TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Giảng viên trẻ Học viện Chính trị khu vực I với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng và đổi mới phương phápgiảng dạy lý luận chính trị hiện nay

08:36 02/05/2022
Logo header : Với nhận thức giảng viên trẻ là thế hệ kế cận, là tương lai của Học viện Chính trị khu vực I, bài viết góp phần xác định rõ hơn vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị hiện nay

Tóm tắt: Với nhận thức giảng viên trẻ là thế hệ kế cận, là tương lai của Học viện Chính trị khu vực I, bài viết góp phần xác định rõ hơn vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị hiện nay, đồng thời nêu ra một số biện pháp để những giảng viên trẻ thực hiện được mục tiêu “kép” vừa đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng theo Nghị quyết 35 của Bộ chính trị trong bối cảnh mới hiện nay. 
Từ khóa: Giảng viên trẻ Học viện Chính trị Khu vực I; giảng viên trẻ với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng; đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên trẻ

Đặt vấn đề
    Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng được sự nghiệp đổi mới do Đảng ủy, Ban Giám đốc đề ra, giảng viên trẻ Học viện Chính trị khu vực I trong quá trình chuẩn bị bài giảng và lên lớp phải vừa đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa kết hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vậy, những người giảng viên trẻ cần chuẩn bị những gì và cần phải làm như thế nào để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đó?
    1. Vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ tại Học viện Chính trị khu vực I
Có thể thấy, trong bất kỳ công việc nào, với sức trẻ, nhiệt huyết cống hiến và khát vọng thành công, đoàn viên thanh niên luôn là lực lượng xung phong trên tuyến đầu để nối tiếp thành công của thế hệ cha anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ giảng viên trẻ tại Học viện Chính trị khu vực I là những đoàn viên thanh niên từ 35 tuổi trở xuống. Lực lượng này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Học viện, bởi lẽ họ chính là đội ngũ kế cận, là tương lai của nhà trường. Mục tiêu, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi của Học viện chỉ có thể bền vững và thăng hoa khi đội ngũ này thực sự trưởng thành, dám đổi mới, sáng tạo và khát khao cống hiến. 
Theo Ban tổ chức cán bộ của Học viện I, tính đến tháng 10 - 2021, số cán bộ giảng viên trẻ ở Học viện I hiện nay là 39 người, trong đó 09 người có trình độ tiến sĩ, 26 người có trình độ thạc sĩ, và 04 người có trình độ cử nhân. Trong 39 cán bộ, giảng viên trẻ thì phần đông là những người chưa lên lớp và có một phần mới tốt nghiệp Đại học. Do đặc thù về đối tượng đào tạo của Học viện Chính trị khu vực I, nên để được tham gia vào hoạt động giảng dạy, giảng viên trẻ phải có một thời gian học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng, tích lũy những kiến thức nhất định và phải thực hiện quy trình khoa học, công phu trong thông qua bài giảng. Ví dụ như, để tham gia giảng dạy hệ Cao cấp lý luận chính trị thì điều kiện bắt buộc phải là đảng viên, có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, có trình độ lý luận chính trị Cao cấp hoặc cử nhân; đồng thời phải có vốn kiến thức xã hội nhất định và phải có sự chuẩn bị rất công phu bài giảng, qua một quá trình sát hạch hết sức khoa học và chặt chẽ. 
Giảng viên trẻ tại Học viện là những người có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; kỹ năng nghiên cứu tốt; khả năng ngoại ngữ, tin học tốt; có ước mơ, hoài bão và sự cống hiến của tuổi trẻ. Họ đều là những người tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc, từ những trường đại học hàng đầu của Việt Nam cũng như những trường đại học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Do được tuyển từ nhiều ngành, nhiều trường đại học khác nhau nên rất đa dạng, phong phú về lĩnh vực chuyên môn, bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Song, ở họ lại không đồng đều về kỹ năng sư phạm. Qua các thời kỳ, các cấp lãnh đạo ở Học viện Chính trị khu vực I luôn rất quan tâm và hết sức tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ được học tập một cách hết sức bài bản để nâng cao trình độ chuyên môn, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thiện bản thân để tham gia giảng dạy. Đây là một trong những môi trường tốt nhất để cán bộ trẻ học tập, trau rồi, rèn luyện và khẳng định mình. Đó cũng là một lợi thế cho những người cán bộ giảng viên trẻ tại Học viện so với những môi trường khác. 
Trong bối cảnh mới hiện nay, đội ngũ giảng viên trẻ (đặc biệt là những giảng viên trẻ đã tham gia giảng dạy) có nhiệm vụ quan trọng là phải làm sao để vừa đáp ứng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa kết hợp với đổi mới phương pháp giảng dạy. Do vậy, cũng như những giảng viên lâu năm khác, giảng viên trẻ cũng có vai trò, trách nhiệm của một người giảng viên lý luận chính trị của Học viện I trong thực hiện Nghị quyết 35 [Xem: 1] trên mặt trận tư tưởng bởi vì cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nhưng trực tiếp, đi đầu là các cơ quan phụ trách công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, của lực lượng làm công tác nghiên cứu lý luận mà Học viện I là một thành viên quan trọng ở cấp Trung ương. Vì vậy, là giảng viên của Học viện I, mỗi người đều có trách nhiệm gánh vác trọng trách tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy lý luận trong tình hình mới. Hơn nữa, điều này cũng được quy định rõ trong chức năng, nhiệm vụ, mà Học viện I đã ban hành Quy chế giảng viên quy định rõ tiêu chuẩn, nhiệm vụ và chế độ công tác của giảng viên [Xem: 6]. 
    2. Với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng
    Trong bối cảnh mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng đang đứng trước những thời cơ tốt đẹp nhưng đi liền với đó là những thách thức đầy cam go, thử thách. Với âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các sự kiện như sự sụp đổ của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, tinh vi đã reo rắc tư tưởng trái chiều, đã tuyên truyền những luận điệu bịa đặt, bôi nhọ, vu khống Đảng, Nhà nước, lãnh tụ, công cuộc đổi mới, công tác xây dựng Đảng, v.v… nhằm chống phá, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước yêu cầu cấp bách đó, Đảng và nhà nước ta đã đưa ra những chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo hết sức kịp thời và đúng đắn cho tất cả mọi người dân Việt Nam nói chung cũng như đội ngũ giảng viên lý luận nói riêng có những định hướng cụ thể trong quá trình nhận thức và hành động của mình. Trong lĩnh vực giáo dục đã có những chỉ đạo hết sức sát sao đối với yêu cầu bảo vệ nền tảng gắn với công tác giảng dạy.
    Thứ nhất, trong Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã đưa ra quan điểm cụ thể: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ và gắn kết chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ” [Xem: 2] với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: “Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn” [Xem: 2]. Vận dụng Nghị quyết 32, Học viện Chính trị khu vực I đã thực hiện quy trình giảng dạy đảm bảo mục tiêu đào tạo. Quy trình hoạt động giảng dạy bao gồm: Xác định mục tiêu chung môn học; Xác định mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất tư tưởng trong từng chuyên đề; Xây dựng chuẩn đầu ra của toàn bộ môn học cũng như của từng chuyên đề cụ thể; Xây dựng câu hỏi cốt lõi và đề cương môn học; Thiết kế kế hoạch bài giảng chi tiết bao gồm: Câu hỏi cốt lõi mà chuyên đề phải giải quyết, nội dung kiến thức, thời gian, hoạt động của giảng viên, hoạt động của học viên, và phương tiện; Xây dựng hệ thống công cụ đo lường kết quả đạt được; Tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá [Xem: 7]. Trong quá trình thực hiện, bất kỳ công đoạn nào cũng phải đảm bảo chuẩn mực thì mục tiêu giảng dạy mới có thể đạt được. Mọi sơ suất, sai lầm đều có thể dẫn tới việc xa rời hoặc phá vỡ mục tiêu. Do đó, trong quá trình thực hiện luôn phải bám sát Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị.
    Thứ hai, Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa mục tiêu đào tạo trong tổ chức giảng dạy gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng là một việc làm rất cấp thiết. Nếu không nắm rõ, hiểu đúng mục đích công việc sẽ rất dễ lạc hướng, không đạt được mục tiêu. Nói về mục tiêu chung của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương tới cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” [3, tr.181-182]. Để đáp ứng được mục tiêu chung này, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra khung chương trình Cao cấp lý luận chính trị trong bối cảnh mới và xác định rõ: “Mục tiêu của Chương trình Cao cấp lý luận chính trị là trang bị cho học viên những  kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và cập  nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến thức của các khoa học lãnh đạo, quản lý và kiến thức thực tiễn; các kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, kỹ năng cơ bản về lãnh đạo, quản  lý, như: đánh giá tình hình; hoạch định chính sách; ra các quyết định lãnh đạo; tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, tổ chức vận động quần chúng; bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, củng cố lập trường cách mạng kiên định, ý thức trách nhiệm chính trị - xã hội trước Đảng, trước dân tộc và tinh thần phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách để đáp ứng các chuẩn mực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong điều  kiện mới” [Xem: 4]. 
Như vậy, trên đây là những tôn chỉ mục đích, những công cụ để những người giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng ở Học viện Chính trị khu vực I coi đó là căn cứ để thực hiện nhằm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
3. Yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy đối với giảng viên trẻ
Đứng trước thời cơ và vận hội mới, những giảng viên trẻ cần phải làm gì và làm thế nào để thực hiện được mục tiêu “kép” vừa đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng theo Nghị quyết 35 của Bộ chính trị trong bối cảnh mới hiện nay? Hay nói cách khác là những giảng viên trẻ còn thiếu những gì và cần chuẩn bị những gì để đảm bảo đứng lớp một cách vững vàng, hiệu quả?
Theo chúng tôi, trước tiên để đổi mới được phương pháp giảng dạy thì đội ngũ giảng viên trẻ cần phải nắm vững những kiến thức cơ bản về lý luận và thực tiễn. Về mặt kiến thức lý luận, thuận lợi là các đồng chí đều được đào tạo bài bản ở những trường đại học được coi là tốt nhất của nền giáo dục Việt Nam cũng như các trường đại học có uy tín trên thế giới. Do đó, về mặt kiến thức chuyên ngành có thể đảm bảo. Tuy nhiên, để vững vàng trong quá trình giảng dạy tại Học viện Chính trị khu I thì nguyên kiến thức chuyên ngành thôi chưa đủ mà đỏi hỏi phải có sự nghiên cứu cả những kiến thức liên ngành. Nếu như không có kiến thức liên ngành thì có thể bài giảng chỉ bó hẹp trong một phạm vi nhất định, người thầy cũng không có được cái nhìn đa dạng từ nhiều hướng tiếp cận của các khoa học liên ngành khác nhau. Mặc dù vậy, quá trình học tập, tích lũy các kiến thức chuyên ngành và liên ngành cũng khiến các giảng viên trẻ gặp khó khăn vì nó phải là cả một quá trình tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, nhào nặn mới hy vọng có sự biến đổi từ lượng thành chất được. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức chuyên ngành và liên ngành, các giảng viên trẻ phải nghiên cứu kỹ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước như các văn kiện thông qua các kỳ đại hội đảng, các hội nghị trung ương đảng, các chị thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban bí thư trên các lĩnh vực, đặc biệt là những chỉ đạo mới nhất để kịp thời nắm bắt cho phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước và trên thế giới. Đi liền với đó là việc liên tục cập nhật những tri thức mới, tiến bộ của nhân loại.
Kiến thức lý luận là vậy, song chỉ có kiến thức lý luận không thôi thì vẫn chưa đảm bảo để giảng viên trẻ có thể đứng lớp bởi vì môi trường Học viện khác xa so với môi trường đại học ở đối tượng người học. Do người học là những nhà hoạt động thực tiễn trực tiếp, có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm công tác cho nên người giảng viên cũng phải có những vốn kiến thức thực tiễn nhất định thì mới có thể đứng lớp được, để tránh sự xa rời giữa lý luận và thực tiễn, giảng dạy không mang tính thuyết phục, nặng về lý thuyết. Đây cũng là một khó khăn đối với đội ngũ giảng viên trẻ. Vậy để làm sao có được những kiến thực thực tiễn? Theo chúng tôi, có nhiều hình thức để những giảng viên trẻ có được những kiến thức thực tiễn. Ví dụ như tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là những đề tài mang tính chất ứng dụng lý luận vào thực tiễn. Qua việc tham gia nghiên cứu đề tài, qua quá trình điều tra, khảo sát, phỏng vấn theo các phương pháp khác nhau trên thực địa sẽ giúp chúng ta có được sự vận dụng khung lý luận để soi vào thực tiễn một cách trực tiếp chứ không chỉ còn là gián tiếp trên bàn giấy, qua đó sẽ thu thập được những tri thức thực tiễn hữu ích. Hay như tham gia nghiên cứu thực tế thường xuyên hàng năm để cập nhật những thay đổi của thực tiễn ở địa phương/ đơn vị, và nhất là mô hình đi thực tế dài hạn ở địa phương trong những năm gần đây học viện đang triển khai thực sự rất bổ ích đối với các giảng viên trẻ. Khi những giảng viên trẻ được trải nghiệm ở địa phương trong thời gian dài sẽ giúp họ hòa mình vào thực tiễn và tự có sự chuyển hóa để lĩnh hội được những tri thức thực tế thiết thực, qua đó giúp họ có được sự trưởng thành nhanh chóng. Cùng với đó là những hình thức luân chuyển cán bộ giảng viên qua các đơn vị phòng, ban để họ có những trải nghiệm về nhiều công việc khác nhau, giúp họ trưởng thành nhanh hơn.
Thứ hai, sau khi đã trang bị đầy đủ những tri thức căn bản về lý luận và thực tiễn, đội ngũ giảng viên trẻ cần có khoa học về phương pháp. Bởi lẽ, sau khi đã xác định được mục tiêu thì phương pháp trở thành yếu tố quyết định thành công thay thất bại trong hoạt động thực tiễn. Phương pháp càng đúng, hiệu quả càng cao và ngược lại. Nhà triết học người Anh Phranxis Bêcơn (1561 - 1626) từng ví phương pháp như “ngọn đuốc soi đường đi trong đêm tối”. Còn nhà triết học người Đức Friedrich Hegel (1770 - 1831) ví phương pháp là “linh hồn của đối tượng”. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đặc biệt coi trọng vai trò của phương pháp, nhất là trong hoạt động cách mạng. Đối với hoạt động dạy học cũng vậy, phương pháp tổ chức dạy học mang tính chất quyết định. Một người đôi khi được trang bị kiến thức đầy đủ nhưng không có phương pháp tổ chức dạy học tốt cũng dẫn đến thất bại và không đạt được mục tiêu đề ra của bài học. Hơn nữa, do đối tượng học viên tại Học viện Chính trị khu vực I là đặc thù cho nên bên cạnh những phương pháp tổ chức dạy học nói chung cũng phải đòi hỏi có những hình thức tổ chức đặc thù riêng cho phù hợp. Vậy, làm sao để các giảng viên trẻ có được phương pháp tổ chức giảng dạy tốt?
Theo chúng tôi, trước hết vẫn là quá trình nỗ lực tìm tòi nghiên cứu tự học của bản thân mỗi cá nhân. Cùng với đó là tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn được tổ chức trong hệ thống học viện như tham gia các lớp bồi dưỡng kinh điển, bồi dưỡng công tác thanh tra, phương pháp giảng dạy tích cực, đặc biệt là lớp phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong vòng 06 tháng được tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Qua những lớp này, giảng viên trẻ cần có thái độ học tập thật sự nghiêm túc, cầu thị để tiếp thu trang bị phương pháp cho bản thân mình.
Hai là, bên cạnh việc tham gia các lớp bồi dưỡng, các khóa đào tạo, giảng viên trẻ cần tích cực học hỏi các giảng viên đi trước, nhất là những giảng viên lâu năm bậc cao. Học hỏi bằng cách trao đổi xin ý kiến, đi nghe giảng trực tiếp trên lớp để học hỏi về cách sử dụng phương pháp và cách thức tổ chức trong quá trình dạy học. Trong quá trình dự giờ, nghe giảng cũng phải luôn đặt ra trong đầu mình những câu hỏi như: Mình học được cái gì? Mình học như thế nào? Song song với đó là sự chia sẻ, tương tác, trao đổi với những bạn cùng trang lứa, trao đổi với các bạn ở trong Khoa và ngoài Khoa, các bạn cùng chức năng ở các đơn vị khác. Với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, hình thức trao đổi được diễn ra một cách thuận lợi thông qua hình thức trực tuyến. Ngoài ra, giảng viên trẻ cũng có thể học hỏi từ những nhà chính trị, người phương pháp truyền đạt hiệu quả, gắn liền giữa lý luận và thực tiễn, thuyết phục đối với người nghe. Ví dụ như những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất thu hút, vừa gần gũi, vừa cụ thể nhưng lại có sự sâu sắc và tinh túy, hay bài phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sâu lắng và đi vào con tim của mỗi người nghe, v.v...
4. Việc thực hành đổi mới phương pháp gắn với Nghị quyết 35
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy trong tình hình hiện nay, giảng viên trẻ sau khi đã được trang bị kiến thức cơ bản về lý luận và thực tiễn cũng như học hỏi phương pháp tổ chức giảng dạy thì sẽ vận dụng vào trong thực hành giảng dạy. Căn cứ vào đối tượng giảng dạy và những yêu cầu đặt ra thì không còn là sự truyền thụ tri thức một chiều nữa mà là hướng đến người học là trung tâm. Giảng viên tổ chức dạy học thông qua câu hỏi cốt lõi của từng chuyên đề đảm bảo: 1) Khung phân tích của chuyên đề; 2) Quan điểm, chính sách của Đảng/Nhà nước liên quan đến chuyên đề; 3) Những vấn đề thực tiễn đặt ra cần giải quyết; và 4) Cách thức/giải pháp giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra (gắn lý luận với thực tiễn) [Xem: 7]. Và để tổ chức giảng dạy đạt mục tiêu 70 - 30 mà ở đó giảng viên chỉ là người dẫn đắt, tổ chức, là những đạo diễn còn học viên là những diễn viên thì theo chúng tôi cần tổ chức giảng dạy thông qua các tình huống trong thực tiễn đang đặt ra để học viên sử dụng khung lý thuyết soi vào và tìm ra phương hướng giải quyết. Thông qua việc trao đổi, bình luận, đánh giá của học viên, giảng viên làm rõ bản chất lý luận gắn với sự kiện, đồng thời định hướng tư tưởng, thái độ, củng cố lập trường tư tưởng chính trị mácxít, niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho học viên.    
Ví dụ như trong chuyên đề 4 chương trình triết học Mác - Lênin “Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong việc phát triển lý luận ở Việt Nam”, phát triển lý luận ở đây chính là lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Liên quan đến nội dung chuyên đề này có một tình huống thực tiễn đặt ra cho học viên là là: Sự tan rã, sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu làm suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn. Có quan điểm cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn nước ta, v.v... Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, đi theo vết xe đổ của Liên Xô”[Xem: 5, tr.76]. Căn cứ vào nội dung nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, các đồng chí hãy phản bác lại quan điểm trên. Với tình huống này, học viên nhìn từ góc độ khung lý thuyết của chuyên đề cũng như các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng để thảo luận, phân tích, luận giải và từ đó thấy được thực tế là sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình, một cách làm (không vận dụng đúng lý luận vào thực tiễn) và việc lựa chọn con đường đi chủ nghĩa xã hội ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Qua đó cũng giúp cho học viên vận dụng được lý luận vào thực tiễn và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Kết luận
Như vậy, có thể nhận thấy để giảng viên trẻ có thể đứng lớp một cách vững vàng, đạt được kỳ vọng về sự kết hợp giữa đổi mới phương pháp giảng dạy và bảo vệ nền tảng tư tưởng trong bối cảnh mới hiện nay thì trước hết cần phải chuẩn bị các bước như: 1) Trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về lý luận và thực tiễn; 2) Học hỏi phương pháp giảng dạy; 3) Vận dụng trong thực hành giảng dạy; và 4) Thường xuyên tự tổng kết rút kinh nghiệm đối với bản thân. Chúng tôi tin tưởng rằng, bằng sự đam mê, yêu nghề, sự nhiệt huyết, sáng tạo và cống hiến của tuổi trẻ, đội ngũ giảng viên trẻ Học viện Chính trị khu vực I hoàn toàn có thể hoàn thành được trọng trách mà cấp trên giao phó.

  TS.NGUYỄN VĂN TRƯỜNG  - TS.NGUYỄN LÊ THẠCH

(Học viện Chính trị Khu vực I) 

Tài liệu tham khảo:
1.    Ban chấp hành Đảng bộ Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2020), Nghị quyết số 35- NQ/ĐU Về việc tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, ban hành ngày 28/2/2020.
2.    Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 32 Về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, ban hành ngày 26/5/2014. 
3.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4.    Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khung Chương trình Cao cấp lý luận chính trị, ban hành kèm theo Quyết định 3166/QĐ-HVCTQG ngày 18/7/2014.
5.    Hội đồng lý luận trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6.    Học viện chính trị Khu vực 1, Về việc ban hành Quy chế về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ công tác của giảng viên ở Học viện chính trị Khu vực I (Gọi tắt là Quy chế giảng viên), Ban hành kèm theo Quyết định 1243, ngày 11/8/2016; và Quyết định 1641, Quyết định bổ sung một số nội dung Quy chế giảng viên, ngày 17/8/2020.
7.    Thông báo số 216- TB/HVCTKVI, ngày 7/4/2020, Về điều chỉnh đề cương và kế hoạch bài giảng; Thông báo số 255- TB/HVCTKVI, ngày 12/4/2019; Thông báo số 680- TB/HVCTKVI, ngày 13/8/2018.

 

Bình luận: 0