TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Đinh Quang Thành - Phóng viên nhiếp ảnh của thời khắc lịch sử năm 1975

23:16 16/04/2020
Logo header Đã 45 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh hào hùng và bi tráng của dân tộc trước thời khắc lịch sử năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong ký ức người nghệ sĩ, nhà báo lão thành Đinh Quang Thành. Đã ở tuổi 86 nhưng ông vẫn khỏe mạnh, ham viết và đi chụp ảnh.

Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất sáng 30/04/1975.

Trong căn biệt thự rộng rãi, sang trọng ở phố Thạch Cầu, Long Biên, Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Đinh Quang Thành say sưa giới thiệu với chúng tôi từng bức ảnh đen trắng ông chụp trong chiến dịch Mùa xuân năm 1975. Người chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật Hồng Hà danh tiếng của Hà Nội hôm nay vẫn nhớ từng chi tiết những năm về trước, khi ông đang là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Đinh Quang Thành thuộc lớp phóng viên ảnh thế hệ thứ hai của TTXVN. Năm 1975, ông đã là phóng viên có nhiều thành tựu về ảnh báo chí. Một số bức ảnh ông chụp trong những năm tháng ác liệt chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, đặc biệt nơi tuyến lửa từ Thanh Hóa đổ vào, đã trở thành những tác phẩm ảnh không thể thiếu được, minh chứng một thời khốc liệt và hào hùng của dân tộc. Đầu năm 1975, Đinh Quang Thành đang là phóng viên chuyên về mảng giao thông và công nghiệp, nên những nơi “ đầu sóng ngọn gió” cũng là nơi ông thường có mặt. Đang ở Hải Phòng, ông Đỗ Phượng, khi ấy là Phó Tổng Giám đốc TTXVN xuống công tác, gặp và nói: “Thành ơi, sắp có chuyến đi chiến dịch hay đấy, cậu chuẩn bị nhé”. Thế rồi mấy ngày sau, Đinh Quang Thành được gọi về và giao nhiệm vụ đi chiến trường. Sáng ngày 26/03/1975, Đinh Quang Thành vừa từ Hải Phòng về Hà Nội, thì chiều hôm đó đi luôn với mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn. Ngay vợ ông cũng chỉ được gọi về kịp tiễn chồng lên đường Nam tiến mà thôi. Hoàn cảnh chiến tranh thời ấy, nhất là thời điểm chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân 1975 đang diễn biến vô cùng nhanh chóng, một ngày bằng hàng năm; nhiều người nhận nhiệm vụ còn không kịp chào người thân… 

Xe tăng 390 và 843 (hai xe tăng vào đầu tiên) trong sân Dinh Độc Lập, trưa ngày 30/04/1975.

Chiếc xe com-măng-ca chở “Tổ mũi nhọn” của TTXVN đi chiến dịch gồm 5 người, 3 phóng viên ảnh là Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Vũ Tạo cùng lái xe và điện báo viên với đầy đủ máy móc, ba lô, gạo, súng ngắn, súng tiểu liên (AK 47)… lên đường với lời dặn của ông Đỗ Phượng: “Tình hình rất gấp, các cậu phải hết sức tranh thủ thời gian và nhanh chóng vào bắt kịp các đoàn quân. Nếu kịp thì giải phóng Huế đấy…”. Tổ mũi nhọn của Đinh Quang Thành đi suốt ngày đêm vào tới Huế cũng đúng lúc Huế vừa được giải phóng. Ở Huế một ngày, hôm sau đi luôn vào Đà Nẵng. Sáng 29/03, tổ mũi nhọn đến chân đèo Hải Vân khi trên đèo tiếng súng vẫn đang nổ, quân ta và địch vẫn đang chiến đấu giằng co; bộ đội không cho lên, 3 phóng viên TTX nói: “Chúng tôi là phóng viên chiến trường nên nơi có tiếng súng là nơi chúng tôi cần phải đến”, và yêu cầu được đáp ứng. Qua bên kia đèo Hải Vân nhóm công tác của Đinh Quang Thành bắt kịp với quân Giải phóng; cũng từ đấy tổ mũi nhọn hòa vào đoàn quân của Quân đoàn 2 vừa chiến đấu vừa hành quân tiến vào phía Nam, đích đến là Sài Gòn. Đà Nẵng được giải phóng với một thành phố ngổn ngang và bừa bộn bởi quân tư trang và súng đạn địch vứt lại trên đường phố. Vào Đà Nẵng, Đinh Quang Thành quen một cô gái hoạt động trong thành, đang ở trụ sở của lực lượng thanh niên. “Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh cô gái có tên Vĩnh An, đẹp người mà duyên dáng lắm. Tôi đã nhờ cô gái đưa tôi đi chụp Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 của ngụy, quân cảng Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà… Nhờ Vĩnh An, tôi đã có bộ ảnh đầy đủ về ngày đầu giải phóng Đà Nẵng”. Đôi mắt người phóng viên năm xưa nheo nheo, xa xăm như níu giữ hình ảnh của 45 năm trước với những ký ức không thể nào quên và tiếp tục kể lại những kỷ niệm chuyến công tác lịch sử năm đó với thế hệ trẻ làm báo như tôi: “Chúng tôi ở Đà Nẵng 6 ngày vì chưa có lệnh từ Hà Nội cho đi tiếp. Sau đó nhận lệnh: “Tổ mũi nhọn hành quân tiếp đến X”. Lúc đó, TTXVN có thêm lực lượng mới, đó là đoàn của ông Đào Tùng - Tổng Giám đốc vừa vào với các phóng viên Văn Bảo, Trần Mai Hạnh… Cũng thời gian ấy, Trần Mai Hưởng và Lâm Hồng Long phóng xe máy từ Huế vào. Trần Mai Hưởng và Lâm Hồng Long đề nghị được nhập cùng tổ mũi nhọn, Hà Nội đồng ý, thế là lại lên đường hành tiến cùng các đoàn quân giải phóng theo dọc đường Quốc lộ 1, đi bằng hai loại phương tiện ô tô và xe máy. Chọc thủng tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, chúng tôi linh cảm thấy chiến thắng cuối cùng đang gần đến. Trận chiến ở Phan Rang cũng thật ác liệt nhưng cũng thật đẹp trong mắt các phóng viên chiến trường chúng tôi. Đoàn quân dài hàng chục cây số trải dài trên đường 1, với xe tăng, pháo, xe chở bộ đội như một mũi tên đang đâm thẳng vào tim kẻ thù. Ở Phan Rang, trên đường xe của các mũi thọc sâu vẫn chạy, bộ binh tràn xuống hai bên đường tấn công, trên bầu trời máy bay địch quần thảo ném bom và bắn phá. Nhưng rồi tuyến phòng thủ nhanh chóng bị phá vỡ. Vào tới Phan Rang, chúng tôi bàn nhau để xe máy lại, đi lên chụp trên Đà Lạt. Đến một làng trồng hoa ở Đà Lạt, bà con trong làng ùa ra đón và mừng vui khó tả. Bà con nhất quyết mời bằng được chúng tôi ăn bữa cơm đoàn kết, cảm động lắm, nhưng thấy bà con nghèo quá, chúng tôi để lại bao gạo 50kg mang từ Hà Nội chưa đụng đến cho bà con dùng. Hôm sau đi chụp khắp Đà Lạt, vào Nha bản đồ, thấy có bản đồ Sài Gòn tôi lấy luôn nhét vào túi dự phòng. Sau đó chúng tôi tìm gặp chỉ huy Quân đoàn 3 của ta và muốn đi theo hướng của quân đoàn đánh vào Sài Gòn. Các anh chỉ huy của quân đoàn khuyên, nên bám theo cánh quân của Quân đoàn 2 thì khả năng sẽ vào sài Gòn được sớm. Thế là chúng tôi lại tức tốc phóng xuống đồng bằng, kịp gặp Quân đoàn 2 ở Phan Thiết vừa được giải phóng. Vào tới Xuân Lộc thì gặp các anh chỉ huy của Sư đoàn 304, sư đoàn kết nghĩa với TTX, các anh nói ở lại đi với sư đoàn luôn. Trần Mai Hưởng và Vũ Tạo đi với cánh quân đoàn bộ, tôi và Hứa Kiểm đi với Sư 304, sau xuống Trung đoàn 66 (Đoàn Khe Sanh) đang ở Dầu Giây”.

Đánh chiếm căn cứ liên hợp Nước Trong, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 26/04/1975

Ngày 26/04/1975, Quân đoàn 2 mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh căn cứ Nước Trong, nhà báo Đinh Quang Thành và Hứa Kiểm có mặt ngay khi mở màn chiến dịch để chụp. Sau khi đánh xong căn cứ Nước Trong, Bộ chỉ huy chiến dịch thành lập “Binh đoàn thọc sâu” gồm Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn 66 và một số đơn vị của Quân đoàn 2. Binh đoàn này đánh xuyên qua huyện Long Thành ra đường 15, đánh ngược đường 15 lên khu Tổng kho Long Bình. “Lúc này tôi nhảy lên ngồi xe tăng của Lữ 203 để có điều kiện chụp hơn. Trưa 29/04, Chỉ huy binh đoàn bàn các hướng tác chiến đánh vào Sài Gòn trên tấm bản đồ, tôi nhìn thấy nhỏ quá, chỉ nhỉnh hơn tờ giấy khổ A4 bây giờ. Thấy vậy, tôi nhớ mấy tấm bản đồ mình lấy từ Đà Lạt, bèn mang ra cho các anh”- Nhà báo Đinh Quang Thành kể. Mọi người mừng quá, sau này một số người có mặt hôm ấy trở thành tướng lĩnh vẫn kể lại chi tiết quý giá mà phóng viên Đinh Quang Thành bất ngờ mang tới. “Sáng 30/04, tôi lại ngồi trên xe com-măng-ca của tổ mũi nhọn theo đoàn quân vào Sài Gòn. Phía trước bộ đội ta vẫn đang nổ súng quyét các chốt, các ổ đề kháng của địch trên cầu Rạch Chiếc, cầu Bình Triệu… Vừa đi chúng tôi vừa chụp dọc đường”. Trưa hôm 30/04 ở Sài Gòn là trưa không thể nào quên trong cuộc đời phóng viên của Đinh Quang Thành. Người dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón bộ đội giải phóng, mừng vui, háo hức. Sau những phút lạ lẫm ban đầu bà con ùa đến bủa vây và hỏi han đủ thứ chuyện. Đinh Quang Thành khoe bức ảnh Hứa Kiểm chụp ông khi ông đang bị bà con níu lại và nhét bánh kẹo đầy người. Là một trong những phóng viên TTXVN vào Dinh Độc Lập sớm nhất, Đinh Quang Thành cũng là người chụp được những tấm ảnh các sĩ quan quân đội của Quân đoàn 2 đang hỏi toàn bộ thành viên Chính phủ Dương Văn Minh.

Đánh chiếm sân bay Thành Chơn, Phan Rang ngày 16/04/1975

Cuộc đời cầm máy của một phóng viên ảnh, khi đất nước đang chiến tranh, được hoạt động độc lập và theo sát bước chân các cánh quân đang dũng mãnh đánh vào hang ổ cuối cùng của địch, là điều may mắn đối với Đinh Quang Thành. Suốt các chặng đường bám sát bộ đội chiến đấu, Đinh Quang Thành cùng nhiều phóng viên ảnh của TTXVN đã thu vào ống kính biết bao hình ảnh chân thực về khí thế anh hùng và vẻ đẹp trong chiến trận của Quân đội Việt Nam bách chiến bách thắng, cùng sự thất bại thảm hại và không thể chối cãi của kẻ địch cũng như không khí mừng vui giải phóng của đồng bào miền Nam… Trong những diễn biến đặc biệt của cuộc sống, thường cũng là lúc mỗi người phát lộ những khả năng của mình. Phóng viên Đinh Quang Thành sau khi thu vào ống kính những hình ảnh lịch sử của thời khắc 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, ông nghĩ đến những nơi khác trong thành phố cần đến, như Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tổng Tham mưu của chế độ cũ… cuối cùng ông chọn đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đinh Quang Thành nhờ một cậu thanh niên biết đường tình nguyện chở đi. Sân bay Tân Sơn Nhất lúc ấy súng vẫn đang nổ, vẫn đang có cuộc chiến đấu giữa quân giải phóng với những tên giặc ngoan cố chưa chịu đầu hàng. Quang cảnh sân bay khói máy bay bốc cháy ngút trời, thùng đạn, thùng xăng nổ vang trời… Đinh Quang Thành gặp một tốp bộ đội đang truy kích địch, hỏi: “Đơn vị nào đấy?”. “Sư 10 đây”. Đẹp quá! Người phóng viên chiến trường Đinh Quang Thành giơ máy bấm lia lịa. Sau này, Tấm ảnh “Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất” của Đinh Quang Thành đã trở thành bức ảnh nổi tiếng. Nếu không sắc sảo, xông xáo và linh hoạt, chắc chắn Đinh Quang Thành không có bức ảnh xuất sắc về cảnh bộ đội đang truy kích địch ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất. 

Máy bay trực thăng của Mỹ rơi trên nóc nhà dân , ngày 30/04/1975 tại Sài Gòn.

Trong kho tư liệu ảnh về chiến thắng năm 1975 của TTXVN, lượng ảnh của Đinh Quang Thành là không nhỏ. Nhiều bức ảnh nổi tiếng của ông vẫn đang được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, sách, tư liệu… Nhiều khi người ta chỉ còn nhớ đến bức ảnh mà quên hoặc không biết người chụp là ai. Từ người phóng viên ảnh ham khám phá, tìm tòi năm xưa, nay ông đã là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Việt Nam, với rất nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật mang dấu ấn riêng, phong cách riêng Đinh Quang Thành. 

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Tri thức Xanh xin giới thiệu tới bạn đọc một số bức ảnh ghi lại thời khắc lịch sử ngày 30/04/1975 của Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành.

Nhật Thăng

(Bài viết có sử dụng tư liệu ghi chép của cố NSNA, Nhà báo Cao Minh)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 06 - 20

Bình luận: 0