TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hội thảo khoa học “Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

06:43 02/07/2020
Logo header Ngày 26/6/2020, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội (ESSI) đã tổ chức Hội thảo khoa học có chủ đề “Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học “Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam”, do Viện Khoa học Môi trường và Xã hội là đơn vị chủ trì.
 
Tại Hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra những nhận định, đánh giá đúng mức về những khó khăn, thách thức của việc quản lý nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Tham dự hội thảo, về phía các cơ quan, ban ngành có TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ThS. Lê Đình Nghĩa - Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương; TS. Bùi Sỹ Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH); ThS. Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ LĐTB&XH;.. về phía các nhà khoa học có PGS.TS Nguyễn An Ninh - Viện CNXH Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS. Ngô Hữu Thảo - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS. TS Lê Ngọc Hùng - Trường Đại học Giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội;… PGS.TS Nguyễn Đức Bách - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội tham gia và chủ trì Hội thảo. 

PGS.TS Nguyễn Đức Bách - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội chủ trì Hội thảo khoa học “Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp"

Tại buổi Hội thảo, nhiều vấn đề về xã hội còn tồn tại ở các khu công nghiệp ở Việt Nam và những giải pháp rất đáng quan tâm đã được các nhà quản lý, nhà khoa học và các đơn vị doanh nghiệp đưa ra một cách cụ thể. Điển hình, trong bài tham luận về “Pháp luật và thực hiện pháp luật về dân tộc tại các khu công nghiệp hiện nay” của PGS.TS Nguyễn An Ninh  - Viện CNXH khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phản ảnh rõ nét về các vấn đề bên trong lẫn bên ngoài tại các khu công nghiệp hiện nay đối với các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và công nhân là người DTTS. Theo ông, cái mà pháp luật cần quan tâm hơn và có thể tạo ra những chuyển động tích cực với lao động là người DTTS ở các khu công nghiệp hiện nay chính là vấn đề bên ngoài hàng rào KCN. Chính ở đây, những đặc thù xã hội của con người dân tộc, con người tôn giáo, con người văn hóa mới bộc lộ ra và cần đến sự hỗ trợ xã hội, quản lý phát triển xã hội. Cũng không nên hiểu “bên ngoài hàng rào KCN” chỉ là những cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ trực tiếp cho quá trình tái sản xuất sức lao động của người công nhân, mà cần phải quan tâm đến thượng nguồn của vấn đề này. PGS.TS Nguyễn An Ninh chỉ ra rằng, nâng cao trình độ văn hóa cho người lao động trước khi bước vào KCN là chính, là vấn đề hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Việc chuẩn bị trước về văn hóa tay nghề cho mỗi lao động công nghiệp, là tạo ra vị thế mới cho người lao động khi họ bước vào phòng nhân sự của mỗi công ty và bước ra với một hợp đồng lao động bình đẳng. Và các chính sách hỗ trợ để nâng cao trình độ lao động cho công nhân là người DTTS là cái cần thiết nhất hiện nay. Vì đó cũng là một “điểm nghẽn về nhân lực” từ lâu của chúng ta. 

Rất nhiều đề xuất, giải pháp để đảm bảo các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam đáng quan tâm đã được nêu ra tại Hội thảo.

Đối với những khó khăn, thách thức của việc quản lý nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nhà ở là một trong những vấn đề xã hội bức thiết cần phải được giải quyết đặc biệt là đối với công nhân tại các khu công nghiệp. Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, rất nhiều giải pháp về nhà ở cho công nhân đã được đưa ra như bố trí nguồn vốn ưu đãi, tạo ra nhiều mô hình phát triển (nhà ở cho thuê; nhà ở phúc lợi của doanh nghiệp; nhà ở dân doanh…), mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, đặc biệt có chính sách cho các hộ dân xây nhà cho thuê được vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở… Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Có một số nguyên nhân điển hình như: Một số văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chưa kịp thời và hướng dẫn chưa cụ thể việc triển khai thực hiện; đồng thời một số văn bản có sự điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế trong thời gian ngắn nên quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương gặp nhiều khó khăn; Nguồn vốn ngân sách một số địa phương còn hạn hẹp dẫn đến việc khó khăn, không bố trí được vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án và thu hút người dân mua nhà ở; Việc tiếp cận vốn vay của công nhân, người lao động tới chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng còn nhiều bất cập;… Ông đưa ra các kiến nghị, đề xuất dành cho Chính phủ và địa phương rất cụ thể cho vấn đề này. Nổi bật có, đối với Chính phủ, cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá lại các thông tư, nghị định, quy định pháp luật, ban hành các văn bản hướng dẫn, các cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở xã hội; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp tự xây nhà hoặc tiếp tục hỗ trợ trực tiếp một phần tiền thuê nhà cho công nhân gắn với chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của người lao động;… đối với địa phương cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền (chủ trương, chính sách ưu đãi…) để phát triển, thu hút nhà đầu tư, người dân tham gia vào các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, đồng thời có giải pháp hữu hiệu trong công tác giải phóng mặt bằng. Hỗ trợ các nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân người lao động tiếp cận với đất sạch để đầu tư xây dựng… Cùng với đó, rất nhiều vấn đề về tôn giáo, việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, đời sống văn hóa - giải trí, giáo dục nghề cho công nhân,… đã được trình bày chi tiết tại buổi Hội thảo thông qua nhiều bài tham luận có giá trị của các vị đại biểu tới tham dự. 

Hội thảo cũng phân tích và đánh giá các chính sách hiện nay, từ đó các khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra với mục tiêu đảm bảo các vấn đề về xã hội, các quyền lợi của người lao động trong các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xuân Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20

Bình luận: 0