiến thời hạn hoàn thành Dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang là một ẩn số. 

Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ là 2 trong 7/11 dự án trọng điểm đang thi công bị chậm tiến độ. Ngoài ra còn có nhiều dự án khác chậm tiến độ như: đường sắt Cát Linh - Hà Đông; đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi; đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương... trong đó Dự án trọng điểm tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Sau đó, tổng mức đầu tư tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng, tăng hơn 205% so với mức ban đầu), nhưng đã nhiều lần chậm tiến độ, ảnh hưởng đến mục tiêu vận tải hành khách công cộng của Hà Nội, thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước và làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gây rất nhiều khó khăn cho đời sống - xã hội và bức xúc cho nhân dân. Theo UBND TP Hà Nội cho biết, mỗi năm thành phố phải trả lãi vay gần 300 tỷ đồng cho vận hành dự án... 

Cần khắc phục tồn tại, xử lý dứt điểm các sai phạm

Theo giải trình của Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu làm cho các dự án trọng điểm chậm tiến độ là do 3 nguyên nhân chính: Một là do các dự án trên đều có công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm quản lý và thực hiện. Hai là do vướng mắc, kéo dài trong công tác giải phóng mặt bằng và ba là do kế hoạch vốn hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu. Riêng đối với Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mặc dù đã cơ bản hoàn thành nhưng do vấn đề hoàn thiện chứng nhận an toàn khai thác hệ thống, đảm bảo điều kiện để bàn giao đưa vào khai thác chưa hoàn tất.

Để khắc phục các tồn tại này, trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án GTVT, đặc biệt là các công trình trọng điểm của ngành; đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án; tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án; kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình. Về mặt thể chế, Bộ sẽ xây dựng kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành; tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là ban quản lý dự án; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. 

Tuy nhiên, theo nhiều nhà chuyên môn, để xảy ra việc các dự án trọng điểm triển khai chậm tiến độ, bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do cách làm ăn không khoa học, đồng bộ và thiếu trách nhiệm, yếu kém của các cơ quan, đơn vị chức năng, doanh nghiệp thực hiện, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến chuyên gia và dư luận đều cho rằng, bên cạnh việc cần có các giải pháp triệt để và kịp thời nhằm thúc đẩy việc hoàn thành Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông nói riêng, cũng như các dự án trọng điểm khác, cần đồng thời sớm làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm, đồng thời có chế tài phù hợp và đủ mạnh đối với đối tác nước ngoài nếu có vi phạm hợp đồng trong dự án. Chỉ có vậy mới hy vọng có thể khắc phục được tình trạng chậm trễ triền miên trong thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án có liên quan với nước ngoài, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và phục vụ tốt việc đi lại, đời sống sinh hoạt của nhân dân. 

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 15 - 20

Bình luận: 0