TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Hiệu quả kép trong chương trình phổ biến kiến thức dạy và học online

13:58 15/04/2020
Logo header Làm thế nào để dạy học online hiệu quả là câu hỏi mà các giáo viên ở nhiều cấp khác nhau, từ mẫu giáo đến đại học đang trăn trở tìm lời giải đáp. Dạy học online đòi hỏi người giáo viên phải liên tục vận động, cập nhật các nền tảng ứng dụng mới để thiết kế bài giảng thật hấp dẫn và hiệu quả?. Trước diễn biến của dịch bệnh đang hết sức phức tạp, một nhóm giáo viên đã chia sẻ cách dạy học online của mình; đồng thời kêu gọi người tham gia ủng hộ quỹ phòng chống Covid 19 của Ủy ban TW Mặt Trận tổ quốc Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là “Đại dịch toàn cầu” với tác nhân là virus SARS-CoV-2 truyền nhiễm ra cộng đồng gây thiệt hại và nguy hiểm đến tính mạng con người trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2019, với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người bị mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân. Hiện nay, trên toàn thế giới đã có gần 2 triệu ca nhiễm Covid-19 (số liệu ngày 14/04/2020) được xác nhận trên toàn cầu với trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là một trong những nước được ghi nhận có các biện pháp triển khai mạnh mẽ để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh thông qua việc Chính phủ đã đưa ra những quyết sách hiệu quả, kịp thời trong đó có biện pháp cách ly xã hội, nhằm tránh tụ tập đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành trên cả nước đã lần lượt cho học sinh, sinh viên nghỉ học liên tục từ sau Tết nguyên đán. Việc làm này đã phần nào giúp kiểm soát được mức độ lây nhiễm trong cộng đồng xã hội, nhưng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kiến thức và tâm lý của học sinh, sinh viên ở các cấp học. Chính vì vậy, việc học online được áp dụng, ban đầu chủ yếu triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, đến nay đã được nhân rộng gần như tới tất cả các địa phương trên toàn quốc, đòi hỏi giáo viên phải “chuyển mình” từ phương pháp dạy truyền thống sang phương pháp dạy online.

Phương thức dạy học online quá mới nên gặp muôn vàn khó khăn

Theo phương thức, phương pháp dạy học truyền thống thì các bước lên lớp cũng như phương pháp sư phạm, những đề tài sáng kiến kinh nghiệm luôn được các thầy, cô giáo trau dồi và đổi mới nhằm truyền tải tốt nhất kiến thức cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó phương pháp tâm lý lứa tuổi cũng luôn được chú trọng. Trong hoàn cảnh hiện nay khi thực hiện cách ly xã hội, để đảm bảo nuôi dưỡng kiến thức, ý thức học tập cho học trò, các thầy cô buộc phải triển khai phương pháp dạy học online. Do cách thức mới mẻ khiến việc dạy học online tạo ra không ít khó khăn đối với cả thầy và trò. Học online đòi hỏi phụ huynh và học sinh phải cài đặt một số nền tảng phần mềm tin học để trao đổi nội dung giữa thầy và trò, mỗi thành viên tham dự đều phải có thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại công nghệ có kết nối mạng internet ổn định, có tài khoản email…Một số nền tảng khá cơ bản hiện nay đang được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam cũng như thế giới như ứng dụng phầm mềm Zoom Meeting, Skype, Google Classroom, Microsoft Teams…nhưng để biết cách sử dụng các ứng dụng này thì “không hề đơn giản”. Anh Minh – một phụ huynh có con học lớp 3 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự: “Khi cho con học online, tôi phải xem đi xem lại các video hướng dẫn của youtube, tải phần mềm vào máy tính của hai vợ chồng và tự kết nối trước để kiểm tra, nhiều khi âm thanh bị mất tiếng, mất hình ảnh giáo viên chia sẻ, con khóc dở mếu dở đòi bố mẹ xử lý mà bố mẹ không biết phải làm sao, phải mất 2 tuần thì chúng tôi mới biết sử dụng thành thạo”.

Đối với học sinh lớp lớn có hiểu biết công nghệ và chủ động hơn thì việc sử dụng cũng không hề đơn giản, Thiên Hương – học sinh lớp 8 tại Thừa Thiên Huế cho rằng “Để tụi con học tốt, thì các Thầy/Cô phải là người thành thạo công nghệ, lớp con các bạn vừa học vừa để mic nói chuyện, rồi có bạn bị bố mẹ mắng cũng để mic cả lớp nghe thấy, giáo viên của con mất khá nhiều thời gian để tắt các âm thanh lộn xộn trong giờ học”.

Đối với giáo viên, sự khó khăn còn nhân lên gấp bội, đa phần giáo viên quen thuộc với “phấn trắng, bảng đen” nhưng nay cũng không khác gì học sinh, phải tìm hiểu các phần mềm công nghệ và ứng dụng thành thạo để kết nối với học sinh tham gia lớp học. Một số trường chọn sẵn các nền tảng ứng dụng, yêu cầu học sinh và giáo viên sử dụng đồng bộ, tuy nhiên có những nơi thì giáo viên phải tự mày mò và tìm kiếm trên internet các hình thức dạy học phù hợp nhất. Nhiều thầy cô giáo các bộ môn xã hội cũng phải “vã mồ hôi” với các ứng dụng, không phải vì ứng dụng khó thao tác, sử dụng mà vì trong mỗi ứng dụng còn có vô vàn các công cụ ứng dụng kèm theo, không biết lựa chọn công cụ nào cho phù hợp với điều kiện truyền tải kiến thức giữa thầy và trò. Theo cô Lan Anh - một giáo viên Tiếng Anh ở Bình Dương: “Có quá nhiều ứng dụng để dạy học online, mình không biết các ứng dụng hơn nhau ở điểm nào và sẽ chọn gì, hỏi các đồng nghiệp thì ai cũng mù tịt như mình, lên mạng hỏi thì mình càng rối trí hơn vì nhiều chỉ dẫn quá”. Một số giáo viên tại các địa phương có nền công nghệ internet kém hơn đô thị thì việc sử dụng các công nghệ để dạy học quả thật là vất vả bởi vì nhiều ứng dụng viết bằng Tiếng Anh, các cô vừa làm vừa phải tra từ điển xem từ đấy hướng dẫn gì, một số ứng dụng khác có chế độ Tiếng Việt nhưng không cắt nghĩa được những từ chuyên dụng trong ứng dụng công nghệ thì các thầy cô cũng phải tìm hiểu và trải nghiệm trước khi dùng nên ban đầu cũng rất bỡ ngỡ, thậm chí vì chưa ứng dụng thành thạo nên mất tự tin lại khó khăn. “Mình lúc nào cũng thấy hồi hộp và luống cuống khi dạy online” là tâm sự của cô Hiền – một giáo viên trẻ đến từ Hà Giang.

Dạy học online đòi hỏi người dạy và người học trực tuyến gặp nhau thông qua màn hình máy tính, điện thoại, ipad nên sự hấp dẫn của các bài giảng giảm đi đáng kể. Do đó, việc thiết kế buổi học sao cho thật thu hút lại đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn bài giảng trình chiếu (slide) và ứng dụng một số cách tương tác tạo sự hứng thú đối với học sinh như đối với các ứng dụng game, ứng dụng giao bài tập, ứng dụng kiểm tra bài cũ. Đây chính là nguyên nhân gây ra chướng ngại với rất nhiều giáo viên.

Điểm sáng trong bối cảnh hiện nay đồng hành cùng chương trình thiện nguyện của những người chèo lái con thuyền tri thức

Hiểu được những khó khăn của thầy và trò khi dạy và học online, ngày 09/04/2020 vừa qua, một số lãnh đạo và giáo viên giỏi công nghệ ứng dụng ở trung tâm Tiếng Anh đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến chia sẻ cách thức dạy học online với chủ đề “Dạy tiếng Anh online mùa Covid 19 – Không hề khó”. Diễn giả tham gia Tọa đàm là những người “lành nghề” trong việc sử dụng các công cụ dạy học online tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ với hàng trăm giáo viên khác trên mọi miền tổ quốc về cách thức dạy họconline, cô Đào Cẩm Thủy – Tiến sĩ Marketing, Giảng viên Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội, đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Các diễn giả đều có kinh nghiệm dạy online các cấp từ mầm non đến đại học, sử dụng nhiều công cụ khác nhau nên có so sánh được ưu, nhược điểm của từng công cụ, từ đó hệ thống các công cụ, hướng dẫn cách thức sử dụng của từng loại và khuyến nghị sự phù hợp với từng đối tượng học sinh khác nhau, giúp các thầy cô sáng tỏ hơn trong ma trận thông tin hiện nay” Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn hướng dẫn và thực hành cách thức sử dụng các nền tảng như: Quizizz, Quizlet, Kahoot, Google form…giúp cho các tiết học online đối với học sinh trở nên hấp dẫn, thu hút và tập trung học cao độ hơn. Điểm chạm của buổi tọa đàm là cách thức giải đáp các khó khăn vướng mắc, gợi ý các mẹo và truyền động lực cho các thầy cô giáo ở mọi miền tổ quốc, bỏ qua rào cản và sự e ngại khi dạy học online, tiếp tục truyền kiến thức và lửa nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người.

Buổi tọa đàm không chỉ có ý nghĩa đối với các giáo viên, mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với cộng đồng - nơi mà sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu Tổ quốc được thể hiện mạnh mẽ. Cùng với đó, Ban tổ chức Hội thảo trực tuyến cũng đồng lòng kêu gọi các giáo viên khắp mọi miền cùng chung tay ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Phấn khởi khi tham gia, nhiều giáo viên đã đồng lòng ủng hộ số tiền từ 100,000 VND đến 500,000 VND thông qua hình thức nhắn tin đến đầu số 1407 hoặc chuyển tiền trực tiếp thông qua số tài khoản của Ủy ban TW Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam để cùng đẩy lùi Covid - 19. Cô Thủy vui mừng chia sẻ “Với tiêu chí vì học sinh, vì giáo viên và vì cộng đồng, chương trình đã quyên góp được hơn 17 triệu vào Quỹ ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình như thế nữa để tiếp tục gây quỹ cùng Việt Nam chiến thắng dịch bệnh”.

Hòa chung không khí cả nước đang nỗ lực đối diện và quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, tấm lòng của cô Thủy cũng như Ban tổ chức Hội thảo trực tuyến hướng dẫn dạy và học online; đồng thời kêu gọi chung tay ủng hộ quỹ từ thiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như ngọn lửa thắp sáng, truyền cảm hứng cho hàng triệu thầy, cô giáo trên cả nước. Hiệu ứng này nhằm tôn vinh sự sẻ chia và đồng cảm của nhân dân Việt Nam trước những khó khăn do dịch bệnh. Thông qua bài viết này, Ban tổ chức Hội thảo trực tuyến xin gửi lời cảm ơn tới các thầy, cô - những người lái đò tận tụy luôn trăn trở cho sự nghiệp trồng người, luôn nỗ lực tìm cách truyền tải những kiến thức tốt nhất cho học sinh trong mùa dịch. Và hơn hết, cảm ơn về cách làm rất mới mẻ mang giá trị thực tiễn và nhân văn trong việc gây quỹ ủng hộ, chung tay cùng Việt Nam chống dịch Covid-19. Hi vọng việc làm nhân văn này sẽ tiếp tục được phát triển và nhân rộng.

Loan Nguyễn

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 06 - 20

Bình luận: 0