TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hạn chế nhập siêu thông qua thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

22:46 10/06/2021
Logo header Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Chính phủ lấy ý kiến dự án Luật Phát triển công nghiệp với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP lên 25% vào năm 2025.

Nhập siêu là khái niệm dùng mô tả tình trạng cán cân thương mại có giá trị nhỏ hơn 0. Nói theo cách khác thì khi kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong một thời gian nhất định, đó là nhập siêu. Nhập siêu là hiện tượng phổ biến ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng mở. Xét trên nhiều phương diện, nhập khẩu ở một chừng mực nào đó sẽ có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các nước trong giai đoạn đang phát triển. Tuy nhiên, nhập siêu quá cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội

Tác động của nhập siêu đối với kinh tế, xã hội

Đối với kinh tế, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc trang thiết bị cao cấp giúp nâng cao trình độ kỹ thuật, tiếp cận trình độ phát triển cao của thế giới, nhờ đó tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Hàng nhập khẩu trong nhiều trường hợp tạo môi trường cạnh tranh kích thích sản xuất trong nước hoàn thiện và phát triển. Nhập khẩu từ nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế giúp cải thiện mau chóng hạ tầng cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Đối với xã hội, việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, sản phẩm khoa học và văn hóa còn góp phần phát triển nguồn nhân lực và nâng cao mức sống người dân. Nhập khẩu từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp chẳng những góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống xã hội.

Bên cạnh tác động tích cực, tình trạng nhập siêu liên tục trong nhiều năm cũng mang đến những tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Giới chuyên gia kinh tế đã phải phát đi cảnh báo những hiểm họa của tình trạng nhập siêu lớn. Chẳng hạn, nhập khẩu tràn lan vượt quá kiểm soát của chính phủ sẽ dẫn tới hiện tượng lãng phí ngoại tệ, tác động xấu đến sản xuất trong nước. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng “sính ngoại”, khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn. Quan trọng hơn, nhập siêu thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, khiến các chính phủ phải gia tăng vay nợ bằng cách phát hành thêm trái phiếu. Trong một thời gian dài, nhập siêu sẽ khiến con số nợ công của một nước ngày càng tăng vì suy cho cùng các nước đều phải dựa vào xuất khẩu để trả nợ và lãi.

Nhập siêu có thể được coi là nhân tố gây nên khủng hoảng. Một số nhà chuyên môn cho rằng nhập siêu lớn là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 - 1998. Như tại Hy Lạp, nước nhập siêu tới 13,5% GDP (năm 2009), dẫn đầu top các nền kinh tế bị nhập siêu tính theo tỷ lệ với GDP. Nước này đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất châu  u kể từ đầu năm 2010 và cho đến nay vẫn chưa cải thiện tình hình, dù đã nhận được các gói ứng cứu từ bên ngoài. Một nghiên cứu dựa trên những dữ liệu từ 25 nước có mức nhập siêu và xuất siêu lớn nhất thế giới (trong giai đoạn 2009 - 2010) đã chỉ ra tỷ lệ tác động tới thị trường việc làm của tình trạng nhập siêu dao động từ 60 - 72%. Những nước nhập siêu cao có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và ngược lại. Tại Hoa Kỳ là nước có mức nhập siêu tính theo giá trị USD lớn nhất thế giới, với 633 tỷ USD (năm 2010), lớn hơn giá trị kim ngạch nhập siêu của tất cả các nước nhập siêu trong top 10 cộng lại(trừ Hoa Kỳ). Nước này có tỷ lệ thất nghiệp 9,6% (tại thời điểm thực hiện nghiên cứu). Trong khi đó, Trung Quốc có Thặng dư thương mại tới 296 tỷ USD vào năm 2009 cũng có tỷ lệ thất nghiệp tới 4,3%.

Tại Việt Nam, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD, lũy kế 5 tháng nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD. Việt Nam được ghi nhận nhập siêu từ Trung Quốc tới 23,2 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu từ Hàn Quốc 12 tỷ USD, tăng 23,1%, nhập siêu từ ASEAN 6,6 tỷ USD, tăng 171,6%. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ một số thị trường đã khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất rất khó khăn trong những tháng đầu năm 2021. Điển hình là ngành thép. Theo đó giá thép trong nước thời gian gần đây tăng mạnh gần 50% là hệ quả của việc phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đáng lo ngại, tình trạng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu không chỉ xuất hiện tại 1 lĩnh vực mà ở lĩnh vực nông nghiệp như chế biến điều, chế biến gỗ. Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam cũng đã nhập tổng cộng gần 1,2 triệu tấn hạt điều thô với trị giá lên tới 1,9 tỷ USD, tăng 300% về lượng và tăng 323,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng điều thô nhập khẩu sau 4 tháng đầu năm 2021 đã gần bằng tổng nhập khẩu cả năm 2020 (1,45 triệu tấn). Trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0%. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%, nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%, nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến “bóng ma” nhập siêu trở lại.

Cần một hành lang pháp lý và chế tài phù hợp

Để giải quyết những vấn đề tồn tại nói trên, Bộ Công Thương mới đây cho biết đã lấy ý kiến về dự thảo đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có 1 điều quy định chi tiết về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo Bộ Công Thương, hiện các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực, điển hình như ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID - 19 đến khu vực sản xuất vừa qua. Bộ cũng cho rằng, việc thiếu một hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh khiến cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vừa thiếu sự đồng bộ và tính liên kết, vừa không phát huy hết được tiềm năng của ngành. Vì vậy, với sự ra đời của Luật Phát triển công nghiệp, cùng trọng tâm điều chỉnh là chế biến, chế tạo sẽ tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh giúp cho ngành này phát triển theo các chỉ tiêu đã xác định, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Theo Tờ trình Dự luật, mục tiêu xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước xây dựng và triển khai có hiệu quả các định hướng, chương trình phát triển công nghiệp nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển kinh tế; xây dựng mô hình quản lý nhà nước thống nhất và đủ mạnh về phát triển công nghiệp cũng như khắc phục các điểm yếu nội tại của công nghiệp Việt Nam.

Khác với các đạo luật về các ngành công nghiệp hiện tại (như các ngành điện lực, dầu khí, khoáng sản, hóa chất), Luật Phát triển công nghiệp (điều chỉnh các hoạt động phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo) sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh. Luật này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng - địa phương. Đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật phát triển công nghiệp quy định về các chính sách, hoạt động phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Riêng các ngành khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Cũng theo Bộ Công Thương, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có Luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, và giữa các bộ, ngành liên quan. Do đó, việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng điều chỉnh), mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đoàn Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0