TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hội đồng trường đại học tư thục từ góc nhìn mô hình quản trị công ty theo luật doanh nghiệp năm 2020

08:17 06/05/2022
Logo header Thực tiễn Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học tư thục đã đầu tư và đang quản trị theo mô hình công ty cổ phần một cách rõ nét, từ đại hội đồng cổ đông cho đến hội đồng quản trị, từ cổ phần cho đến cổ tức. Cùng xem xét những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai mô hình quản trị này.

Tóm tắt: Thực tiễn Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học tư thục đã đầu tư và đang quản trị theo mô hình công ty cổ phần một cách rõ nét, từ đại hội đồng cổ đông cho đến hội đồng quản trị, từ cổ phần cho đến cổ tức. Cùng xem xét những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai mô hình quản trị này.
Từ khoá: Đại học, quản trị, doanh nghiệp, giáo dục, quản lý, đào tạo
1.    Giới thiệu
Trường đại học tư thục là một trong hai loại hình cơ sở giáo dục đại học được cộng nhận của nước ta hiện nay. Khác với đại học công lập, đại học tư thục có mô hình quản trị riêng. Luật Giáo dục đại học 2018 dù đã sử dụng thuật ngữ “hội nghị nhà đầu tư” và “hội đồng trường” thay thế cho “đại hội đồng cổ đông” và “hội đồng quản trị”, nhưng bộ mô hình quản trị đại học trong trường đại học tư thục vẫn giữ bộ khung như cũ, tương đồng với mô hình công ty cổ phần. Hội đồng trường là một bộ phận quản trị quan trọng trong bộ khung đó.
Về mô hình quản trị công ty cổ phần, tuy khác nhau về cách thức trình bày, nhưng về nội hàm, cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp 2005, 2014, và 2020 đều được thiết kế theo một trong hai mô hình có hoặc không có ban kiểm soát. Đối với mô hình có ban kiểm soát, việc tổ chức quản lý công ty có sự phân công, phân nhiệm và chế ngự lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý, điều hành và kiểm soát. Về mặt lý thuyết, đây là mô hình truyền thống và điển hình của các công ty cổ phần, là bộ máy tổ chức quản lý phù hợp và hiệu quả trong trường hợp công ty cổ phần có sự tham gia đông đảo của các cổ đông khác nhau. Ngược lại, mô hình không có ban kiểm soát chỉ được áp dụng trong trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50%, để tránh cồng kềnh bộ máy. Tuy nhiên, khi đó ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
2. Trường đại học tư thục với quản trị đại học
Trường đại học tư thục là một trong hai loại hình cơ sở giáo dục đại học bao được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2018. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học bao gồm cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục. Nếu cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu, thì cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Trường đại học tư thục bao gồm trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, thực ra thì trong luật thực định hay ngoài thực tiễn đều không có định nghĩa trực tiếp để chỉ khái “trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận”. Mà đối với loại hình đại học này, luật giáo dục đại học cũng chỉ gọi là “trường đại học tư thục” nói chung. Và cũng như vậy, cụm từ “trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận” chỉ xuất hiện khi đặt bên cạnh và để so sánh với “trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”. Còn trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn. Nhà đầu tư của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận cũng không hưởng lợi tức; thay vào đó, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.
Quản trị trường đại học tư thục theo mô hình công ty cổ phần chỉ phù hợp với loại hình trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận. Do đó, đối tượng nghiên cứu của đề tài này không bao gồm trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Như vậy, cụm từ “trường đại học tư thục” trong nghiên cứu này là dùng để chỉ trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận.
Nguyễn Đông Phong & Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2013) cho rằng quản trị đại học là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một trường đại học. Nhà quản trị đại học chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý thông qua việc phân chia trách nhiệm, nguồn lực và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả. Quản trị đại học là những phương cách để những người có thẩm quyền lãnh đạo hướng dẫn và giám sát các mục tiêu và giá trị của nhà trường thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.
3. Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học
Lần đầu tiên “Hội đồng trường” được chính thức đưa ra là trong Điều lệ trường đại học năm 2003, sau đó được thể chế hóa trong Luật Giáo dục năm 2005 và năm 2012, rồi được chi tiết hóa ở Điều 14, 16 và Điều lệ trường đại học năm 2014. Sự có mặt của Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức trường đại học ở Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm trong cải cách quản trị đại học ở Việt Nam. Đến Luật giáo dục đại học 2018, Hội đồng trường đã được thể hiện rõ hơn vai trò quản trị, ra quyết định trong từng lĩnh vực hoạt động so với vai trò điều hành của Hiệu trưởng, quy định Hội đồng trường được quyền quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học… Đến đây mới thấy Hội đồng trường là một giải pháp về mặt thể chế quan trọng để thực hiện đổi mới quản trị đại học. Hội đồng trường có nhiệm vụ và quyền hạn quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, về phương hướng hoạt động của nhà trường và giám sát việc thực hiện các các nghị quyết của Hội đồng trường.
Riêng đối với trường đại học tư thục, Luật Giáo dục đại học 2012 dù chưa có thiết chế hội đồng trường đối trường đại học tư thục, nhưng thay vào đó “hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu” của trường đại học tư thục. Hiện nay, Luật Giáo dục đại học 2018 định nghĩa hội đồng trường dựa theo loại hình, theo đó đối với trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Hội đồng trường “là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan” (Khoản 1, Điều 17, Luật Giáo dục đại học 2018); trong khi đó, đối với trường đại học công lập, Hội đồng trường “là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan” (Khoản 1, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018).
4. Hội đồng trường đại học tư thục từ góc nhìn các mô hình quản trị công ty theo Luật doanh nghiệp 2020
Về cấp thẩm quyền quản trị, nếu so sánh với hội đồng thành viên trong mô hình quản trị công ty TNHH từ hai thành viên trở lên thì có một điểm khác biệt căn bản, đó là hội đồng trường đại học tư thục chưa phải là một cấp quản trị cao nhất, mà còn phụ thuộc vào hội nghị nhà đầu tư (tương ứng với Luật Giáo dục đại học 2012 là Đại hội đồng cổ đông). Trong khi đó, hội đồng thành viên trong mô hình quản trị công ty TNHH từ hai thành viên trở lên “là cơ quan quyết định cao nhất của công ty” theo Khoản 1, Điều 55, Luật Doanh nghiệp 2020. Ngược lại, khi so sánh với hội đồng quản trị trong mô hình quản trị công ty cổ phần thì hội đồng trường đại học tư thục có nét tương đồng về thẩm quyền quản trị. Nếu như hội đồng quản trị trong mô hình quản trị công ty cổ phần là cấp quản trị nằm giữa đại hội đồng cổ đông và giám đốc/ tổng giám đốc công ty, thì hội đồng trường đại học tư thục là tổ chức trung gian bên dưới hội nghị nhà đầu tư và bên trên hiệu trưởng.
Về thành viên Hội đồng trường, qua khái niệm tại Khoản 1, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018, có thể nhận thấy hội đồng trường của trường đại học tư thục đã được quy định là bao gồm đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành phần bắt buộc từ các bên liên quan, bên ngoài các nhà đầu tư, là nét khác biệt của hội đồng trường khi so sánh với mô hình quản trị công ty TNHH, vốn chỉ được quy định là “gồm tất cả thành viên công ty” (Khoản 1, Điều 55, Luật Doanh nghiệp 2020). Ngược lại, thành phần bắt buộc từ các bên liên quan của hội đồng trường lại là nét tương đồng khi so sánh với hôi đồng quản trị trong mô hình quản trị công ty cổ phần. Thật vậy, Điểm b, Khoản 1, Điều 137, Luật Doanh nghiệp 2020, về một mô hình quản trị công ty cổ phần bao gồm “đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc/tổng giám đốc”, quy định “ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập”.
Như vậy có thể kết luận, so với hội đồng quản trị của công ty cổ phần thì hội đồng trường chẳng những có sự tương đồng về cấp thẩm quyền quản trị, mà còn có những đặc trưng giống nhau về cơ cấu thành viên cấu thành hội đồng.
5. Kết luận 
Do yếu tố lịch sử của pháp luật giáo dục đại học mà thực tiễn hiện nay có rất nhiều trường đại học tư thục đã đầu tư và đang quản trị theo mô hình công ty một cách thực chất, từ đại hội đồng cổ đông cho đến hội đồng quản trị, từ cổ phần cho đến cổ tức. Hội đồng trường đại học tư thục có những nét tương đồng đáng kể so với Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần, từ thẩm quyền quản trị tới thành phần hội đồng. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về quản trị đại học và quản trị đại học trong trường đại học tư thục theo mô hình công ty ở Việt Nam, có thể xem xét phối hợp những đặc điểm phù hợp từ mô hình công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam và mô hình quản trị công ty cổ phần điển hình theo cấu trúc hai tầng ở Liên bang Đức để tạo ra một khung pháp lý hiệu quả cho mô hình quản lý này.

Lê Anh Vân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0