TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hàng giả nhưng tác hại là thật

15:22 08/10/2020
Logo header Chống hàng giả, hàng kém chất lượng là cụm từ quá quen thuộc mà các cơ quan có chức năng, dư luận, báo chí và các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến trong nhiều năm qua. Với kỹ thuật làm giả tinh vi, những sản phẩm này giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu và được bày bán công khai ở các chợ, các cửa hàng thậm chí là các trung tâm thương mại lớn.

Những sản phẩm của các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới có dấu hiệu bị làm giả được bày bán công khai

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính các tổn thất do hàng giả gây ra đã khiến nền kinh tế toàn cầu mất khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Ở Việt Nam, tình trạng hàng giả chiếm lĩnh thị trường đã diễn ra một thời gian khá dài, rất nhiều các nhãn hiệu lớn đang là nạn nhân của tình trạng này. Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 50.000 vụ buôn bán, sản xuất hàng giả và đã thu nộp ngân sách nhà nước trên 170 tỷ đồng. Riêng tháng 8/2020, phát hiện, xử lý 11.302 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước là trên 16,4 tỷ đồng. Hiện nay hàng giả kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn và cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Một số mặt hàng nổi cộm trong thời gian qua bao gồm có thực phẩm, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô - xe máy, mặt hàng tiêu dùng, thời trang… Tình trạng hàng giả đã làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi, phức tạp. Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua mạng xã hội và các trang thương mại điện tử càng khiến cho công tác quản lý kiểm tra và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn. Việc sản xuất, buôn bán hàng giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa trong nước, môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng: mặt khác việc kiểm tra, xử lý không thích đáng sẽ gây nên tình trạng ách tắc sản xuất, tiêu thụ và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chống những hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 đối với hình vi sản xuất, buôn bán hàng giả  sẽ bị xử phạt cao nhất là 01 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Năm 2014, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hay còn được gọi là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Ban chỉ đạo là cơ quan liên ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An. Tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tỉnh đều có ban chỉ đạo cấp tương đương. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương như ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa... đã bị phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt mới đây, vào tháng 7/2020, lực lượng liên ngành đã tấn công, triệt phá kho hàng lậu có diện tích hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai gây rúng động dư luận thời gian vừa qua với giá trị tổng sản phẩm rất lớn. Các sản phẩm trên thị trường hiện nay đang bị làm giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nếu người tiêu dùng chỉ phân biệt bằng cảm quan thông thường sẽ rất khó để có thể nhận biết trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Các cơ quan chức năng thì cũng đã nỗ lực rất nhiều với những đợt kiểm tra liên tục và nhiều hình thức xử phạt rất nặng, nhưng vì những lợi ích trước mắt nên nhiều đơn vị, cá nhân vẫn cố tình sản xuất và buôn bán các loại hàng giả. Ngay tại Hà Nội không khó để có thể tìm được những nơi bày bán công khai các loại sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả tại các chợ, các cửa hàng. Những sản phẩm này mang cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Chanel, YSL, Dior… và giá chỉ từ 200.000 đến 500.000 nghìn đồng. Khi được hỏi những sản phẩm này được sản xuất từ đâu thì được một trong các tiểu thương trả lời rằng đây là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang gây ra những hậu quả to lớn đối với Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người tiêu dùng. Hàng ngày các cơ quan báo chí, truyền hình vẫn đưa tin về tình hình hàng giả để cảnh báo người tiêu dùng và một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất ở Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Theo các bác sĩ da liễu, tác hại của mỹ phẩm không chỉ không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, mà nguy hiểm hơn có thể trực tiếp gây ra hậu quả tai hại cho thẩm mỹ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong những sản phẩm làm giả thường chứa các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng, làm tổn thương da khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chứ mưng mủ và còn có khả năng gây ung thư da. Không ít chuyên gia và bác sĩ đã cảnh báo về các loại hàng giả có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân vượt quá mức quy định gây nên biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư… Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề đối với sức khỏe của người dân, nhà nước thất thu và lợi nhuận doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vô tình hay cố ý, người tiêu dùng đang vô tình tiếp tay cho những đơn vị sản xuất, buôn bán những loại hàng chất lượng kém này. Với tâm lý thích mua sắm hàng rẻ mà vô tình bỏ qua chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng còn bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất  và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này cũng gây ra sự khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý vấn nạn này. Thiết nghĩ người tiêu dùng cần tìm hiểu về chất lượng, giá cả và tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm, chọn lựa những công ty uy tín, hàng hóa được các cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng bằng văn bản rõ ràng theo quy định của pháp luật, trở thành “người tiêu dùng thông thái”.

Trên thị trường xuất hiện hàng giả tất cả các lĩnh vực: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử, đồ gia dụng, rượu bia… Các doanh nghiệp đã có trách nhiệm phối hợp với nhiều ban ngành cùng giải quyết vấn nạn này. Thiết nghĩ doanh nghiệp là nơi trực tiếp sản xuất ra hàng hóa và chịu tổn thất nặng nề khi bị giả phải luôn ý thức xây dựng cho mình một chiến lược chống hàng giả như một chiến lược quan trọng trong sản xuất - kinh doanh và đặc biệt phải xem nó như một văn hóa của công ty mình. Đối với sản phẩm của đơn vị sản xuất cần đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của mình lên Cục sở hữu trí tuệ để được bảo vệ quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu bởi sau khi đã đầu tư rất nhiều ngân sách vào việc nghiên cứu, phát triển và gây dựng hình ảnh sản phẩm mới nhưng những đối tượng làm giả là đang ngang nhiên được hưởng lợi. Để có thể phát hiện hàng giả doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới để có thể giúp khách hàng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và kết hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành rà soát, phát hiện sớm những sản phẩm bị làm giả để bảo vệ được người dân trước những sản phẩm có thể gây hại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân doanh nghiệp, góp phần giúp cho Nhà nước quản lý được hiệu quả hơn. 

Để cùng chung tay bảo vệ sức khỏe của người dân trước những vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên gồm Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội, địa phương, khu phố cùng các tầng lớp trong xã hội để đẩy lùi nạn hàng giả. Sự phát hiện, tố giác từ các đơn vị sản xuất hay người dân sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng phát hiện và xử lý để người tiêu dùng có thể được bảo vệ.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0