TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đền Kim Liên - Tứ trấn phía Nam Hà Nội

15:38 15/04/2021
Logo header Mảnh đất nghìn năm văn hiến với biết bao vẻ đẹp làm xao động lòng người, từ những nét dung dị, cổ kính của những ngôi chùa đến những công trình kiến trúc đồ sộ từ lịch sử xa xưa đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị lịch sử hàng nghìn năm với nhiều kiến trúc thầm kín mà kiêu xa nhưng ẩn chứa nét văn hóa lâu đời và dòng chảy lưu truyền về nhiên thần, nhân thần thông qua văn hóa thờ cúng các anh hùng dân tộc trong quá trình dựng và giữ nước.

“Tứ trấn” xuất hiện gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý, là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương; và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây còn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kì chính bởi lịch sử hình thành và nét văn hóa của nó trong tín ngưỡng của người Việt Nam ta.

Đền Kim Liên có ba lối lên đền, lối chính lên có 9 bậc, hai lối bên mỗi bên có 7 bậc

Tương truyền thần Cao Sơn là con trai Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh mang lại bình yên cho nhân dân. Sau đó, ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp, vùng đất đó nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi ngài mất, để ghi nhớ công ơn ngài người dân đã lập đền để thờ. Theo tài liệu lưu giữ tại đền thì từ những năm cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI, làng Đồng Lầm (nay là làng Kim Liên) có một khu gò cao nhất, người dân địa phương đã xây một đền thờ nhỏ trông về phía Tây Nam của làng để thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Sử sách có lưu truyền rằng, vào thế kỷ XVI (năm 1510), trong sự suy vong của triều Lê, vua Lê Uy Mục tức Lê Uy Mẫn tàn ác ăn chơi, nghe lời xúi giục của nịnh thần đã diệt các quan trung thành, đàn áp dân chúng. Trước tình cảnh đó, ông Lê Tương Dực cùng một số tướng lĩnh lán nạn vào Nho Quan, Ninh Bình. Trên đường đi, đoàn người dừng chân tại một khu rừng rậm rạp, âm u hoang vắng, thấy một ngôi đền trên gò thờ Cao Sơn Đại Vương, tướng Nguyễn Văn Lữ là đại thần của Lê Tương Dực khi đó cùng mọi người khấn ngài Cao Sơn xin ngài phù hộ để diệt tên vua tàn ác hại dân hại nước, sau khi hoàn thành sứ mệnh đó sẽ xây dựng đền khang trang, đẹp đẽ hơn. Với quyết tâm đó tướng Nguyễn Lữ cùng các tướng lĩnh đi đến đâu mộ quân đến đó, khi tới gần thành Thăng Long, nơi có cây cối rậm rạp và tại một đỉnh gò cũng gặp một đền thờ nhỏ ghi là “Tối linh từ” cũng thờ Cao Sơn Đại Vương thuộc làng Đồng Lâm ven đô Thăng Long. Khi tiến quân vào Thăng Long, chỉ trong mười ngày tướng Nguyễn Lữ đã dẹp hết quân tàn ác, các tướng phong Lê Tương Dực lên làm vua lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Khi ấy vua đã ra lệnh xây lại nơi thờ Cao Sơn Đại Vương tại Nho Quan, Ninh Bình và ở làng Kim Liên, Hà Nội. Kiến trúc của đền được xây theo hình chữ đinh, hình tượng một đầu rồng quay về sông Kim Ngưu - Đê La Thành gồm ba phần chính: hậu cung, đại bái và sân Đền. Hậu cung có ba gian chiều dọc để thờ Cao Sơn Đại Vương và hai vị phối hưởng từ nơi khác đưa tới là Thủy Tinh Tôn Nữ Đông Hồ Trưng Vương và công chúa Huệ Minh. Đại bái gồm năm gian hai sảnh có bốn cột trụ với đường kính 0,7 - 0,8 m. Hàng cột xung quanh kế tiếp có đường kính mỗi cột 0,5 m. Mỗi bên có ba bậc, gian giữa thấp hơn để tế lễ. Tam quan xây ba gian, có hai ông tướng gác đền là ông văn và ông võ. Có ba lối lên đền, lối chính lên có 9 bậc, hai lối bên mỗi bên có 7 bậc. Sân đền rộng và hai bên có xâu hai tảo xá. Cổng đền có hai cột trụ lớn, trên có đắp con Nghê, hai bên có cổng vòm phụ mái cong hai tầng. Phía trước có hồ đình rộng, bên trái đền có đặt văn chỉ của làng, bên phải có thờ bia Cao Sơn, trước mặt bia là giếng đền. Sau này, dân làng Kim Liên đã xây thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình Kim Liên còn thờ Mẫu, và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Ban quản lý di tích kể lại, do công lao to lớn của thần Cao Sơn, vua Lê Tương Dực đã giao cho học sĩ Bộ Lễ Thượng Thư - Tiến sĩ Lê Tung - Tế Tửu Quốc Sử Giám vào kho sách nhà vua soạn thảo viết về công lao của Ngài Cao Sơn để làm bia cho đền. Bia hai mặt chữ gồm bốn mươi bảy dòng, hơn 1000 chữ. Nội dung ca ngợi tài năng đức độ, sự linh thiêng của Cao Sơn Đại Vương, người đã có công lúc sinh thời và hiển thánh để giúp nước cứu dân, giúp Lê Lợi khởi nghĩa, giúp Lê Tương Dực lên ngôi vua. Ngoài ra tại đền còn có 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620). 

Trong dịp Thủ đô Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đền Kim Liên được tu sửa và là Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đền được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa Cấp Quốc gia ngày 9/01/1990. Hàng năm, cứ vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại mở hội truyền thống, tổ chức nghi lễ tế để báo đáp ơn thần và nêu cao ý thức dăn dạy cho các con cháu phải đời đời biết ơn với những vị có công với nước, với dân. Quả thật, những nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống đã thực sự là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người dân làng Kim Liên nói riêng, và Nhân dân Thủ đô nói chung.

Tiến Đạt - Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0