TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đinh Đăng Định (1920 - 2003): Nghệ sĩ chuyên chụp ảnh Bác Hồ

17:15 15/07/2021
Logo header Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định sinh năm 1920, mất năm 2003, là người làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, một làng nhỏ ven Hà Nội, nổi tiếng làm nghề dát vàng bạc. Ông sinh trưởng trong một gia đình có nhiều anh em, không giàu có gì. Ngay từ nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đinh Đăng Định đã mê chụp ảnh. Năm 16 tuổi, ông đã tham gia Hội Ái hữu thợ ảnh Hà Nội. Hội này do ông Phan Trọng Tuệ, sau này có thời kỳ là Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Hội trưởng. Đây là thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng ta lãnh đạo, đứng ra hoạt động công khai. Lúc này ông đang làm công cho hiệu ảnh Bel Photo, chủ hiệu là ông Nguyễn Văn Hựu ở số 4 Tràng Thi. Đinh Đăng Định được giác ngộ cách mạng chính là nhờ người nhà ông chủ hiệu ảnh đã tham gia cách mạng từ lâu. Được tổ chức khuyến khích, động viên Đinh Đăng Định luôn luôn có mặt trong các cuộc tuyên truyền vận động cách mạng của Việt Minh và từng hoạt động nghệ thuật trong Ban Trinh sát Thành bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Đinh Đăng Định là một trong số 6 nhà nhiếp ảnh có uy tín thời bấy giờ được giới nhiếp ảnh Hà Nội chọn lựa vào chụp ảnh chân dung Bác Hồ để chọn in tuyên truyền rộng rãi trong cả nước. Lần chụp này, tuy chưa thật thoả mãn, nhưng đã để lại trong ông một kỷ niệm sâu sắc trong đời hoạt động sáng tác mà ông không bao giờ quên được.

Lại một dịp may hiếm có, nhờ có sự quen biết, ông được đồng chí Trần Thành Ngọ, Trưởng ty Liêm Phóng thành phố Hải Phòng cho đi cùng để đón Bác từ Pháp trở về. Bác đến Hải Phòng đúng vào lúc 16 giờ, không kịp về Hà Nội. Ban tổ chức đã bố trí Bác nghỉ lại trong một trường học ở ngõ Nghè. Được tin nhân dân chào đón Bác đông nghịt. Bác tỏ lòng cảm ơn nhân dân. Hình ảnh đón tiếp nồng nhiệt đó đã được Đinh Đăng Định ghi nhanh vào ống kính.

Bác cùng chúng cháu hành quân (1954)

Năm 1946, ông Định là một trong những chiến sĩ ở lại thành Hà Nội, bám trụ vừa chiến đấu vừa chụp ảnh ở khu phố Khâm Thiên và phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng). Sau 100 ngày đêm chiến đấu anh dũng, giành giật với giặc từng căn nhà góc phố, quân dân thủ đô tạm thời rút khỏi Hà Nội. Đinh Đăng Định cũng theo đoàn quân đi kháng chiến về chiến khu 10. Tại đây ông đã phóng hơn 100 bức ảnh trưng bày triển lãm phục vụ Đại hội Đảng bộ Khu 10 nhóm họp. Đồng chí Lê Văn Lương, lúc bấy giờ là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, trên đường đi công tác qua, đã ghé vào xem. Triển lãm được đồng chí Lương đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức ảnh.  Đó là hình ảnh sống động của quân dân thủ đô chiến đấu can trường trên từng nóc nhà, ngõ phố, là chiến sĩ ôm bom ba càng tấn công xe tăng giặc, là những em bé, những cô nữ sinh Hà Nội đang tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội Trung đoàn Thủ đô đang vững tay súng trên từng ụ chiến đấu ở đường Mai Hắc Đế, Bạch Mai... Cuộc triển lãm tuy không lớn, nhưng đã có sự tác động mạnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Sau cuộc triển lãm, đồng chí Lê Văn Lương đã đưa nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định về làm việc ở cơ quan Trung ương và nhận trách nhiệm chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ bế cháu Nguyễn Minh Phương tại Nam Định

Hoạt động nhiếp ảnh trong giai đoạn ở chiến khu Việt Bắc gặp vô vàn khó khăn. Phòng ảnh của Văn phòng Chủ tịch chưa bao giờ có đến 10 cuộn phim và một hộp giấy ảnh. Phòng tối che bằng tranh tre nứa lá. Máy phóng ảnh, hòm in ảnh bằng gỗ và dùng ánh sáng trời. Chậu rửa phim làm bằng khúc cây bương bổ đôi, phía bên trong tráng sáp ong. Thỉnh thoảng Bác có vào buồng tối xem, và Bác nói: “Cái chậu rửa ảnh của chú hiếm có”. Để giữ bí mật, cơ quan thường chuyển chỗ ở. Mỗi lẫn như vậy, trang thiết bị máy móc phòng ảnh cũng chỉ đủ một gánh.

Những ngày được phục vụ Bác, Đinh Đăng Định nhớ mãi lời khuyên của Bác:  “Chú nên chụp nhiều hình ảnh quần chúng nhân dân, nhất là các chiến sĩ quân đội ngày đêm hăng hái đánh giặc giữ nước”. Một lần Bác đi công tác qua đình Hồng Thái, ông Đinh Đăng Định chụp Bác thì Bác bảo ngay: “Cảnh Tân Trào, suối nước và cây đa đẹp thế sao chú không chụp, lại đi chụp Bác làm gì?”

Bác Hồ đọc báo Nhân dân số 1 (1951)

Được gần gũi Bác Hồ, nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định nhận thấy rõ ở Người đức tính giản dị, giản dị đến lạ lùng. Tại chiến khu Việt Bắc, nhà Bác ở chỉ là một ngôi nhà sàn đơn sơ như bao nhà dân khác. Giường ngủ chỉ là một chõng tre mộc mạc, đầu giường chăn gối được xếp gọn gàng. Ông cũng cảm nhận được tình thương của Bác đối với  đồng bào thật bao la rộng lớn. Bác coi những người làm việc bên Bác như con cháu trong nhà. Một hôm Đinh Đăng Định chụp Bác, nhưng không may, một cành cây nhỏ vướng máy, ông Định vịnh cành định bẻ, tức thì Bác ngăn lại:

-Ấy chú đừng bẻ! Tuy nó không cho quả ăn, nhưng cũng cho ta bóng mát.

Ngôi nhà Bác ở tại chiến khu Việt Bắc nằm gọn trong hẻm núi, trước nhà là một đám đất phẳng, thoáng mát, con suối lững lờ chảy qua. Nhiều lần nghệ sĩ Đinh Đăng Định lên đỉnh núi trước mặt, định ghi lại toàn cảnh khi nhà Bác ở và làm việc. Và ngày đó đã đến. Ông ghi lại được hình ảnh này trong nắng sớm lung linh xuyên qua những cánh rừng già với bầu trời xanh, những đám mây bồng bềnh lững lờ bay.

Bác Hồ làm việc tại Khuôn Mạ, Việt Bắc

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đinh Đăng Định đã ghi lại biết bao hình ảnh của Bác Hồ. Bác với bộ đội trong rừng Đoan Hùng, Bác trên đường đi chiến dịch, Bác ngồi câu cá, Bác tưới rau, tăng gia sản xuất, tập thể dục buổi sáng, đánh bóng chuyền, Bác cho trẻ ăn, Bác cưỡi ngựa đi công tác... Trong những chuyến đi công tác theo Bác, đã có biết bao câu chuyện cảm động về Người. Đinh Đăng Định kể: Năm 1951, trên đường đi công tác qua huyện Hoà An, Cao Bằng, Bác và những người cùng đi nghỉ chân trên một ngọn đồi. Bác chỉ về núi Lam Sơn nói: “Cách đây đúng 10 năm, năm 1941, Bác về Pác Bó. Bác thường qua lại núi Lam Sơn này. Báo Việt Nam Độc lập ở đó. Bác cười, rồi bỗng nhiên giọng Bác trầm hẳn lại: Từ đây sang Pác Bó gần thôi, nhưng bây giờ không tiện đường. Bao giờ yên hẳn, có điều kiện, Bác sẽ đi thăm lại những nơi đã qua...”. Không ngờ cũng  10 năm sau, tháng 02/1961, Bác trở về thăm Pác Bó, nơi Người từng sống và làm việc, chỉ đạo phong trào khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước. Ông Định được đi theo Bác trong dịp đó. Tại đây, ông Định đã chụp bức ảnh Bác đang thăm hỏi bà con Pác Bó.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình lập lại ở Việt Nam, Bác cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về lại Thủ đô, Đinh Đăng Định vẫn được vinh dự chụp ảnh Bác. Lúc này điều kiện chụp ảnh đã có phần dễ dàng hơn, máy móc, phim giấy đã tương đối sẵn. Đinh Đăng Định có nhiều cơ hội ghi được những hình ảnh sống động về Bác như: Bác ngồi đọc báo trong vườn Phủ chủ tịch, Bác cho cá ăn, Bác trồng cây trong công viên Thống Nhất, Hà Nội trong dịp đầu xuân. Bác đi thăm công nhân ở các công trường, nhà máy, xí nghiệp, Bác về thăm bà con nông dân, cùng họ ra đồng thăm lúa, đạp xe nước... Bác về quê thăm sau bao năm xa cách, Bác vui cùng các cháu thiếu nhi, Bác đến thăm bệnh viện Vân Đình. Bác đón đoàn Anh hùng chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc... Những hình ảnh thân thương đó mà nghệ sĩ Đinh Đăng Định đã kịp thời ghi lại, đã làm xúc động hàng triệu con tim trên hai miền đất nước.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch

Thật khó mà thống kê chính xác là Đinh Đăng Định đã chụp được bao nhiêu ảnh về Bác Hồ. Chỉ biết rằng bức ảnh đầu tiên là chân dung Người sau ngày đất nước độc lập và bức ảnh cuối cùng là hình ảnh Bác tiếp đoàn Anh hùng chiến sĩ miền Nam, trong đó có nữ Anh hùng Kan Lịch (1969). Như vậy nghệ sĩ Đinh Đăng Định có ngót một phần tư thế kỷ chụp ảnh Bác Hồ.

Đinh Đăng Định là một nghệ sĩ chụp ảnh Bác nhiều nhất, và có nhiều bức ảnh thành công nhất, đã gây cho người xem những rung động thực sự. Nhưng có người hỏi trong số những bức ảnh ông chụp Bác Hồ, bức nào ông tâm đắc nhất ?

Thật khó trả lời. Ông nói: Vì mỗi bức ảnh có một đời sống riêng, một khoảnh khắc trong đời Bác. Có khoảnh khắc ghi lại những nét đời thường. Có khoảnh khắc gắn liền với thời điểm lịch sử, liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc và sự sống còn của Tổ quốc. Có khoảnh khắc Bác xuất hiện như một nghệ sĩ, một nhà hiền triết, một vĩ nhân, có khoảnh khắc là một người cha hiền từ, nhân ái bên đàn con cháu... Nhưng nếu được nói rõ lòng mình, thì Đinh Đăng Định cho rằng bức ảnh mà ông thích nhất là những tấm ảnh chụp Bác với thiếu nhi, hồn nhiên và trong trắng. Ở đâu có Bác và các cháu, ở đó có niềm vui vô tận.

Nói về hình ảnh Bác với bộ đội, Đinh Đăng Định đã có những tác phẩm trở thành biểu tượng, không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của con dân đất Việt. Đó là bức ảnh “Bác cùng chúng cháu hành quân”, Bác nói chuyện với bộ đội ở đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô với câu nói nổi tiếng:

Các vua Hùng có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.

Suốt 18 năm được gần Bác Hồ, bao nhiêu sự kiện xảy ra trong đời Bác, ông đã được chứng kiến. Bởi vậy ông đã thuộc nếp sống, tác phong sinh hoạt của Bác. Chính qua đó, ông đã tự rèn luyện cho mình thói quen làm việc nghiêm túc, sẵn sàng phục vụ, bất cứ lúc nào. Nhờ vậy ông đã ghi được những khoảnh khắc hiếm có: Bác Hồ tát nước trên cánh đồng Tả Thanh Oai - Hà Tây... Và ông, người độc nhất, có đầy đủ bộ ảnh quý giá về mọi mặt sinh hoạt và đời sống Bác Hồ.

Những ngày tháng được đi phục vụ bên Bác, Đinh Đăng Định đã bỏ được thói quen chụp ảnh bố trí trong studio, vốn đã thành thạo trong nghề từ trước, để ghi lại một cách trung thành nhất, thực nhất, sinh động nhất các hoạt động thường nhật của Bác. Ông đã không bỏ qua những thời điểm lịch sử, những mốc chính trị lớn mà Bác có mặt. Đinh Đăng Định ghi được những hình ảnh sinh động về Bác, chính ông đã thấm nhuần lời dạy của Bác “Ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật, như các nghệ thuật khác. Ảnh phải phản ánh chân thật cuộc sống của quân và dân ta”.

Bác Hồ thăm Đại Đoàn quân Tiên phong tại đền Hùng, trước khi về tiếp quản thủ đô (1954)

Những lời dặn ân cần của Bác đã đi theo suốt cuộc đời sáng tác của ông. Ông kể rằng: Ông đã chụp một bức ảnh Bác ngồi ăn cơm dưới một góc cây. Bức ảnh giản dị nhưng làm ông suy nghĩ rất nhiều. Bởi mỗi lần Bác đi công tác, đến một nơi nào đó, Bác không muốn cơ quan địa phương hay đơn vị mở tiệc chiêu đãi linh đình, gây tốn kém cho dân. Mỗi lần như vậy Bác thường mang cơm theo, gần đến nơi, Bác tìm chỗ ăn cơm xong mới tiếp tục vào làm việc. Chụp những bức ảnh ấy, ông càng nghĩ đây thực sự là một nhân cách lớn, một vĩ nhân có một không hai.

Thời gian được chụp ảnh Bác đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc, những kỉ niệm đẹp không bao giờ phai mờ. Thực tế đó đã giúp cho hoạt động nhiếp ảnh sau này của ông đã mở ra một hướng đi đúng đắn vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật chân chính.

Năm 1965, ông Định được cử tham gia tổ chức thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Từ Đại hội lần thứ nhất, ông được bầu làm Tổng Thư ký. Vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, cũng giống như các hội chuyên ngành khác, không thể tiến hành đại hội được, ông Định đã phải giữ chức Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh suốt từ 1965 đến 1983, sau khi đất nước thống nhất mới có dịp họp được Đại hội II. Trong suốt 18 năm giữ chức Tổng Thư ký, ông có vẻ giống một công chức mẫn cán hơn là một nghệ sĩ. Trong các Tổng Thư ký của Hội có đến nay, Đinh Đăng Định là người chú trọng thời sự, và luôn kiến tạo cho đường hướng nhiếp ảnh do ông lãnh đạo đi theo các đề tài thời sự và gắn bó với các sự kiện.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh - hình ảnh của dân tộc’’ với 79 tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định. Triển lãm gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Thủ đô. Cảm xúc trước những tác phẩm của Đinh Đăng Định, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã viết:

Đảng cho tôi biết tâm hồn sáng

Hình ảnh lưu danh giữa cuộc đời

Những tác phẩm của ông chụp về Bác Hồ là di sản văn hóa quý giá của quốc gia. Nhìn lại những bức ảnh của ông, ta mới nhận ra rằng, ông là người ghi chép lịch sử bằng ảnh chân thực nhất mà lại là lịch sử của một vĩ nhân có quan hệ sống còn đến vận mệnh quốc gia, dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đinh Đăng Định tâm sự. Tuy ở lâu bên người, nhưng ông vẫn thấy chụp ảnh Bác không dễ dàng chút nào. Nếu xin chụp ảnh người thì không bao giờ chụp được. Phải chụp ảnh Bác trong những tình huống bất chợt, mới có hi vọng, ảnh sinh động, tự nhiên.

Qua những bức ảnh của nghệ sĩ Đinh Đăng Định, cho thấy những sinh hoạt của Bác Hồ rất gần gũi với đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng III và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II, năm 2000.

Đinh Đăng Định có một cuộc sống nghệ thuật khá sôi động và phong phú. Ông đã vĩnh biệt cõi đời này, nhưng sự nghiệp nhiếp ảnh của ông vẫn trường tồn mãi mãi với non sông đất nước, bởi tài năng, trí tuệ của ông và bởi nó gắn bó với tên tuổi của một vĩ nhân, một danh nhân văn hoá thế giới - Bác Hồ ta đó.

Tri thức Xanh xin giới thiệu một số hình ảnh nghệ sĩ Đinh Đăng Định chụp Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Trần Mạnh Thường

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 70 - 21

Bình luận: 0