TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Góc khuất phía sau Dự án Khu dân cư Hòa Lân (Kỳ 6)

13:58 24/09/2020
Logo header Đầu năm 2017, Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải (hiện là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Kim Oanh gọi tắt là Công ty Kim Oanh) do bà Đặng Thị Kim Oanh làm Tổng giám đốc đã trúng đấu giá tài sản là Dự án Khu dân cư Hòa Lân do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) dùng làm tài sản đảm bảo khoản vay tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn). Tuy nhiên, cũng từ đây nhiều “góc khuất” từ thương vụ đấu giá tài sản có giá trị lên đến cả nghìn tỉ đồng được các bên liên quan đem ra làm bàn đạp kiện lẫn nhau.

Nền đất trống của Dự án Khu dân cư Hòa Lân

Ai mới là người “vừa ăn cướp vừa la làng”

Đầu năm 2020, Công ty Kim Oanh tố ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Công ty Thiên Phú vì cho rằng ông này có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt” 29,8 tỷ đồng khi “lập khống” danh sách 13 hộ dân nhận danh sách tái định cư tại dự án Khu dân cư Hòa Lân thuộc phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Về sự việc này, ông Bùi Thế Sơn vào ngày 12/03/2020 đã có viết rõ tại Bản tường trình gửi Cục trưởng - Cục C03 Bộ Công An, ông Sơn cho biết: “Trong quá trình thực hiện Dự án Khu dân cư Hòa Lân, khoảng năm 2007 do khó khăn về tài chính nên bạn bè có hỗ trợ cho tôi lúc thì 200 triệu, lúc thì 300 triệu để có vốn tiếp tục kinh doanh. Việc đưa tiền cho mượn này cũng không lập hợp đồng vay vì là chỗ thân quen tự nguyện hỗ trợ tôi. Đồng thời để đấp lại công sức của cán bộ công nhân viên Công ty tại thời điểm đó nên tôi đã chủ động lập Biên bản thỏa thuận với nội dung sau khi Dự án hoàn thành sẽ cho mỗi người một diện tích trong Dự án Khu dân cứ Hòa Lân để xem như trả nợ...”. Đồng tình ý kiến này của ông Sơn với Cục C03 - Bộ Công An, trong một cuộc trao đổi riêng với nhóm phóng viên Tri thức Xanh. Anh N.V.K - một nhân viên cũ của Công ty Thiên Phú đồng thời là người đã từng cho ông Sơn vay tiền lúc Công ty gặp khó khăn khẳng định: “Thời điểm Công ty rất khó khăn, Công ty hoạt động mất rất nhiều chi phí thì chú Sơn có mượn em 3,7 tỷ... Ngoài ra, em cũng đi vay mượn tiền bên ngoài để cho chú Sơn mượn duy trì hoạt động Công ty... Bên cạnh đó chú cũng cấp nền đất cho các nhân viên trong công ty mà đều không thu tiền vì để trả công nợ, vay mượn... Công ty có chủ trương cấp nền đất cho những hộ này từ rất lâu rồi chứ không phải mãi từ tới khi bán đấu giá mới lập danh sách. Hầu hết những người được cấp đều đã bán cho Công ty Kim Oanh và cũng nhận tiền từ chính bà Kim Oanh.”

Trong khi đó, theo như thông tin được biết trước đó UBND tỉnh Bình Dương nhận được hồ sơ xin chuyển đổi chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân từ Công ty Thiên Phú sang Công ty Cổ phần xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh - gọi tắt Địa ốc Kim Oanh). Tuy nhiên, từ tháng 7/2017 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương chưa chấp thuận cho chuyển đổi chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân. Lý do được cho là Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có công văn thể hiện việc chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương công nhận Địa ốc Kim Oanh là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân. Mặc dù đến nay sau gần 3 năm, Công ty Kim Oanh vẫn chưa được công nhận làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân nhưng chỉ ngay sau khi trúng đấu giá từ tháng 10/2017 Công ty Kim Oanh đã vội vàng thu mua hết tất cả các thửa đất mà Công ty Thiên Phú hứa cấp cho nhân viên và người thân đã hỗ trợ công ty lúc khó khăn. Tại các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tái định cư tại Khu dân cư Hòa Lân giữa những hộ được nhận tái định cư theo danh sách của Công ty Thiên Phú với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh thành phố Hồ Chí Minh đều thể hiện việc Công ty Kim Oanh đã xem xét kỹ, biết rõ về các thửa đất nhận chuyển nhượng từ các hộ và các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Cũng theo hợp đồng giữa Công ty Kim Oanh cùng các bên thì việc giao kết Hợp đồng này cũng hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc. Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Công ty Kim Oanh đang không hiểu hay đang cố tình không hiểu pháp luật để dẫn đến việc Công ty này “bất chấp” đi mua lại các thửa đất tái định cư khi chưa được chấp thuận làm chủ đầu tư chính thức từ các cơ quan chức năng? 

Nhiều Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tái định cư tại khu dân cư Hòa Lân được Công ty Kim Oanh thực hiện trong khi còn chưa làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Trong thực tế cuốc sống, chẳng thiếu gì kẻ xấu, ma lanh, gian xảo, có dã tâm bằng những việc làm cài bẫy, đẩy người khác vào thế phạm tội, rồi lại còn lu loa lên như thể mình bị mất của, để đổ vấy cho kẻ khác. Những thủ đoạn gian xảo đó được gọi bằng cái tên đích thực là “vừa ăn cướp vừa la làng”. 

Văn phòng Đăng ký đất đai nhưng không quản lý hồ sơ về đất?

Tại một diễn biến khác, để có được góc nhìn chuyên sâu, những thông tin khách quan về thực trạng quản lý đất đai tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân trên địa bàn phường Thuận Giao, thành phố Thuận An. Nhóm phóng viên Tri thức Xanh đã đến làm việc với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương theo thông tin chỉ dẫn của cán bộ UBND phường Thuận Giao. Tại đây, bà Đỗ Thị Hồng Nhung - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Thuận An kiên quyết không tiếp nhận nội dung làm việc của phóng viên cơ quan báo chí và cho biết: “Tại đây, chỉ lưu trữ những hồ sơ liên quan đến cá nhân, các dự án thì phóng viên phải lên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương.” Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực giải thích rằng chỉ muốn tìm hiểu về các thửa đất, nền đất nằm trong khuôn viên Dự án chứ không hề tìm hiểu về Dự án. Nhưng bà Giám đốc Nhung vẫn kiên quyết không cung cấp thông tin cho báo chí (?). Mặc dù trước đó, khi làm việc với phóng viên, cán bộ địa chính của UBND phường Thuận Giao khằng định: “Việc lưu giữ thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Thuận An quản lý”. Cũng tại một văn bản của UBND phường Thuận Giao nêu rõ: “Về hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...thì UBND phường Thuận Giao không lưu giữ thông tin, giấy tờ. Việc lưu giữ thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Thuận An quản lý. Về hồ sơ pháp lý hiện nay của Dự án Khu dân cư Hòa Lân thì UBND phường không xác định được...”. Như vậy liệu rằng, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Thuận An có đang né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí? Hay tại đây đang cũng có thêm một “góc khuất” nào đó phía sau Dự án Khu dân cư Hòa Lân nên không thể cung cấp thông tin?. Vậy việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý về đất đai, về dự án có thực sự được hiểu và áp dụng đúng theo các luật liên quan như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (?)

Thực chất trong xã hội hiện nay, có rất nhiều trường hợp là tổ chức, cá nhân khi “có vấn đề” mà báo chí hỏi tới thì đã dùng những chiêu trò “đá bóng” trách nhiệm và không hợp tác với cơ quan báo chí.? Mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã xác định Báo chí Cách mạng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng quyền tiếp cận thông tin của bảo chí đang bị nhiều nơi gây khó khăn trong việc tiếp cận thông tin chính thống để đưa ra những phân tích, phản biện chuyên sâu về một sự việc. Có lẽ, đã đến lúc sự việc xung quanh Dự án Khu dân cư Hòa Lân cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận liên quan. Hy vọng từ những thông tin báo chí, sẽ góp phần nho nhỏ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước và toàn xã hội.

Nguyễn Hân và nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0