TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

EVFTA - Cánh cửa đã mở cho nông sản Việt Nam

15:23 24/09/2020
Logo header Với điều kiện tự nhiên, chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái, việc phát triển nông nghiệp, trong đó các loại cây ăn quả đa dạng là một lợi thế lớn của Việt Nam. Trong những năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã vươn tới nhiều quốc gia trên thế giới với khoảng 40 loại rau quả được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ và từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada,... Cơ hội rất lớn đã mở ra cho các mặt hàng nông sản của nước ta tại thị trường EU, đặc biệt là các mặt hàng rau quả khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020 với nhiều cam kết mở cửa thị trường từ phía EU.

Lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào thị trường EU đang là rất lớn so với các đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc,…

Hiện, EU là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ 4 của Việt Nam và thị trường nhập khẩu rau, quả rất lớn, chiếm tỷ trọng tới 45 - 50% lượng rau, quả nhập khẩu của thế giới. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu rau, quả sang EU đạt giá trị kim ngạch 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng mới chỉ chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU. Trong đó, trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD (chiếm 73,54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU), trong đó các loại trái cây chưa qua chế biến chiếm tới 49,6%, trái cây chế biến chiếm 33,4%. Theo dự báo, dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19 nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU vẫn tiếp tục tăng trong năm nay. Tranh thủ khi các mặt hàng rau quả chủ lực được cắt giảm tối đa thuế, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào thị trường EU là rất lớn khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc,… (các nước này chưa có hiệp định thương mại tự do với EU). Mặc dù trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 - 20%), nay cánh cửa tới thị trường này càng mở rộng với các ưu đãi đặc biệt về thuế quan. Chỉ riêng các sản phẩm rau quả, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của nước ta như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi,... sẽ được cắt giảm về 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với mặt hàng gạo, trong khoảng gần 1 tháng vừa qua, EVFTA đã có những tác động rất tích cực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80 - 200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ước tính trị giá xuất khẩu gạo tháng 8/2020 của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7/2020 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của doanh nghiệp mà còn mang thương hiệu của các sản phẩm gạo Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm cà phê cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ Hiệp định khi EU chính là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước. Lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU với cà phê Buôn Ma Thuột là một trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức triển khai. Do đó, cùng với các mặt hàng nông sản khác như rau quả, cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. Rất nhanh nhạy, trong thời gian vừa qua, hầu như tất cả các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội này. Chỉ hơn một tháng khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã có những chuyển biến tích cực. Theo ước tính sơ bộ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào EU trong tháng 8/2020 đã đạt 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7. Đặt biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước. Vào trung tuần tháng 9, liên tiếp nhiều lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường EU như Lễ xuất khẩu cà phê, chanh leo tại Gia Lai  vào ngày 16/9, xuất khẩu trái cây gồm bưởi, dừa, thanh long ngày 17/9 tại Bến Tre (lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không),.... Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trị giá xuất khẩu trong cả năm 2020, nếu không có biến động lớn của tình hình thế giới và cùng với sự nỗ lực cao từ trong nước, khả năng cao trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt kế hoạch trên 40 tỷ USD. Toàn ngành phấn đấu tổng trị giá xuất khẩu “cán đích” khoảng 41 tỷ USD.

Nhằm tận dụng triệt để cơ hội của EVFTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu không chỉ cho các sản phẩm trái cây mà cho toàn ngành nông, lâm thủy sản đã có rất nhiều chương trình hành động được các cơ quan nhà nước đặt ra. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã xác định, tập trung tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm. Bộ cũng lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất nhập khẩu sang thị trường EU trong lĩnh vực nông nghiệp với các hướng dẫn cụ thể nhất, nghiên cứu xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU để đưa hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường EU. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối cung cầu, nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp… Song song với sự nỗ lực tạo điều kiện một cách tốt nhất của các cơ quan nhà nước phải là sự cố gắng vươn lên của các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu, hạn chế các sản phẩm tươi thô, sơ chế, tăng cường các sản phẩm đã qua chế biến sâu có giá trị gia tăng chưa cao. 

Nhật Thăng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0