TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hiểu đúng về Vaccine phòng COVID – 19

22:18 10/06/2021
Logo header Vaccine (hay còn gọi là vắc xin) là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Vắc xin chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (được gọi là kháng nguyên). Điều này chứng tỏ các kháng nguyên không thể tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, nhưng chúng kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.

Chúng ta có thể hiểu đơn giản về vắc xin như sau: Vắc xin là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các vi rút hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, hay bị bất hoạt, giết chết) dùng để kích thích cơ thể tạo miễn dịch, đặc hiệu chủ động, nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Vắc xin kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch “bắt chước” giống như nhiễm trùng tự nhiên. Nhưng vắc xin có chứa tác nhân gây bệnh đã được làm yếu đi hoặc đã bị bất hoạt, nên nó không thể gây bệnh. Khi vắc xin được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện nó như là “vật lạ”, kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, giống như nhiễm trùng tự nhiên. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần. Có thể gây nên một số triệu chứng nhẹ như sốt. Nhưng đây là biểu hiện bình thường và được coi như là dấu hiệu đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Sau khi quá trình nhiễm trùng “bắt chước” này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi gặp lại các tác nhân gây bệnh trong những lần sau, giúp cho cơ thể chủ động sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.

Vắc xin rất an toàn. Nếu không tiêm hoặc dùng vắc xin, cơ thể người còn có thể bị tổn hại về sức khỏe hơn nhiều do một bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Tất cả vắc xin đều được kiểm tra độ an toàn một cách nghiêm ngặt, bao gồm cả các thử nghiệm lâm sàng, trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi. Các quốc gia sẽ chỉ đăng ký và phân phối vắc xin đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng và độ an toàn. Có một số quan điểm như vắc xin có thể làm quá tải hệ miễn dịch của cơ thể. Nhưng cơ thể chúng ta tiếp xúc với hàng trăm loại vi trùng, vi khuẩn hàng ngày. Thực tế là, bị cảm lạnh hay đau họng sẽ tạo áp lực lớn hơn đến hệ miễn dịch của bạn hơn là tiêm chủng. Vắc xin COVID - 19 có khả năng bảo vệ giống như các vắc xin khác, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T “ghi nhớ” cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi-rút trong tương lai. Thông thường, vài tuần sau khi tiêm chủng, cơ thể mới sản sinh ra tế bào lympho T và lympho B. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh COVID - 19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin rồi sau đó bị bệnh do vắc xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch.

Vắc xin AstraZeneca được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Vương quốc Anh)

Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID - 19 cho Vắc xin AstraZeneca. Đây là vắc xin COVID - 19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin phòng COVID - 19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ con người trước tác nhân gây bệnh COVID - 19 từ 62% - 90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng. Kết quả chứng minh hiệu lực của vắc xin đạt được 76% sau một liều đầu tiên, và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 82%. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm sự lây truyền không triệu chứng của virus, dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu lâm sàng của vắc xin phòng COVID - 19 của AstraZeneca cũng đã chứng minh được tính an toàn của loại vắc xin này, khi không ghi nhận bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Theo hãng AstraZeneca, vắc xin phòng COVID - 19 của họ tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, cũng như gây ít phản ứng phụ ở người lớn tuổi. Cũng theo Ông Mene Pangalos - Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu & Phát triển Dược phẩm Sinh học tại AstraZeneca khẳng định sau một phân tích chính về hiệu lực dựa trên tổng 17.177 đối tượng tham gia trong các thử nghiệm pha III ở Anh, Brazil và Nam Phi do Đại học Oxford và Astrazeneca triển khai cho biết: “Vắc xin của chúng tôi giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân không phải nhập viện. Ngoài ra, kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều không chỉ làm tăng hiệu lực của vắc xin mà còn cho phép nhiều người được tiêm phòng sớm hơn. Với những phát hiện mới về việc giảm lây truyền, chúng tôi tin rằng vắc xin này sẽ có tác động thật sự đến đại dịch”.

Vào đầu tháng 6 vừa qua Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Sputnik V phòng COVID - 19 trong năm 2021. Sputnik V là vaccine ngừa COVID - 19 do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Vắc xin Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus, là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng trong mỗi liều 0,5ml thành phần I (mũi tiêm 1) có chứa (1,0 - 0,5) x 1011 hạt vi rút Adeno typ huyết thanh 26 của người tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2. 1 - Mỗi liều 0,5ml thành phần II (mũi tiêm 2): Chứa (1,0 - 0,5) x 1011 hạt vi rút Adeno typ huyết thanh 5 của người tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2. Trước đó, Tại Quyết định số 1654/QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ban hành phê duyệt có điều kiện đối với vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V) của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID - 19 theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (Nghị định 54/2017/NĐ-CP).

Trong ngày 03/6, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cũng ký phê duyệt có điều kiện vắc xin Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID - 19. Đây là vắc xin do Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất. Mỗi liều 0,5ml chứa 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt. Bên cạnh đó, Bộ Y Tế cũng đã và đang nỗ lực làm việc với Jonhson & Jonhson về cung ứng vắc xin COVID - 19 cho Việt Nam. Tại buổi làm việc ngày 4/6 gần đây, phía Johnson & Johnson cam kết sau cuộc làm việc với Bộ Y tế, Johnson & Johnson sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng vắc xin của Johnson & Johnson qua cơ chế COVAX, làm sao để Việt Nam có vắc xin của Johnson & Johnson sớm nhất; đồng thời phía Johnson & Jonhson cũng cho biết đã có kế hoạch để nộp hồ sơ đăng ký vắc xin Jonhson & Jonhson tại Việt Nam.

Bác Đẩu sống tại Hải Dương - Người dân đã được tiêm vắc xin cho biết: “Sau khi tiêm vắc xin tôi có biểu hiện ốm mệt và có đôi chút khó chịu, tuy nhiên đây là biểu hiện tạm thời. Hầu hết những triệu chứng này đều được kiểm soát sau khi tôi sử dụng khăn lạnh đắp lên nốt tiêm. Một số tin đồn về việc tiêm vắc xin ngừa COVID - 19 sẽ khiến người tiêm bị nhiễm từ, nhưng tôi hoàn toàn không thấy có biểu hiện này. Theo tôi được biết thì toàn bộ vắc xin ngừa COVID - 19 đều không chứa kim loại như sắt, ni-ken, co-ban, li-ti và hợp kim đất hiếm cũng như các sản phẩm chế tạo như vi điện tử, điện cực, ống na-nô các-bon và chất bán dẫn dây na-nô nên sẽ không gây ra hiện tượng nhiễm từ cho cở thể người tiêm. Vắc xin cũng sẽ không làm thay đổi hay ảnh hưởng đến ADN của mọi người theo bất kỳ cách nào nên mọi người có thể an tâm sau khi tiêm vắc xin”

Nếu trong cộng đồng bạn sinh sống có đủ số người được tiêm chủng một bệnh nào đó, thì cộng đồng đó có thể đạt tới mức độ miễn dịch cộng đồng. Khi cộng đồng được miễn dịch, dịch bệnh không thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác vì phần lớn mọi người đã được miễn dịch. Miễn dịch cộng đồng tạo ra một tầng bảo vệ chống lại bệnh cho cả những người chưa được tiêm chủng. Miễn dịch cộng đồng có thể phòng ngừa, ngăn chặn bùng phát và lây lan dịch bệnh. Bệnh ngày càng hiếm xảy ra và thậm chí có thể hoàn toàn biết mất không còn tồn tại trong cộng đồng.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0