TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020

23:06 02/09/2021
Logo header Kỳ 2: Một số điểm vướng của các quy định trong các văn bản đã được ban hành Tại thời điểm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các yếu tố về tính hợp lý, khả thi, minh bạch luôn được xem xét, đánh giá. Những văn bản thể hiện được “hơi thở của cuộc sống” thông qua việc lắng nghe, có phản biện từ các đối tượng chịu tác động sẽ phần nào đáp ứng được các tiêu chí trên và sẽ thuận lợi khi triển khai trên thực tế.

1. Gia tăng thủ tục hành chính từ sự thiếu minh bạch và chưa hợp lý trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 135/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ, cải cách so với Nghị định 46/2017/NĐ-CP vì đã cắt giảm, đơn giản hóa khá nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này vì thế cũng thuận lợi hơn.

Nhưng trong hai năm áp dụng trở lại đây, một số quy định tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP, Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn hai nghị định đã phát sinh bất cập và cần thiết phải được xem xét để sửa đổi, cụ thể:

Theo quy định tại hai nghị định này thì doanh nghiệp có thể thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học và phải xin giấy phép hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tên của trung tâm ngoại ngữ, tin học “không được trùng với tên riêng của trung tâm đã thành lập trước đó” (khoản 2 Điều 4 Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học). Các văn bản trên không quy định về việc doanh nghiệp có thể được mở nhiều/mở rộng trung tâm ngoại ngữ ở cùng một địa phương hay không.

Chính vì vậy, khi triển khai doanh nghiệp gặp vướng mắc khi cách hiểu và cách áp dụng ở các địa phương là khác nhau. Có những địa phương không cho phép mở rộng Trung tâm ngoại ngữ, tin học, tức là doanh nghiệp đã xin phép mở một trung tâm ngoại ngữ rồi, giờ muốn mở thêm trung tâm ngoại ngữ mang tên trung tâm ngoại ngữ này ở địa bàn khác trong cùng quận/thành phố/tỉnh thì lại không được phép.

Trong trường hợp được phép thành lập, doanh nghiệp phải xin cấp giấy phép để thành lập một trung tâm ngoại ngữ mới và mang tên mới. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi muốn khai thác thương hiệu đã có.

Hoặc việc đưa ra các khái niệm nhưng lại thiếu quy định giải thích cũng đưa đến những khó khăn khi áp dụng. Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo viên trung tâm ngoại ngữ tin học “là người làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành, gồm giáo viên cơ hữu, giáo viên hợp đồng giáo viên là người Việt Nam, giáo viên là người bản ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể), người nước ngoài”

(khoản 1 Điều 18), điều kiện của giáo viên giảng dạy ở các Trung tâm ngoại ngữ, tin học “Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể): Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp”; “Giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp” hoặc “Có bằng cao

đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp”.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào giải thích về khái niệm “giáo viên bản ngữ” cũng không có bất kỳ quy định nào về việc đơn vị nào được cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và/hoặc thế nào là tương đương, đơn vị nào được cấp chứng chỉ tương đương, hình thức chứng chỉ như thế nào và các chứng chỉ của các đơn vị ở nước ngoài có được thừa nhận là tương đương hay không?

Việc thiếu rõ ràng trong các quy định pháp luật tạo ra sự lúng túng cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp và đưa đến sự thiếu thống nhất khi áp dụng giữa các cơ quan quản lý ở địa phương, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Được biết, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh  theo chỉ thị của Nghị quyết 68/NQ-CP, hy vọng những vướng mắc được nêu ở trên sẽ được cân nhắc, xem xét để đưa vào phương án và tiến hành sửa đổi các quy định liên quan trong thời gian tới.

2. Bất cập trong cơ chế quản lý một số loại hàng hóa - doanh nghiệp gặp khó

Sản xuất, kinh doanh dược liệu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, các chủ thể kinh doanh trong ngành nghề này phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định. Những loại nào được xem là dược liệu và chịu sự quản lý của cơ chế này được xác định trong Danh mục dược liệu quy định tại Thông tư 48/2018/TT-BYT ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Trong đó rất nhiều loại thực phẩm phổ biến được dùng trong đời sống hàng ngày được đưa vào danh mục dược liệu như: các loại rau thơm (bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng…); các loại gia vị (riềng, gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, sả, gấc, tỏi…); thực phẩm bổ dưỡng (táo tàu, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả…).

Điều này đồng nghĩa với việc những chủ thể kinh doanh các loại hàng hóa này sẽ phải chịu cơ chế quản lý của pháp luật về dược, phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh dược (thậm chí, những người bán các loại thực phẩm này phải có địa điểm, kho bảo quản, phương tiện vận chuyển, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt nguyên liệu làm thuốc). Điều này là chưa hợp lý và không khả thi, bởi vì những loại thực phẩm trên không chỉ là nguyên liệu để làm thuốc mà còn là các loại thực phẩm rất thông dụng trong cuộc sống hàng ngày và việc sử dụng không tác động trực tiếp đến sức khỏe con người như các loại dược phẩm. Vì vậy áp dụng cơ chế quản lý trên là chưa phù hợp.

Mặt khác, một số loại được xác định là dược liệu trong Thông tư 48/2018/TT-BYT cũng được xác định là thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT (gừng, tỏi, hoa a-ti-sô,…). Như vậy, cùng một loại hàng hóa sẽ chịu hai cơ chế quản lí của hai cơ quan quản lý khác nhau.

Trên thực tế, bất cập trên đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu và gây lúng túng cho cơ quan hải quan. Bởi, nếu được quản lÝ theo dược liệu thì những doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh về dược trong khi các doanh nghiệp này từ trước đến nay không có bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực dược và dĩ nhiên không thể đáp ứng được các điều kiện này, do đó không thể thông quan được hàng nhập khẩu. Cơ quan hải quan đã áp dụng linh động theo hướng doanh nghiệp khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian chờ ý kiến của các cơ quan quản lý  có liên quan.

3.  Hoạt động kiểm tra - chưa được minh bạch hoá

Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp. Tuy chưa thực sự minh bạch và hợp lý, nhưng các quy định về của Luật Thanh tra cũng đã giúp tránh sự tuỳ tiện hoặc lạm quyền của nhiều cơ quan, cán bộ đối với doanh nghiệp. Ví dụ, Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra.

Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này. Chính vì vậy, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra.

Năm 2020, Bộ Tài chính soạn thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Dự thảo sẽ trao quyền cho các cơ quan của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, dự thảo lại không làm rõ mối quan hệ giữa việc thanh tra và kiểm tra, không rõ doanh nghiệp có bị thanh tra và kiểm tra về cùng một nội dung hay không. Thêm vào đó, dự thảo cũng chưa làm rõ nhiều vấn đề của hoạt động kiểm tra như căn cứ kiểm tra đột xuất, thời điểm công bố kế hoạch kiểm tra, thời hạn ra kết luận kiểm tra và cung cấp cho doanh nghiệp, cũng như chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào việc lựa chọn doanh nghiệp bị kiểm tra hay hợp đồng dịch vụ để kiểm tra.

Dự thảo này là một ví dụ minh hoạ cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định để minh bạch hoá và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu và khắc phục trong tương lai, có thể qua việc sửa đổi Luật Thanh tra để bao gồm cả hoạt động kiểm tra.

4. Pháp luật về thuế tài nguyên cản trở sự phát triển của công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

Vấn đề bất cập của pháp luật về thuế tài nguyên đã được các doanh nghiệp phản ánh từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở sự xung đột về mức thu thuế mà còn nằm ở cách tính thuế và sự ổn định của pháp luật thuế khiến cho ngành công nghiệp khai thác và đặc biệt là chế biến khoáng sản khó phát triển. Năm 2020, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 152/2015/TT-BTC về thuế tài nguyên.

Theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên, giá tính thuế không chỉ bao gồm giá trị của tài nguyên khai thác lên khỏi mặt đất, mà còn bao gồm cả giá trị được tạo ra từ các hoạt động sàng, tuyển, làm giàu, sản xuất, chế biến. Cách xác định giá tính thuế này khiến các doanh nghiệp có động lực chuyển các hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng, thậm chí chế biến khoáng sản ra nước ngoài để né thuế. Ví dụ, giả sử một lượng quặng khai thác lên có giá trị 2 tỷ đồng. Hoạt động sàng tuyển, phân loại, làm giàu có thể làm tăng giá trị của lượng tài nguyên đó lên thành 3 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp thực hiện hoạt động sàng tuyển, phân loại, làm giàu này tại Việt Nam thì phải đóng thuế toàn bộ phần giá trị 3 tỷ đồng đó. Còn nếu doanh nghiệp vận chuyển quặng thô ra nước ngoài và thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu tại nước ngoài thì chỉ phải chịu thuế tài nguyên cho phần giá trị 2 tỷ đồng. Vô hình trung, chính sách thuế như vậy khiến các doanh nghiệp càng thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng tại Việt Nam thì càng phải mất nhiều tiền thuế hơn so với thực hiện các công đoạn này ở nước ngoài.

Thêm vào đó, pháp luật thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Quy định này được suy đoán là nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên liên kết với bên mua để ghi giá bán tài nguyên trên hoá đơn, chứng từ thấp hơn giá thực tế giao dịch. Về bản chất, đây là hoạt động chuyển giá. Việc chống chuyển giá là điều cần thiết, nhưng có nhiều cách để làm được điều này. Cách làm phổ biến trên thế giới là yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh giá của giao dịch tương ứng với giá của các giao dịch độc lập khác (arm’s length principle). Việt Nam đã áp dụng cách này từ năm 2017 để chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với thuế tài nguyên thì vẫn áp dụng cơ chế ấn định giá tính thuế. Quan trọng hơn, thẩm quyền ấn định giá tính thuế lại thuộc về UBND cấp tỉnh. Ngành khoáng sản là lĩnh vực kinh doanh có rủi ro rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Do đó, việc duy trì một môi trường chính sách thuế ổn định là điều kiện rất quan trọng để có thể thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh doanh bài bản, sử dụng công nghệ cao, thu hồi triệt để tài nguyên. Tuy nhiên, với cơ chế UBND cấp tỉnh ban hành giá tính thuế tối thiểu như hiện nay thì càng làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản. Điều này là một phần nguyên nhân khiến cho các dự án khai thác khoáng sản tại Việt Nam thường ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

5. Một số quy định pháp luật chưa khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành

Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ quan điểm chỉ đạo là “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.” Mô hình hoạt động thường thấy của một tập đoàn kinh tế tư nhân là có một công ty mẹ đóng vai trò đầu tư và cấp vốn cho các công ty con (có thể gọi là công ty tối cao, công ty holding), các công ty con sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực hoặc sẽ phụ trách một dự án cụ thể. Tùy vào nhu cầu quản trị và phân bổ rủi ro, tập đoàn có thể sẽ có thêm một số công ty trung gian giữa công ty tối cao và công ty trực tiếp sản xuất kinh doanh. Trong mô hình này, công ty mẹ dựa vào uy tín và quy mô của mình, thường đảm nhận vai trò huy động vốn từ nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính sau đó tái cấp vốn cho các công ty con non trẻ thường rất khó được vay vốn.

Một số quy định pháp luật được ban hành hoặc soạn thảo trong năm 2020 không thực sự thân thiện với mô hình kinh doanh này.

Quy định về hạn chế chi phí lãi vay tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý  thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được sửa đổi trong năm 2020. Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm chống lại tình trạng chuyển giá thuế thu nhập doanh nghiệp ra nước ngoài. Khoản 3 Điều 8 của Nghị định hạn chế mức chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết của một doanh nghiệp không được vượt quá 20% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Quy định này áp dụng với cả các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty trong giao dịch. Như vậy, trường hợp công ty mẹ vay tiền từ ngân hàng rồi cho công ty con vay lại như trên sẽ bị điều chỉnh bởi khoản 3 Điều 8 này và các bên sẽ không còn được linh hoạt quyết định về lãi suất của giao dịch. Rõ ràng, quy định này đã không thực sự đúng với chủ trương khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành. Sau khi sửa đổi, hạn mức khống chế chi phí lãi vay đã được nâng lên 30% và cho phép trừ đi lợi nhuận của khoản vay.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cũng dự thảo Thông tư quy định về việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó có quy định hạn chế “Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”. Như vậy, quy định này sẽ không cho phép các ngân hàng mua trái phiếu do các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phát hành nhằm huy động vốn rồi dùng số tiền đó để góp vốn vào công ty con. Tại  bản thuyết minh, cơ quan soạn thảo cho rằng việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác sẽ khiến cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án. Lo ngại này là chính đáng, tuy nhiên hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua các biện pháp trong hợp đồng hoặc điều khoản trái phiếu. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác phải cam kết trong điều khoản trái phiếu về quyền của người nắm giữ trái phiếu được phép kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án tại công ty con. Làm như vậy sẽ vẫn giúp bảo đảm quyền giám sát của ngân hàng nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tập đoàn kinh tế đa ngành.

Phan Sáng/ Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21
(Tổng hợp từ “Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020” của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam)
Bình luận: 0