TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Dự án Khu Đoàn ngoại giao – HANCORP nợ Nhà nước tiền thuê đất, nợ dân sổ đỏ và nợ xã hội một lời minh bạch – Kỳ 2

20:25 12/03/2021
Logo header Những nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước đang hiện hữu tại Dự án khu Đoàn ngoại giao do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – HANCORP làm chủ đầu tư – ai được hưởng lợi ích?

Tài sản công có giá trị rất lớn  và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.

Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân quy định tại Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định cơ bản hình thức sở hữu nhà nước về tài sản. Đây là cơ sở để Nhà nước ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương có liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng tài sản do nhà nước giao và tài sản hình thành trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, Dự án Khu Đoàn ngoại giao tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – HANCORP làm chủ đầu tư là một trong những trường hợp điển hình.

Như đã thông tin ở kỳ trước, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP là doanh nghiệp Nhà nước thành lập theo Quyết định số 990/BXD-TCLĐ ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tổng Công ty thực hiện cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty Cổ phần ngày 14/08/2014. Theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 11/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án Khu Đoàn ngoại giao có diện tích hơn 62,8 ha, quy mô dân số khoảng 10.000 người, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng.

Không minh bạch trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hình thành từ vốn nhà nước?

Theo Báo cáo kiểm toán số 311/ KTNN-TH của Kiểm toán nhà nước ngày 12/10/2019, Chủ đầu tư dự án khu Đoàn ngoại giao - HANCORP đã ký hợp đồng với các nhà đầu tư thứ cấp chuyển nhượng các lô đất, làm chủ đầu tư các dự án thành phần, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Liệu quy trình chuyển nhượng các lô đất cho các nhà đầu tư thứ cấp có được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước?

Điều 2 về Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 quy định “Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch...” và “bảo đảm công bằng, hiệu quả, tiết kiệm...” Bên cạnh đó, Theo Điều 23 Luật này, “Việc bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường. Việc bán tài sản nhà nước là trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”  Vậy HANCORP khi thực hiện chuyển giao quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư cấp 2 để thực hiện dự án đã công khai theo cơ chế thị trường chưa? Có tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở hay không?

Điều 200 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định”.

Điều 20 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã quy định: “Việc bán tài sản nhà nước thực hiện bằng phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”. Đấu giá tài sản công khai là một trong những điều kiện bắt buộc góp phần thúc đẩy hiệu quả đầu tư của nhà nước và sự minh bạch của cơ chế thị trường.

Theo Báo cáo tài chính năm 2019, 98,83% vốn điều lệ của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội là vốn nhà nước do Bộ Xây dựng trực tiếp là đại diện chủ sở hữu. Do đó, các tài sản hình thành từ nguồn vốn nhà nước phải được quản lý, sử dụng, kinh doanh theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc các khu đất ở đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước trong dự án Khu đoàn ngoại giao phải được đấu giá công khai.

Việc nhà nước giao đất cho HANCORP để thực hiện dự án Khu Đoàn ngoại giao không đồng nghĩa với việc HANCORP được tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án. Đây đều là những tài sản đặc biệt, có giá trị lớn, do đó, nếu không đấu giá một cách minh bạch và công khai thì rất dễ xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân” như Nghị quyết số 10/NQ-TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm khóa XII đã chỉ ra.

Bên cạnh đó, Điều 37 Luật Nhà ở 2004, Điều 39 Luật kinh doanh bất động sản 2006, Điều 21 Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế khu đô thị mới, Điều 16 Nghị định 09/2009NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác cũng quy định rất rõ cơ chế đấu giá trong các dự án khu đô thị mới hình thành từ vốn nhà nước (Chi tiết sẽ được nhóm tác giả làm rõ trong các kỳ tiếp theo).

Tổng hợp các quy định nêu trên có thể khẳng định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hình thành từ vốn nhà nước tại các dự án khu đô thị mới phải thực hiện theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề bán đấu giá tài sản nhà nước đã rất rõ ràng và chi tiết; nhưng tại sao những dấu hiệu về vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vẫn xuất hiện trong Dự án Khu Đoàn ngoại giao? Liệu đây có phải đây là dự án duy nhất tồn tại dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của HANCORP? Hành vi “làm trước báo cáo sau” của HANCORP có phải là biểu hiện của sự tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh? Có hay không việc thông đồng để lựa chọn doanh nghiệp “sân sau”, “thân hữu” theo “nhóm lợi ích” để tư lợi cá nhân và gây thất thoát tài sản nhà nước ở dự án khu Đoàn ngoại giao?

Hàng loạt những dấu hiệu của sai phạm trong quá trình quản lý và sử dụng tài sản nhà nước tại dự án Khu đoàn ngoại giao còn khiến dư luận dấy lên những nghi ngờ về việc buông lỏng quản lý tài sản công của đơn vị chủ quản - Bộ Xây dựng. Liệu “tảng băng chìm” gây thất thoát tài sản nhà nước ấy đã tồn tại từ lâu hay chỉ mới xuất hiện? Những dấu hiệu sai phạm trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của HANCORP có được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý kịp thời trước khi số tiền thất thoát chảy vào túi các “nhóm lợi ích” hay không? Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.

                                                                             Nhóm Phóng viên điều tra.

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 52 - 21

Bình luận: 0