TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Doanh nghiệp trước bài toán nhân lực thời công nghiệp 4.0

11:26 24/04/2022
Logo header Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất của các doanh nghiệp nhờ việc ứng dụng các công nghệ số. Những thay đổi này kéo theo những thay đổi về các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất, trong đó thay đổi nhiều nhất là lực lượng lao động. Điều này đặt ra một bài toán cần tìm lời giải đáp cho việc đào tạo nhân lực của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0

Kỳ 1: Thực trạng năng lực lao động Việt Nam

Công nghiệp 4.0 đem lại cơ hội và cả thách thức cho tất cả các chủ thể liên quan tới cung – cầu lao động và việc làm, đòi hỏi các chiến lược được đặt ra cho mỗi chủ thể trong quá trình tham gia vào thị trường lao động, bao gồm cả việc chủ động nắm bắt và thực hiện. Để thực hiện chiến lược này, ngoài vai trò của các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì vai trò của các doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò của người sử dụng lao động trong đào tạo không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất, mà còn giúp định hướng, đào tạo những lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là đáp ứng những yêu cầu về thay đổi trong sản xuất của Công nghiệp 4.0.

Lao động thời công nghiệp 4.0 cần gì?

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Đồng thời, nền công nghiệp 4.0 (CN 4.0) sẽ tạo ra những thay đổi lớn về nhu cầu các kỹ năng trong công việc, kéo theo sự thay đổi tương ứng về năng lực của người lao động để đáp ứng những yêu cầu của CN 4.0. Hiện có nhiều khung đánh giá những kỹ năng mà người lao động thời CN 4.0 cần như:

+ Kỹ năng cốt lõi liên quan đến công việc có thể được phân loại thành 3 loại lớn chia thành 9 nhóm nhỏ với hơn 30 kỹ năng cụ thể là: (i) Khả năng (Phân tích nhận thức, Thể chất); (ii) Các kĩ năng cơ bản (Kỹ năng về nội dung, Kỹ năng xử lý, Kỹ năng xã hội, Kỹ năng quản lý nhân lực, Kỹ năng hệ thống), (iii) Kỹ năng chéo (Kỹ năng xử lý vấn đề phức tạp, Kỹ năng về kỹ thuật) (Theo Nghiên cứu của Roland Berger (2016)).

+ Người lao động sẽ cần các kĩ năng để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng, đó là: (1) Sáng tạo, (2) Tư duy kinh doanh, (3) Giải quyết vấn đề, (4) Giải quyết xung đột, (5) Ra quyết định, (6) Kỹ năng phân tích, (7) Kỹ năng nghiên cứu, (8) Định hướng hiệu quả (Theo nghiên cứu của Grzybowska và Łupicka (2017))

+ 10 loại kĩ năng cần xem xét giúp người lao động nâng cao hiệu quả làm việc là: (1) Tư duy phản biện và học tập thích nghi; (2) Giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói; (3) Toán học; (4) Giải quyết vấn đề phức tạp; (5) Quản lý; (6) Xã hội; (7) Đánh giá, phán đoán và ra quyết định; (8) Kỹ thuật; (9) Trình độ tin học; (10) Công nghệ kỹ thuật số/thông tin và truyền thông. Các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng, dù các năng lực trên đều quan trọng đối với người lao động trong nhiều ngành nghề, nhưng tầm quan trọng của kỹ năng liên quan đến công nghệ kỹ thuật số/thông tin và truyền thông sẽ ngày càng được đánh giá cao (Theo nghiên cứu của ADB).

+ Một nghiên cứu khác của Maisiri và cộng sự (2019) cũng đã thống kê lại được các nhóm kỹ năng cho CN 4.0 theo một cách khác. Dựa trên đầu vào hơn 230 nghiên cứu có đề cập đến các kỹ năng cho CN 4.0, nhóm tác giả đã dùng phương pháp tổng quan tài liệu có hệ thống (Systematic literature review -SLR) để lọc các năng lực từ các nghiên cứu này. Các kỹ năng được phân thành 2 nhóm: kỹ năng về kỹ thuật và kỹ năng phi kỹ thuật (kỹ năng mềm). Kỹ năng về kỹ thuật bao gồm 3 nhóm nhỏ là kỹ năng công nghệ, kỹ năng lập trình và kỹ năng kỹ thuật số. Trong khi đó, kỹ năng mềm cũng gồm 3 nhóm nhỏ là kỹ năng tư duy, kỹ năng xã hội và kỹ năng cá nhân.

Qua tổng hợp các nghiên cứu hiện nay về khung năng lực lao động đáp ứng CN 40 có thể rút ra một số kết luận như sau:

- Khung kỹ năng cho CN 4.0 sẽ không thay thế các bộ kỹ năng hiện có, thay vào đó, sẽ bổ sung những kỹ năng mới.

- Có nhiều kỹ năng có từ trước, giờ vẫn quan trọng (kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị,…) nhưng cũng có những kỹ năng mới liên quan trực tiếp đến CN 4.0 nhiều hơn (kỹ năng kỹ thuật số). Nhiều người đã coi rằng: Năng lực CN 4.0 = Năng lực CNTT + Kỹ năng

- Khung kỹ năng thường có điểm khác nhau đối với các nhóm lao động ở trình độ khác nhau: Đa số các nghiên cứu thường tập trung ở nhóm lao động có trình độ cao (kỹ sư, lao động kỹ thuật, nhà quản lý.

Nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong quá trình hội nhập. Đặc biệt, Việt Nam đạt được những tiến bộ trong cải cách lao động, vì vậy chất lượng lao động có những bước tiến đáng kể; Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp khá đã ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó công tác giáo dục, đào tạo nghề những năm qua đã có sự thay đổi lớn về quan điểm, chất lượng đào tạo.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo và có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 24,1 % số lao động có việc làm của toàn quốc, trong đó đào tạo sơ cấp là 4,7%, trung cấp 4,4%, cao đẳng 3,8% và đại học trở lên là 11,1% (Tổng cục Thống kê, 2021).

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng” với nguồn cung lao động ổn định, song, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế:

Một là, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo còn thấp, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề thiếu nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam. Số lao động có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp. Số lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới có 23,67 %. Đặc biệt, cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý: tỷ lệ lao động có bằng đại học trở lên cao hơn nhiều so với tỷ lệ lao động có bằng cao đẳng, bằng trung cấp và sơ cấp nghề. Tỷ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho người lao động còn thấp.

Nguồn lao động của Việt Nam dồi dào nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lại khá thấp so với các nước trong khu vực. Việc hơn 70 % nhân lực không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đây là hạn chế lớn và thực sự là rào cản trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngân hàng Thế giới đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng (Thái Lan đạt 4,94 điểm, còn Malaysia 5,59 điểm); chỉ số Kinh tế Tri thức (KEI) đạt 3,02 điểm, xếp thứ 102/133 quốc gia được phân loại.

Hai là, sự không phù hợp giữa bằng cấp đạt được và nghề nghiệp trong thực tiễn của người lao động có xu hướng ngày càng rộng hơn, đặc biệt là ở nhóm có trình độ từ đại học trở lên. Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Năm 2012, có 15,43 % lao động có bằng đại học trở lên làm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở xuống; quý 2 năm 2017 tỷ lệ này tăng lên 22,15 % (ILO và ILSSA, 2018).

Ba là, tính chuyên nghiệp và thể lực của lượng lao động còn hạn chế, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, kỷ luật lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Lao động đa số xuất thân từ nông thôn nên bị ảnh hưởng lớn bởi tác phong sản xuất nông nghiệp: tùy tiện về giờ giấc và hành vi, chưa có kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro thấp, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc... Thêm vào đó là tình trạng thể lực ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bốn là, nguồn nhân lực Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng trước yêu cầu của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia phân tích, xét về mặt kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo có thể đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động. Song các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… Do đó, lao động Việt Nam đang được đánh giá là thua kém so với lao động một số nước trong khu vực ASEAN

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tương đương 5.081 USD/lao động, vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, và 2 lần so với Philippines.

Nguyên nhân của những rào cản của năng lực lao động Việt Nam

Một là, nguồn lực tài chính của quốc gia và khả năng chi trả của phần lớn gia đình dành cho việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực, song vẫn chưa được cao. So sánh chi phí bình quân/sinh viên của Việt Nam và một số nước trên thế giới cho thấy: chi phí bình quân/ sinh viên tại Hoa Kỳ là 19.000 USD; Australia 17.000 USD; Anh 15.000 USD; Hà Lan 12.000 USD; Singapore 9.000 USD; Nhật 5.000 USD; Malaysia 4.000 USD; Trung Quốc 3.500 USD; Thái Lan 2.500 USD... Trong khi Việt Nam dừng ở mức 630 USD/sinh viên.

Hai là, quản lý nhà nước về phát triển nhân lực còn những bất cập so với yêu cầu.

Chủ trương, đường lối phát triển nguồn nhân lực chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, thực hiện kịp thời và đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức liên quan trực tiếp đến việc phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chưa chặt chẽ.

Ba là, hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều hạn chế

Như: Nhiều cơ sở đào tạo chưa nâng cao chất lượng đào tạo, chưa thay đổi phương thức đào tạo cho phù hợp với thực tiễn. Sức hút của các trường nghề và công tác phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa tốt. Đội ngũ nhà giáo, hệ thống trường học và phương pháp đánh giá giáo dục còn hạn chế.

Bốn là, Mức chi ngân sách cho đào tạo nghề hiện nay còn hạn chế

Trong cơ cấu chi theo cấp học, chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70 % tổng chi cho giáo dục. Trong khi đó, chi cho đào tạo cao đẳng và đại học trên 12 %, giáo dục nghề xấp xỉ 10 %. Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp, khó có điều kiện cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mức ngân sách bố trí cho dạy nghề chỉ xấp xỉ 10 % tổng chi ngân sách nhà nước cho các cấp học.

Năm là, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Mô hình hệ thống giáo dục và đào tạo, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo nhân lực của Việt Nam chưa tương thích và chưa phù hợp với các tiêu chuẩn phổ biến của các nước trong khu vực và thế giới và cũng chưa thu hút được nhiều nguồn lực quốc tế cho phát triển nhân lực của quốc gia. Môi trường pháp lý, điều kiện làm việc, cơ chế chính sách chưa phát huy hết khả năng hợp tác quốc tế cho việc phục vụ phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc tổ chức, đánh giá chất lượng dạy và học ngoại ngữ, công nghệ thông tin, bồi dưỡng một số hiểu biết, kỹ năng lao động cần thiết để hội nhập quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu.

Phan Sáng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

Bình luận: 0