TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hàng thừa kế thứ Nhất không được chia đất - Trách nhiệm thuộc về ai?

13:28 24/09/2020
Logo header Bố mẹ mất không để lại di chúc mà để lại khối tài sản gồm 2 ngôi nhà trên mảnh đất hơn 2.000 mét vuông. Đột nhiên có một ngày, máy xúc máy đào ào ạt tràn đến quật đổ cây cối, nghiền nát hoa màu, đổ vật liệu xây dựng và định đập luôn cả ngôi nhà đang có di ảnh bố mẹ thờ trong đó, Chị hốt hoảng chạy lên hỏi chính quyền mới biết, di sản này đã bị phân chia bán cho người khác khi chưa có sự nhất trí của chị và người em trai

Chị Hóa bên hồ sơ vụ việc

Đột nhiên mất trắng quyền hưởng thừa kế (?)

Chị Trần Thị Hóa ở thôn 1, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành trình bày: “Cha tôi là ông Trần Quốc Cảnh và mẹ Lê Thị Duy định cư trên thửa đất số 34, tờ bản đồ 3, diện tích 2.210 m2 tại xóm 1, xã Bảo Thành được cấp GCNQSD đất số 88 ngày 12/04/1995. Bố mẹ tôi sinh được 04 người con là Trần Quốc Quý (SN 1974), và tôi là Trần Thị Hóa (SN 1978), Trần Quốc Hòa (SN 1984 - mất khi còn nhỏ), Trần Quốc Bình (Sinh năm 1989). Tôi đi lấy chồng xa, em Bình vào Nam định cư, anh Quý ở riêng tại một mảnh đất khác nên chỉ còn lại bố mẹ tôi ở trên mảnh đất này trong ba gian nhà lớn và hai gian nhà bếp cấp bốn. Năm 2000, bố tôi mất, năm 2012 mẹ tôi qua đời đều không để lại di chúc. Anh Quý tôi qua đời năm 2017 có vợ và hai người con là Trần Quốc Cường, Trần Văn Mạnh. Mảnh đất bố mẹ để lại chúng tôi trồng cây ăn quả thay nhau trông nom. Tháng 6/2020, tôi về thắp hương cho bố mẹ thì phát hiện chị Nguyễn Thị Hồng Thu ở khối 4 thị trấn Diễn Châu đang phân lô, cắm mốc trên đất của bố mẹ tôi. Khi bị tôi và chồng tôi ngăn cản, chị Thu cho biết: “Đây là các Thửa đất 565, 567, 568 được Trần Quốc Cường bán cho tôi, nên tôi có quyền cắm mốc, phân lô”. Hoảng hồn, tôi chạy lên báo UBND xã thì được xã cho biết: Đất bố mẹ chị đã được các đồng thừa kế cùng ký văn bản phân chia từ năm 2016 thành 4 thửa: Thửa 565 diện tích 456m2 mang tên Trần Văn Mạnh; Thửa đất số 566 diện tích 440m2 mang tên Trần Quốc Cường; Thửa đất 567 diện tích  912m2 mang tên Trần Quốc Bình. Thửa đất số 568  diện tích 1137m2 mang tên Trần Quốc Quý, rồi họ chìa ra cho tôi xem một bản phân lô đất bố mẹ tôi thành 4 phần do ông Hoàng Văn Trọng - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Thành ký tên đóng dấu trong đó không hề thể hiện có 2 ngôi nhà và cây cối hoa màu. Như vậy, anh Quý tôi và 2 con anh được 3 phần, em Bình được một phần, tôi không được phần nào và bố mẹ tôi cũng không được phần nào để làm nơi thờ tự. Tôi vội điện thoại cho em Bình, em hoảng hốt bảo: “Năm 2016 đến nay em có về quê đâu mà phân với chia” Tôi và em  Bình làm đơn gửi UBND xã Bảo Thành khiếu nại: “Các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất chưa làm văn bản phân chia di sản thừa kế cha mẹ để lại, tôi không ký, em Bình không ký, vì sao đã được tách ra làm 04 thửa đất khác nhau?”. Ngày 29/07/2020, tôi nhận được thông báo số 01/UBND trả lời: “Bà Hóa làm đơn kiến nghị không có cơ sở vì tất cả đều đã ký vào bản phân chia thừa kế. Chị Thu mua 3 thửa đất của anh Cường là đúng quy định pháp luật. Việc bà Hóa cản trở chị Thu đến cắm mốc phân lô là vi phạm pháp luật. Giao đồng chí Vinh (địa chính) có báo cáo chi tiết về huyện, Thường trực Đảng ủy về việc lập hồ sơ chuyển nhượng thừa kế đất từ ông Cảnh,  bà  Duy cho con cháu trong gia đình”. Tuy nhiên hiện nay, chị Thu vẫn thuê máy xúc đến phá toàn bộ cây cối, phá cả sân nhà và đang định phá luôn nhà thờ bố mẹ tôi mà không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền địa phương...

Máy xúc đang phá sân phơi tiến sát ngôi nhà thờ

Hồ sơ lên tiếng

Sáng ngày 17/09/2020, chúng tôi có mặt tại UBND xã Bảo Thành, ông Nguyễn Hữu Chung - Chủ tịch UBND xã đi họp vắng, chị  cán bộ Văn phòng cho biết: Liên quan đến bộ hồ sơ đất ông Cảnh năm 2016, bác Lương cán bộ tư pháp nay đã về hưu còn bác Phan Văn Mạnh - Phó Chủ tịch ký hồ sơ thì nay lại đang tai biến mạch máu não. Chạy lên mảnh đất đang tranh chấp, chúng tôi chứng kiến một chiếc máy múc đang ngoạm dần các lớp bê tông trên sân nhà cụ Cảnh, tiến dần đến ngôi nhà. Toàn bộ cây cối đã bị đốn ngã chất thành đống, hai chiếc xe con sang trọng có 5 người đang chỉ huy chiếc máy xúc làm việc hết công suất mặc chị Hòa, chồng chị Hòa, và bà Năm (Em ruột ông Cảnh) ra sức ngăn cản. Phía trong ngôi nhà nhỏ cấp 4, bàn thờ có di ảnh của cụ Cảnh, cụ Duy vẫn bốc hương nghi ngút. Nhận thấy nguy cơ ngôi nhà thờ này sẽ bị đập nát nên chúng tôi vội cầu cứu ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông cho biết: “Tôi sẽ chỉ đạo anh Chung trước mắt lập biên bản đình chỉ, giữ nguyên hiện trạng”. 

Văn bản phân chia tài sản thừa kế và văn bản từ chối nhận thừa kế mà chị Hóa không  ký nhưng vẫn có tên ký (?)

Tiếp xúc với bộ hồ sơ phân lô tách thửa do Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp, chúng tôi thật sự giật mình khi không hiểu vì sao việc phân chia di sản lại trót lọt (?) để phân lô chia thành 4 phần, UBND xã Bảo Thành, Văn phòng ĐKQSDĐ dựa vào: “Văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế” của bà Trần Thị Hóa và “Văn bản phân chia tài sản thừa kế của những người thừa kế theo pháp luật”. Văn bản này được lập khi 2 cụ đã mất, di sản họ để lại là mảnh đất 2210 m2, 2 ngôi nhà và cây cối. Như vậy đây phải là “Văn bản phân chia Di sản” không thể là phân chia tài sản. Đầu văn bản viết: Chúng tôi gồm Trần Quốc Quý, Trần Thị Hóa, Trần Quốc Bình, Trần Quốc Cường, Trần Văn Mạnh là những người thừa kế theo pháp luật của ông Cảnh, bà Duy… Phía dưới văn bản phần “Những người thừa kế ký tên” anh Cường, anh Mạnh cùng ký. Như vậy, người chứng thực văn bản này đã xác định sai hàng thừa kế. Anh Cường, anh Mạnh là con ông Quý thuộc hàng thừa kế thứ 2 không thể đứng ngang hàng với bố mình (hàng thừa kế thứ nhất). Hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn 3 người và chỉ họ mới có quyền phân chia. Nội dung văn bản ghi: “Chúng tôi thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế của ông Quốc bà Duy để lại như sau: Thửa 568 ông Quý nhận, thửa 565 ông Mạnh nhận, thửa 566 ông Cường nhận, thửa 567 ông Bình nhận thừa kế”,  Vậy họ đang phân chia cái gì? Bốn thửa đất này từ đâu ra khi di sản thừa kế chỉ  là thửa đất số 34, tờ bản đồ 3, diện tích 2.210m2 được cấp bìa đất số 88 ngày 12/04/1995 mang tên Trần Quốc Cảnh. Mà thửa đất hơn hai ngàn mét này hoàn toàn không được nhắc đến trong văn bản này?. Cho dù trước đó, mảnh đất này đã được  ai đó đo, vẽ thì cũng chưa có sự nhất trí của các đồng thừa kế và phải xác định được nguồn gốc sinh ra 4 lô đất này. Trên văn bản này có chữ ký của bà Hóa nhưng bà Hóa khẳng định không phải chữ ký của bà, ông Bình cũng bảo mình không ký. Việc đây có phải là chữ ký của ông Bình, bà Hóa hay không cần phải qua công tác thẩm định, nhưng việc bà Hóa không lên ủy ban chứng thực là có thật vì chính trong lời chứng trên văn bản này, Phó Chủ tịch Phan Văn Mạnh ghi cụ thể: “Văn bản phân chia thừa kế này được lập giữa các ông/bà: Quý, Bình, Cường, Mạnh..” hoàn toàn không có sự có mặt của bà Hóa. Phần tiếp theo ông ghi: “Sau khi thực hiện niêm yết nội dung phân chia tài sản thừa kế tại trụ sở UBND xã từ ngày 3/9/2016 đến ngày 3/10/2016”. Tuy nhiên văn bản này các đồng thừa kế lập ngày 3/10/2016. Vậy là văn bản phân chia được lập sau khi được UBND niêm yết một tháng (?)

Ngôi nhà, nơi thờ cụ Cảnh nằm trên thửa đất cụ Cảnh để lại cho các con cháu đang bị  xâm phạm

Nói về “Văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế” thì càng vô lý hơn. Mặc dù chị Hóa khẳng định chị không làm văn bản này, nhưng bản thân văn bản này cũng… không giống ai. Tại phần: Tôi là người nhận thừa kế theo pháp luật của ông/bà, chỉ viết tên ông Cảnh không có tên bà Duy, nghĩa là chị Hóa chỉ từ chối phần của bố còn nhận phần của mẹ. Vậy phần của mẹ dành cho chị Hóa đâu?. Phần Nội dung viết: “Tài sản mà tôi nhận thừa kế là thửa đất số 565,566,567,568 tờ bản đồ số 14, diện tích (để trống). Các tài sản khác không có”.

Như vậy, cả 2 văn bản trên đều trái với quy định cả về nội dung lẫn hình thức: Nội dung không cụ thể, di sản thừa kế phân chia không có địa chỉ, không có diện tích, không có tứ cận, không có luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối tượng của văn bản bị xác định sai hàng thừa kế, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không được cùng phân chia di sản (?!)

Thiết nghĩ, UBND xã Bảo Thành và các cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc huyện Yên Thành cần nhanh chóng vào cuộc giải quyết vụ việc, tránh trường hợp cái sảy nảy cái ung. 

Nguyễn Đình - Kim Cương
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0