TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Dương Đông New City và nhiều dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai tại Phú Quốc (Kỳ 3)

16:47 09/09/2021
Logo header Không có đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, không có dự án đầu tư, không có sự quản lý của chính quyền địa phương, hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở Phú Quốc đang được tiếp tay để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Phú Quốc là thành phố nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, được định hướng phát triển theo mô hình khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh. Tỉnh Kiên Giang đã và đang huy động mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư tập trung, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với ba trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.

Sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2015-2020, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn đảo đã mang đến những công năng đô thị đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Thành phố Phú Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng phát triển đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị của toàn tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân. Sự phát triển của các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đã làm thay đổi đáng kể diện mạo đảo ngọc Phú Quốc.

Tuy nhiên, dưới áp lực phát triển kinh tế-xã hội, trên địa bàn Thành phố Phú Quốc đã và đang diễn ra tình trạng cơ quan quản lý đất đai ngang nhiên đi trái quy định của pháp luật, cho phép phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích siêu nhỏ để chuyển nhượng quyền sử dụng dụng đất, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế-xã hội và môi trường của Thành phố.

Như Tri thức Xanh đã thông tin ở kỳ trước, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc với diện tích nhỏ (dưới 500m2) không vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tại ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đi ngược chỉ đạo của UBND Tỉnh tại Quyết định số 36/2008/QĐ-UBND để chia tách 27.979,0m2 đất nông nghiệp nguyên thửa thành nhiều lô nhỏ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cho tình hình mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn trở nên hỗn loạn.

Hiện nay, các thửa đất này được rao bán rầm rộ trên các trang điện tử về bất động sản dưới cái tên Khu dân cư Dương Đông New City với giá bán 17 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư cũng đã san lấp đất nông nghiệp, thi công hạ tầng giao thông, phân lô ồ ạt như là một khu đô thị thực thụ.

(Ảnh rao bán đất nền Dương Đông New City được trích từ các thông tin mua bán bất động sản trên mạng internet)

Tiếp tay cho người sử dụng đất làm trái quy định pháp luật

Quyết định số 36/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về việc quy định diện tích tối thiểu đối với từng loại đất được tách thửa và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang quy định: Diện tích đất tối thiểu được tách thửa đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp: “Đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, diện tích đất tối thiểu được tách thửa là 500m2”.

Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục khẳng định: Đối với trường hợp thửa đất nông nghiệp (... đất trồng cây lâu năm) nằm trong khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 3000m2. Trường hợp thửa đất nông nghiệp (... đất trồng cây lâu năm) nằm trong khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 500m2.

Khoản 2 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: “Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Như đã phân tích ở kỳ trước, tình trạng người dân sử dụng đất không đúng mục đích, trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xuất phát từ việc được “hợp pháp hóa” hành vi phân lô, tách thửa bởi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang. Về vấn đề này, Tri thức Xanh sẽ có Văn bản gửi Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang, đề nghị các văn phòng công chứng hủy bỏ và không công chứng, chứng thực các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị chia tách nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND tỉnh Kiên Giang.

Phân lô bán nền đất nông nghiệp như địa ốc Alibaba?         

Công ty địa ốc Alibaba đã tận dụng kẽ hở, dùng danh nghĩa cá nhân để phân lô bán nền đất nông nghiệp. Nếu một dự án tiến hành đúng trình tự thủ tục thì phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, mất nhiều thời gian mới xong, nhưng với việc Alibaba lách luật trục lợi, lừa đảo khách hàng, tự phân lô như đề cập, chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện thì thời gian được rút ngắn rất đáng kể và không phải tốn nhiều chi phí.

Đặc điểm chung của các Dự án được thực hiện theo mô hình kinh doanh của Alibaba ở Việt Nam đó là (1) Không tồn tại Dự án trên thực tế; (2) Đất được phân lô, tách thửa trái quy định pháp luật; (3) Đất nông nghiệp (chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở). Soi chiếu vào Dự án, dễ dàng nhận thấy những đặc điểm trên có phần “trùng khớp” với việc phân lô, bán nền đang diễn ra tại Khu dân cư Dương Đông New City. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý đất đai của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tại sao chủ đầu tư lại có thể ngang nhiên coi thường sự nghiêm minh của pháp luật, công khai mua bán, chuyển nhượng Dự án trong suốt một khoảng thời gian dài mà không có sự “lên tiếng” của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước? Sai phạm của Alibaba liệu có đang được lặp lại?

Điều 78 Luật Kinh doanh bất động sản 2016 về Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản.

(Ảnh rao bán đất nền Dương Đông New City được trích từ các thông tin mua bán bất động sản trên mạng internet)

Cản trở cơ quan báo chí tiếp cận thông tin để bao che cho các hành vi sai phạm, lợi ích nhóm?!

Mặc dù tồn tại rất nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng nêu trên, nhưng khi Tri thức Xanh có văn bản yêu cầu công khai, minh bạch và giải trình về việc tách thửa đất nông nghiệp trái pháp luật thì UBND Tỉnh lại né tránh và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý. Sau nhiều lần trì hoãn việc cung cấp thông tin, ngày 27/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thông báo từ chối cung cấp thông tin với lý do yêu cầu của Tạp chí không phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.

Thiết nghĩ, từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều định hướng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của Nhân dân, là công cụ sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tai mắt của Đảng và của Nhân dân, phục vụ Nhân dân và chủ nghĩa xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với các tư tưởng bè phái, lợi ích nhóm, bao che, dung túng cho các hành vi trái quy định pháp luật.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình” là một trong mười hai định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Đến nay, Nghị quyết Đại hội XIII đã được triển khai 05 tháng, với nhiều Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang vẫn suy diễn, lợi dụng vấn đề tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí để né tránh, từ chối cung cấp thông tin. Đây là vi phạm Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc né tránh cung cấp thông tin để bao che cho những dấu hiệu sai phạm là có biểu hiện của “những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành "lợi ích nhóm", gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân” như Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra.

Các cấp chính quyền tại tỉnh Kiên Giang cần sớm vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu sai phạm kể trên, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật về đất đai. Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, Tạp chí đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để làm sáng tỏ những dấu hiệu sai phạm kể trên. Trên cơ sở phản hồi của UBND tỉnh Kiên Giang, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.

Phúc Nguyên và Nhóm PV
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 77-21

Bình luận: 0