TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đồ chơi Việt “lép vế” trên sân nhà

16:05 09/04/2020
Logo header Thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam những năm gần đây đang chứng kiến sự lấn sân mạnh mẽ của các mặt hàng đồ chơi nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Hàng Việt Nam tuy có nhiều tiến bộ trong mẫu mã, chủng loại nhưng dường như vẫn “lép vế” ngay sân nhà…

Người tiêu dùng như lạc vào “mê hồn trận” đồ chơi Trung Quốc ở các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố

Đồ chơi Trung Quốc chiếm ưu thế

Mặc dù có nhiều cảnh báo về sự độc hại của nhiều loại đồ chơi Trung Quốc nhưng thực tế, hầu như đi bất kỳ cửa hàng bán đồ chơi nào trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại các cửa hàng bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân... và ở hầu hết các siêu thị lớn, bé, các trung tâm thương mại lớn như Lotter, siêu thị Coopmart, Big C... thì mặt hàng đồ chơi của nước này vẫn chiếm trên 50% thị phần. Hàng Trung Quốc hút khách bởi lẽ, mẫu mã rất đa dạng, màu sắc bắt mắt, hơn nữa lại luôn có những chủng loại mới, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Ở phố Hàng Mã, đồ chơi Trung Quốc được bày bán công khai, giá thì rất rẻ. Ở đây, các loại mặt hàng như ô tô điều khiển từ xa, máy bay, đến các đồ chơi trẻ em bạo lực như súng ống các loại, giá giao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu... Theo quan sát của chúng tôi, những khách hàng vào mua ở những cửa hàng này đa phần là phụ huynh đi cùng con em mình. Cầm chiếc ô tô điều kiển từ xa trên tay chị Nguyễn Mai Anh (nhà ở Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã tìm hiểu thì biết đồ chơi Trung Quốc không hẳn cái nào cũng độc hại, tôi hay chọn đồ chơi của những hãng lớn của Trung Quốc, giá sẽ rẻ hơn so với những nước khác sản xuất nhưng tính năng, chất lượng cũng tương tự”. Chị Mai Anh còn cho biết thêm, hàng Việt Nam hiện nay tuy có nhiều nhưng bị giới hạn về chủng loại, mẫu mã, ví như một bộ lắp ghép chị từng mua cho con còn có chi tiết bị lỗi, thậm chí bị thiếu.

Tại siêu thị Big C, khi bước chân vào gian hàng đồ chơi, dường như chúng tôi bị choáng ngợp bởi “mê hồn trận” của đồ chơi Trung Quốc. Nào là các mô hình lắp ghép, máy bay, tàu hỏa, đồ chơi nấu ăn, rô bốt... với hình thức, màu sắc và kiểu dáng vô cùng bắt mắt. Tại đây, anh Lê Thế Cường, ngụ tại Cầu Diễn cho biết: “Sắp sinh nhật con trai nên mình muốn chọn mua một bộ đồ chơi cho con nhưng tìm mãi mà vẫn chưa chọn được món đồ chơi nào vừa ý, cũng định mua hàng Việt Nam nhưng thấy đồ chơi Việt Nam mình sản phẩm không đa dạng, chủ yếu vẫn xoay quanh một số mặt hàng truyền thống”. Anh Cường cũng mong muốn, ngành đồ chơi Việt Nam sẽ phát triển hơn, cải thiện mẫu mã, màu sắc để theo kịp xu thế và đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng để khách hàng không phải đắn đo, do dự trước hàng trong nước và nước ngoài khi đi mua đồ chơi cho con. Bởi đối với nhiều người mua đồ chơi cho con thì đôi khi tiêu chí an toàn còn đi sau sở thích. Chị Trần Thanh Hồng, nhà ở Hoài Đức cho hay: “Mua một bộ lắp ghép Việt Nam về, con chơi được một vài hôm là chán, cháu đi siêu thị thấy siêu nhân, zinba, chima (các nhân vật trong phim hoạt hình) lại đòi mua, mà hàng Việt thì không có nên tôi vẫn phải mua hàng Trung Quốc cho con”.

Cũng phải thừa nhận rằng, đồ chơi của Việt Nam quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những bộ lục lạc, đồ chơi xếp hình, xếp chữ... màu sắc lại không được bắt mắt nên không thu hút được khách hàng. Một nhân viên bán hàng ở nhà sách T.T trên đường Láng cho biết: “Nếu so tỉ lệ bán ra hàng ngày thì hàng Việt chỉ bán được tầm 1/5 so với hàng Trung Quốc, khách mua hàng Việt chủ yếu mua các sản phẩm lắp ghép của hãng Atona, hay các đồ chơi giáo dục bằng gỗ an toàn, tuy giá cả có cao hơn các mặt hàng tương tự của Trung Quốc nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn chọn mua”.

Đa phần đồ chơi Việt chỉ nhắm vào đối tượng trẻ dưới 3 tuổi, còn trẻ trên 3 tuổi chỉ có những bộ đồ chơi mang tính giáo dục, số lượng và mẫu mã lại khá hạn chế. Theo ghi nhận của phóng viên Tri thức Xanh thì hàng Việt thường được giới trung lưu mua nhiều, bởi hợp túi tiền, tính an toàn cao. Những người có kinh tế khá hơn họ lại chọn mua đồ chơi của Nhật, Đan Mạch, Anh… tuy có giá lên đến tiền triệu một món đồ chơi, nhưng họ vẫn chịu chi để con có đồ chơi tốt nhất. Anh Trần Tuấn Nguyên, ở Khu đô thị Mỹ Đình chia sẻ: “Tôi thường vào những cửa hàng đồ chơi ngoại để mua đồ chơi cho con gái, giá có hơi cao nhưng tôi yên tâm về chất lượng, con có nhỡ cho vào mồm ngậm thì mình cũng không lo so với hàng Trung Quốc”. Anh Nguyên cũng nói thêm, anh rất muốn ủng hộ hàng Việt nhưng các mặt hàng nước nhà khá ít, mẫu mã hạn chế, dù có tiến bộ so với thời gian trước nhưng so ngành sản xuất đồ chơi của các nước khác thì Việt Nam mới chỉ ở trong giai đoạn đầu.

Còn tại nhà sách Trí Đức trên đường Láng, ghi nhận của chúng tôi tại đây có rất ít khách hàng vào lựa chọn và mua đồ chơi Việt, chủ yếu khách hàng lựa chọn vào những mặt hàng đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Tại đây, giá của mặt hàng đồ chơi bằng gỗ do các nhà sản xuất trong nước có giá giao động từ gần 200.000 đồng đến 400.000 đồng, so với nhiều người thì mức giá này khá đắt nên không hút khách.

Bài toán về đồ chơi Việt vẫn chưa có lời giải (?)

Sự ảm đạm của thị trường đồ chơi Việt.

Một điều đáng lo ngại hiện nay tại Việt Nam là những đồ chơi “ăn theo” phim hoạt hình thì rất hút khách, tất cả các nhân vật trong phim hoạt hình đã và đang trình chiếu trên tivi đều nhanh chóng được sản xuất (nhưng đa phần từ Trung Quốc) thành dạng đồ chơi, thứ mà bất kì trẻ em nào khi xem phim đều mong muốn được sở hữu. Nhiều bậc phụ huynh cũng đi theo “lối mòn”, khi mua đồ chơi cho con không nghĩ đến giá trị cũng như hiệu quả mà món đồ chơi đó mang lại cho con mình, mà lại đáp ứng theo sở thích, nguyện vọng của con khi con đòi hỏi, yêu cầu. Các thương hiệu đồ chơi trẻ em trong nước thường chỉ xuất hiện nhỏ lẻ, chưa có bước đột phá. Các công ty, cơ sở sản xuất cũng không có sự liên kết về vốn cũng như trí tuệ hay sự sáng tạo, điều này hạn chế trong việc tạo nên những cơ sở vững mạnh để có thể cạnh tranh với các cơ sở đồ chơi ngoại nhập. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vẫn chưa có sự đầu tư về công nghệ, máy móc, dây chuyền hiện đại để đa dạng hóa các sản phẩm đồ chơi. Các mặt hàng đồ chơi chủ yếu được sản xuất theo lối gia công truyền thống, thậm chí sử dụng thủ công để sản xuất đơn chiếc để đồ chơi Việt có chỗ đứng ngay trên “sân nhà” là điều không hề đơn giản khi sản phẩm bán ra thị trường bị cao hơn so với sản xuất công nghiệp. Muốn khẳng định được vị thế của mình, ngành sản xuất đồ chơi Việt Nam cần có những bước đột phá, và để làm được điều đó cần phải có lộ trình rõ ràng có sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị. Bởi thực tế tại Việt Nam chưa có một hiệp hội, liên ngành nào chuyên nghiên cứu về đồ chơi trẻ em để đưa ra những giải pháp tốt nhất cho mặt hàng này. Bên cạnh đó, việc đưa ra thị trường một sản phẩm mới cần được tiếp thị, quảng bá để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn cũng như có niềm tin hơn vào hàng Việt.

Vẫn biết là khó, nhưng người tiêu dùng hi vọng rằng trong tương lai không xa ngành “công nghiệp đồ chơi” sẽ phát triển ở nước ta, những sản phẩm chất lượng với giá thành phù hợp để cung cấp cho người dân Việt.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 05 - 20

Bình luận: 0