TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới

18:03 03/09/2020
Logo header Mỗi năm, cứ đến dịp Quốc khánh mùng 2/9, trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông đón Tết Độc lập, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam đều nhớ và luôn khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nền độc lập nước nhà. Đây cũng là một dịp để toàn Đảng, toàn dân nhìn lại những gì đất nước đã trải qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, mở ra một chương sử mới vẻ vang cho toàn thể dân tộc Việt Nam.

Một trong những phòng học của Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành giảng dạy từ tháng 8/1910 đến tháng 02/1911 (Tác giả: Trần Mạnh Thường)

Suốt cả cuộc đời Người đã hiến dâng trọn cho mục tiêu cao cả là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Sự ra đi của Người đã để lại vô vàn thương tiếc trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Bertrand Russell - Nhà triết học và chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình rất nổi tiếng người Anh đã nói những lời cảm động: “Trong thế kỷ 20, hiếm có vĩ nhân nào được như Hồ Chí Minh mà sự ra đi của Người lại lấy của nhân loại nhiều nước mắt đến vậy”. Nhưng dù đã đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân nhiều di sản vô giá mang giá trị nhân văn, cao quý không những cho dân tộc ta mà còn toàn thể nhân loại tiến bộ. Điều này được thể hiện phần nào trong bức điện chia buồn gửi Đảng ta của cố Chủ tịch Cu Ba, Fidel Castro – người bạn thân thiết của Việt Nam: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”. Thật vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam đã để lại cho dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế nhiều di sản tinh thần, tư tưởng, văn hóa vô cùng quý báu, trong đó có di sản ngoại giao Hồ Chí Minh. Thực tiễn cho thấy, hoạt động ngoại giao, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh gắn liền với những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng, củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Di sản ngoại giao Hồ Chí Minh mang bản chất khoa học và cách mạng, là nền tảng, kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, rọi sáng, dẫn dắt quá trình Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Khách sạn Catơn ở Thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh, nơi Nguyễn Tất Thành làm việc năm 1931 (Tác giả: Trần Mạnh Thường)

Thể hiện tình cảm, trách nhiệm và niềm kính yêu đối với Người, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị tỉnh Nghệ An và Nhà xuất Bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách: “Hồ Chí Minh – Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới”. Qua đây nhằm giúp cho mỗi người dân Việt Nam và trên thế giới hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phương diện là nhà hoạt động quốc tế, nhà ngoại giao thiên tài, biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Cuốn sách ra đời sau quá trình nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng với hơn 20 cuộc tọa đàm, cùng sự tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia độc lập nhằm hoàn thiện nội dung một cách tốt nhất có thể. Đây là thành quả của Đề án nghiên cứu, sưu tầm, chắt lọc từ hàng ngàn trang tư liệu và tư liệu ảnh hiện lưu trữ tại nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước. Với số lượng hơn 700 hình ảnh tư liệu quý hiếm, cuốn sách được xuất bản bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, gồm 6 phần: Phần 1: Quê hương, gia đình, tuổi trẻ Hồ Chí Minh; Phần 2: Hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giai đoạn 1911 – 1945; Phần 3: Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954; Phần 4: Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1954 – 1969; Phần 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại; Phần 6: Kế thừa và phát huy di sản ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi phần của cuốn sách được kết cấu thành hai nội dung Dẫn luận và Tư liệu ảnh. Khối lượng ảnh tư liệu được lựa chọn đưa vào cuốn sách tương đối lớn, trong đó có nhiều ảnh tư liệu mới, tái hiện phong phú, sinh động hoạt động quốc tế, hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến năm 1969. Cuốn sách cũng dành một dung lượng thích hợp phản ánh tình cảm thắm thiết, sự tôn vinh của bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu to lớn trong quá trình Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng, phát huy di sản ngoại giao của Người. Trong lời tựa của cuốn sách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Với cách trình bày khoa học dựa trên một khối tư liệu phong phú, nội dung của cuốn sách đã hệ thống, khắc họa sinh động, sâu sắc những hoạt động quốc tế, hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phong phú tư tưởng, nghệ thuật, phong cách ngoại giao đặc sắc của Người; toát lên tình cảm thắm thiết, niềm tin yêu, kính trọng và sự tôn vinh của Đảng ta, dân tộc ta và bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là tài liệu quý giá để kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hình ảnh tư liệu quý giá, cuốn sách không chỉ góp phần vào việc tuyên truyền học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn gìn giữ, phát huy di sản Hồ Chí Minh trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số thành viên phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Phôngtennơblô, đi dạo trên bờ biển Biarít, Pháp ngày 14/6/1946 (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp GiXanhtơni, Tổng Đại diện của Cộng hòa Pháp ở Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 17/10/1954 (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Chặng đường 75 năm phát triển của đất nước là quãng thời gian lịch sử ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của cả quốc gia, dân tộc trên mọi mặt kinh tế - xã hội và vị thế ngày một tăng cao trên trường quốc tế. Có thể thấy rằng, mỗi bước tiến của dân tộc đều có dấu ấn của Vị cha già Dân tộc, toàn Đảng, toàn dân ta luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động, việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi sâu sắc nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh nói riêng vẫn có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của đất nước. Tri thức Xanh xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tư liệu quý giá trong cuốn sách tới quý độc giả.

Nhật Thăng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 26 - 20

Bình luận: 0